Theo Reuters, sau cuộc đàm phán với người đồng cấp Croatia Gordan Grlic-Radman hôm 31/7, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết, hai nước đã nhất trí về khả năng sử dụng các cảng của Croatia trên sông Danube và biển Adriatics để xuất khẩu ngũ cốc của Kiev.
“Chúng tôi hiện sẽ làm việc để thiết lập các tuyến đường hiệu quả nhất tới các cảng của Croatia và tận dụng tối đa cơ hội này. Mọi đóng góp nhằm giúp Ukraine nối lại việc xuất khẩu ngũ cốc đều hiệu quả đối với an ninh lương thực thế giới”, Ngoại trưởng Kuleba nói.
Croatia cung cấp mạng lưới đường sắt và cảng của mình như một tuyến đường xuất khẩu thay thế cho ngũ cốc Ukraine, sau khi Nga rời khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen vào ngày 17/7, theo thông tin trên The Kyiv Independent.
Trước đó, hồi tháng 7/2022, Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã đứng ra làm trung gian cho Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen với mục đích chống lại cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, vượt qua những khó khăn gia tăng sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
RT cho biết, thỏa thuận này đi kèm một bản ghi nhớ giữa Nga và Liên Hợp Quốc nhằm tạo điều kiện cho nông sản Nga xuất khẩu thuận lợi mà không gặp rào cản.
Các mục tiêu của bản ghi nhớ gồm cho phép Ngân hàng Nông nghiệp Nga (Rosslekhozbank) kết nối lại với mạng lưới thanh toán quốc tế SWIFT, cho phép phân phối các phụ tùng cho máy móc nông nghiệp, tái khởi động đường ống amoniac Tolyatti-Odessa. Ngoài ra còn có giải quyến vấn đề về bảo hiểm và hậu cần, cũng như ngừng đóng băng các tài sản của nước này.
Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho hay chưa có mục tiêu nào trong số này được thực hiện. Ông cũng tiết lộ, Moscow đã nhiều lần gia hạn thỏa thuận một cách thiện chí bất chấp thực tế nói trên.
XEM THÊM: Phản ứng của Nhà Trắng khi Fitch hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của Mỹ
Ukraine hiện đang phụ thuộc vào các tuyến đường xuất khẩu trên bộ ở châu Âu và một tuyến đường thay thế qua sông Danube, sau khi Nga từ chối gia hạn Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen.
Ngoài Croatia, Bukgaria cũng gợi ý rằng cơ sở hạ tầng giao thông của họ có thể được sử dụng cho việc vận chuyển ngũ cốc của Ukraine. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) cam kết tiếp tục hỗ trợ việc xuất khẩu của Kiev thông qua “các tuyến đường đoàn kết” được tạo ra vào tháng 5/2022.
Trong các cuộc đàm phán hôm 31/7, ông Grlic-Radman và ông Kuleba còn thảo luận về viện trợ quân sự cho Kiev, cũng như sự hỗ trợ của Zagreb trong việc thực hiện “công thức hòa bình” của Ukraine.
Ngoài ra, hai ngoại trưởng thảo luận về công tác chuẩn bị cho Hội nghị các nhà tài trợ quốc tế về khắc phục hậu quả bom mìn ở Ukraine, dự kiến diễn ra tại Zagreb vào tháng 10 tới.
Đinh Kim(Theo Reuters, The Kyiv Independent, RT)