+Aa-
    Zalo

    “Ước gì nước đừng vào nhà mình, mẹ nhỉ!”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) – Trong “túp lều chị Dậu” ấy có một người bố bị nhiễm chất độc da cam, một cô con gái mang bệnh u xương cánh tay và loãng xương mạnh. Mùa lũ miền Trung sắp về...

    (ĐSPL) – Trong “túp lều chị Dậu” ấy có một người bố bị nhiễm chất độc da cam, một cô con gái mang bệnh u xương cánh tay và loãng xương mạnh. Mùa bão lũ miền Trung sắp về, ở đó có chút gì chênh chao…

    Cơn mưa rào xối bất chợt, trong ngôi nhà tranh ấy, những giọt nước tí tách rơi xuống, thấm nhòe những mảnh đời cơ cực bệnh tật, đói nghèo. Người viết tự hỏi, khi mùa bão lũ miền Trung về, “túp lều chị Dậu” ấy có còn “đủ sức” đứng đó nữa không? Có chút quặn lòng xót xa cho những con người đang hằng ngày vẫn “chui ra chui vào” nơi ấy.

    Theo hướng dẫn của một cán bộ chính sách xã Sơn Long, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), đoàn chúng tôi ghé thăm ngôi nhà của vợ chồng anh Phan Văn Hoàng (SN 1976) và chị Phạm Thị Huệ (SN 1983), thuộc xóm 2, khi cơn mưa “đỏng đảnh” tháng 8 bất ngờ ập xuống.

    “Ước gì nước đừng vào nhà mình mẹ nhỉ”
    Ngôi nhà tranh tuềnh toàng của vợ chồng anh Phan Văn Hoàng.

    Trong ngôi nhà tranh tuềnh toành ấy hầu như không có một vật dụng gì đáng giá tiền trăm nghìn. Thậm chí, nhà bếp cũng không có được một cái vách tường cho lành lặn. Nước mưa té hắt vào bếp củi, khiến buổi nấu cơm trưa của gia đình nghèo ấy thật vất vả.

    Được biết, vợ chồng anh Hoàng đều là con nhà nông, nghèo khó. Họ xây dựng tổ ấm nhỏ từ hai bàn tay trắng. Những tưởng tiếng cười của vợ chồng, con trẻ sẽ xua đi gánh nặng cơm áo gạo tiền, nào ngờ thiếu thốn về vật chất đã đè ngược lại tiếng cười của các thành viên trong ngôi nhà khốn đốn ấy.

    Theo đồng chí cán bộ xã Sơn Long đi cùng chúng tôi cho biết, anh Phan Văn Hoàng là một nạn nhân chất độc da cam, hàng tháng được hưởng 700.000 đồng từ tiền chế độ chính sách của nhà nước. Tuy nhiên, do di chứng của chiến tranh để lại, sức khỏe của anh Hoàng đã yếu đi nhiều, không lao động được gì để kiếm thêm thu nhập, phụ giúp gia đình. Còn chị Phạm Thị Huệ lại là một nông dân không biết chữ, công việc chỉ quẩn quanh mấy sào ruộng. Bản thân chị cũng đau ốm thường xuyên, thế nhưng để có đồng đong gạo, chị vẫn cố gắng gượng đi làm thêm. Ai thuê gì làm nấy, mỗi ngày quần quật, chị Huệ cũng kiếm được khoảng 100.000 đồng.

    “Ước gì nước đừng vào nhà mình mẹ nhỉ”
    Những bức vách không lành lặn…

    Tuy nhiên, từng đấy nào có thấm tháp gì so với số tiền chữa bệnh cho cô con gái đầu của anh chị. Cháu Phan Thị Như Quỳnh (SN 2004) mới bước qua 10 tuổi đã phải chịu những cơn đau hành hạ từ căn bệnh u xương cánh tay và loãng xương nặng. Gia đình đã cố gắng đưa cháu đi điều trị nhiều nơi, nhưng đến nay bệnh tình của Quỳnh vẫn không thuyên giảm.

    Nói về trường hợp gia đình anh Phan Văn Hoàng, ông Lê Đình Nghĩa - Chủ tịch UBND xã Sơn Long thành thật cho biết: “Gia đình anh Hoàng là một trường hợp đặc biệt khó khăn của xã. Chồng bị chất độc da cam, không làm được gì, vợ cũng đau ốm liên miên. Mấy năm lại đây, con gái đầu của anh Hoàng lại bị căn bệnh quái ác khó chữa nên cuộc sống gia đình họ hết sức khó khăn. Để chữa bệnh cho cháu Quỳnh, vợ chồng anh phải đi vay bà con, làng xóm đến 50 triệu đồng. Tuy nhiên, “cõng” trên lưng cả đống nợ kia nhưng bệnh của cháu vẫn không khỏi. Kinh tế trong nhà trông cả vào công việc làm thuê bấp bênh của chị Huệ và 2 sào ruộng khoán”.

    Bữa cơm vắng bóng thịt cá, vậy mà vẫn phải chạy ăn từng bữa. "Cuộc chiến" đấu tranh với bệnh tật của con gái khiến anh chị kiệt quệ cả về vật chất lẫn tinh thần, nhưng nỡ lòng nào mà từ bỏ được.

    Người mẹ gầy gò mang khuôn mặt khô khốc, xanh xao ấy tựa vào cột nhà liêu xiêu, ngẫm gia cảnh, thương chồng thương con mà bật khóc nức nở. Tôi cảm nhận được những giọt nước mắt mặn chát ấy có tên gọi là Tủi phận.

    “Ước gì nước đừng vào nhà mình mẹ nhỉ”
    Cán bộ chính sách xã Sơn Long ghé thăm, động viên mẹ con chị Huệ

    Cơn mưa vô tình tháng 8 chiều nay đã khiến không ít vật dụng trong gia đình nhỏ ấy ẩm ướt. Cả chủ lẫn khách cũng phải loay xoay mãi mới tìm được một chỗ ngồi đỡ dột. Toàn bộ xô chậu, ca thùng đều được huy động để hứng nước. Chúng tôi nhìn quanh, trong nhà không có chỗ để tránh mưa ngoài chiếc giường ngủ được che đậy bằng ni lông. Có lẽ đến thăm nhà vợ chồng anh Hoàng vào ngày như thế này, mới thấu được hết cảnh cơ cực của những con người bệnh tật, nghèo khổ ấy. Trong thoáng chốc, người viết có chút rùng mình khi nghĩ đến mùa bão lụt sắp về.

    Chị Huệ gạt nước mắt tâm sự với chúng tôi: “Mấy bữa trời mưa, cháu Quỳnh cứ ôm lấy em bảo: “Ước gì nước đừng vào nhà mình mẹ nhỉ!”. Nghe con nói thế, em rớt nước mắt, thấy mình làm mẹ mà lực bất tòng tâm. Vợ chồng em kinh tế khó khăn, lo được tiền để chữa bệnh cho con đã trăm bề cơ cực rồi chứ nào dám nghĩ tới việc làm một ngôi nhà cho lành lặn che mưa che nắng”.

    Họ không dám nghĩ, hay với họ đó là một thứ xa vời? Dẫu là gì thì lúc này đây, gia đình anh Phan Văn Hoàng và cháu Phan Thị Như Quỳnh vẫn đang rất cần sự sẻ chia, giúp đỡ từ những tấm lòng thơm thảo trên khắp mọi miền Tổ quốc. Hi vọng rằng, một ngôi nhà vững chãi và ước muốn của cô bé 10 tuổi bị u xương cánh tay kia sẽ không còn là mơ.

    Mọi sự giúp đỡ, ủng hộ bằng tiền mặt cho hoàn cảnh đặc biệt này, xin gửi về:

    - Anh Phan Văn Hoàng, xóm 2, xã Sơn Long, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh)

    Hoặc:

    BáoĐời sống & Pháp luật tại Miền Trung
    Số 03, Đại lộ Lê Nin, TP Vinh - Nghệ An; ĐT/Fax: 038.8601010;
    Số tài khoản: 0191012468008, Ngân hàng Bảo Việt Nghệ An, c
    hủ tài khoản: Báo Đời sống & Pháp luật tại Miền Trung.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/uoc-gi-nuoc-dung-vao-nha-minh-me-nhi-a44094.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan