CNN đưa tin ngày 7/12 (giờ địa phương), trong những tháng gần đây, các quan chức và nhà lập pháp Ukraine đã thúc giục chính quyền Tổng thống Joe Biden và các thành viên Quốc hội Mỹ về việc cung cấp cho quân đội Ukraine bom, đạn chùm - loại vũ khí bị cấm ở hơn 100 quốc gia. Tuy nhiên, bom, đạn chùm vẫn được quân đội Nga sử dụng để tăng sức công phá trong chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Chia sẻ với CNN, nhiều quan chức Mỹ và Ukraine cho rằng đề xuất nêu trên của phía Kiev là một trong những yêu cầu gây tranh cãi nhất từng được đưa ra với Mỹ kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bắt đầu hồi tháng 2.
Các quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Joe Biden đã cân nhắc yêu cầu này trong nhiều tháng và đã không từ chối hoàn toàn.
Về mặt thiết kế, bom, đạn chùm được cho là không chính xác và phát tán các khu vực rộng lớn. Loại bom này có thể không phát nổ khi va chạm và có thể gây rủi ro lâu dài cho những đối thủ gặp phải chúng, tương tự như bom mìn.
Ông Mark Hiznay, Phó giám đốc mảng vũ khí của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, từng nói rằng loại bom, đạn chùm tạo ra nguy hiểm lớn cho bất kỳ đối tượng nào bị tấn công vì hàng chục quả bom, đạn con phát nổ cùng lúc trên một khu vực rộng lớn.
Các quan chức hàng đầu của Mỹ đã công khai tuyên bố rằng họ có kế hoạch hỗ trợ người Ukraine nhiều nhất có thể để giúp họ chiếm thế thượng phong trên bàn đàm phán với Nga, nếu điều đó xảy ra. Tuy nhiên, thiết bị quân sự của phương Tây không phải là vô hạn, đặc biệt khi kho dự trữ đầu đạn ngày càng cạn kiệt, Ukraine đã nói rõ với Mỹ rằng họ có thể sử dụng các loại bom, đạn chùm đang chất trong kho.
Đối với Ukraine, bom chùm có thể giải quyết hai vấn đề chính: nhu cầu có thêm đạn dược cho các hệ thống pháo và tên lửa mà Mỹ và các nước khác đã cung cấp, cùng với đó là một cách để ngăn chặn ưu thế về quân số của Nga về pháo binh.
Chính quyền Mỹ đã không loại bỏ đề xuất này, có thể coi đây là lựa chọn cuối cùng nếu các kho dự trữ bắt đầu cạn vũ khí một cách nguy hiểm. Tuy nhiên, các nguồn tin cho biết đề xuất của Ukraine vẫn chưa được cân nhắc đáng kể, phần lớn là do những hạn chế theo luật định mà Quốc hội Mỹ đã đặt ra đối với việc chuyển giao bom, đạn chùm.
Những hạn chế đó áp dụng cho các loại đạn dược có tỷ lệ chưa nổ lớn hơn 1% vì sẽ làm tăng khả năng gây rủi ro cho dân thường. Tổng thống Joe Biden có thể có quyền vượt hạn chế đó, nhưng chính quyền Mỹ đã bắn tín hiệu với Ukraine rằng điều đó khó xảy ra trong thời gian tới.
Theo CNN, cả phía Ukraine và Nga đều sử dụng bom chùm kể từ khi chiến dịch quân sự bắt đầu vào tháng 2. Nga đã phủ nhận cáo buộc này.
Các quan chức Ukraine cho biết Ukraine muốn bom, đạn chùm tương thích với cả bệ phóng tên lửa HIMARS và pháo 155 mm do Mỹ cung cấp, đồng thời lập luận rằng loại bom, đạn này sẽ cho phép quân đội Ukraine tấn công hiệu quả hơn các mục tiêu lớn và phân tán như nơi tập trung binh lính và phương tiện của Nga.
Bích Thảo(Theo CNN)