+Aa-
    Zalo

    Tướng Nguyễn Chí Vịnh nói về đất quốc phòng & quân đội làm kinh tế

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định: “Không có chuyện Bộ Quốc phòng ra chỉ thị thanh tra đất quốc phòng ở Thành phố Hồ Chí Minh”.

    Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định: “Không có chuyện Bộ Quốc phòng ra chỉ thị thanh tra đất quốc phòng ở Thành phố Hồ Chí Minh”.

    Trên báo chí gần đây có thông tin về việc Bộ Quốc phòng thanh tra đất quốc phòng ở Thành phố Hồ Chí Minh và ý kiến cho rằng Bộ Quốc phòng không nên làm kinh tế.

    Phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam phỏng vấn Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng về nội dung này.

    Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

    PV: Thưa Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, vừa qua trên báo chí có thông tin cho biết Bộ Quốc phòng sẽ thanh tra toàn bộ đất quốc phòng ở thành phố Hồ Chí Minh, xin Thượng tướng cho biết rõ hơn về nội dung này?

    Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Không có chuyện Bộ Quốc phòng ra chỉ thị thanh tra toàn bộ đất đai ở thành phố Hồ Chí Minh, vì thanh tra phải có luật và phải có lý do, kế hoạch.

    Chính xác là vừa qua Bộ Quốc phòng có chỉ đạo trong toàn quân, các quân khu các binh chủng kiểm tra lại việc sử dụng đất quốc phòng vào nhiệm vụ quốc phòng quân sự và các nhiệm vụ khác, đặc biệt quan tâm đến việc vào hoạt động kinh tế, nếu đơn vị nào có vấn đề hoặc sử dụng không đúng mục đích phải kịp thời chấn chỉnh ngay. Đây là chỉ đạo thường xuyên của Quân ủy Trung ương, của Bộ Quốc phòng.

    Nếu kiểm tra đơn vị nào có thiếu sót, thực hiện không đúng pháp luật nhà nước, quy định quân đội thì phải khắc phục sửa chữa, đơn vị nào có vấn đề sai phạm lúc đó mới tổ chức thanh tra.

    PV: Vậy thưa Thượng tướng, việc thực hiện kiểm tra đất tại các đơn vị đã có kết quả chưa và cụ thể ra sao?

    Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng cũng có kết quả ban đầu về việc kiểm tra toàn bộ đất đai của các đơn vị, các quân khu, quân chủng, các đơn vị trong toàn quân ở tất cả các địa bàn.

    Có thể nói cơ bản đất đai quốc phòng được quản lý theo đúng quy định của nhà nước, sử dụng đúng mục đích sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, sản xuất, trong đó có một phần làm kinh tế.

    PV: Cũng liên quan đến vấn đề làm kinh tế, gần đây có ý kiến cho rằng quân đội không nên làm kinh tế, điều này có trái với 3 nhiệm vụ được quy định của quân đội là: chiến đấu, công tác và lao động sản xuất hay không, thưa Thượng tướng?

    Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Không phải chỉ đến hôm nay mà từ khi thành lập Quân đội thì Bác Hồ đã dạy Quân đội là một đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất. Quân đội tham gia làm kinh tế phải là kinh tế quốc phòng, phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thì hiện nay Quân đội làm kinh tế là cái gì: Trước hết là các xí nghiệp quốc phòng để sản xuất trực tiếp ra các sản phẩm quốc phòng, hay tôi nói là vũ khí và trang bị quốc phòng.

    Thứ hai là các đoàn kinh tế quốc phòng. Trồng cao su, trồng rừng, làm nông nghiệp, trồng cà phê… Nhưng nhiệm vụ chủ yếu là giúp dân và phát triển kinh tế - xã hội. Đội hình vẫn giữ nguyên là các sư đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn, chỉ có không cầm súng thôi, mà cầm cuốc, cầm cày và doanh nghiệp Quân đội.

    Vừa qua Quân ủy Trung ương đã quy hoạch xong hệ thống doanh nghiệp trong Quân đội. Với mấy yêu cầu sau đây: Thứ nhất, doanh nghiệp quân đội phải là doanh nghiệp trực tiếp phục vụ nhiệm vụ quốc phòng kết hợp làm kinh tế. Không có doanh nghiệp nào chỉ làm kinh tế đơn thuần. Thứ hai, doanh nghiệp quân đội là phải tổ chức chặt chẽ theo đúng mô hình tái cơ cấu mà Chính phủ quy định. Thứ 3 là doanh nghiệp quân đội phải làm theo đúng luật, đúng quy định, không có biệt lệ, đóng thuế rồi báo cáo… như một doanh nghiệp.

    Quân đội chúng ta trước đây có gần 200 doanh nghiệp, vừa qua đã rút xuống còn hơn 80 và trong đề án mà quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng báo cáo Chính phủ còn 17 doanh nghiệp. Những doanh nghiệp nào thực sự cần thiết, thực sự làm ăn đứng đắn, thực sự tuân thủ luật pháp thì mới được tồn tại. Cái này không hề dễ dàng nhưng quân đội quyết tâm làm và phải làm nhanh.

    PV: Thưa Thượng tướng, về thông tin sẽ thu hồi sân golf ở sân bay Tân Sơn Nhất, quan điểm của Bộ Quốc phòng như thế nào về vấn đề này?

    Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Tập thể Quân ủy thống nhất cao, nếu Chính phủ thấy rằng có nhu cầu phát triển sân bay Tân Sơn Nhất thì quân đội sẵn sàng đàm phán với chủ đầu tư thu hồi đất sân golf giao lại cho Chính phủ khi Chính phủ yêu cầu.

    Không chỉ ở sân golf Tân Sơn Nhất mà ở tất cả các địa điểm khác, nếu khu vực nào đất đai mà quân đội chưa sử dụng ngay, quân đội sẵn sàng giao cho Chính phủ, các địa phương để tham gia góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Còn khi có chiến tranh hoặc khi có tình huống, quân đội sẽ báo cáo Chính phủ xin sử dụng lại khu vực đất đó.

    Sân golf ở sân bay Tân Sơn Nhất cách đây hơn 10 năm đã được Chính phủ cho phép sử dụng trong thời gian nhàn rỗi, chưa sử dụng ngay vào mục đích Quốc phòng để làm sân golf. Với điều kiện khi có nhiệm vụ quốc phòng, khi có nhu cầu quốc phòng, hoặc khi có chỉ thị của cấp trên thì thu hồi vô điều kiện. Đây là thỏa thuận có tính nguyên tắc giữa Bộ Quốc phòng và chủ đầu tư.

    Tuy nhiên, thời gian vừa qua Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng nhận thấy việc xây dựng, hoạt động sân golf hoàn toàn đúng luật pháp, đúng quy định, nhưng nó tạo ra dư luận xấu trong xã hội, cho nên ngay từ đầu năm đồng chí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã có một chỉ thị dừng toàn bộ việc xây dựng các khu dịch vụ ở hai sân golf này để chờ kiểm tra, kiểm soát cũng như chờ quyết định của cấp trên.

    PV: Vâng, xin cảm ơn Thượng tướng!./.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tuong-nguyen-chi-vinh-noi-ve-dat-quoc-phong-quan-doi-lam-kinh-te-a195703.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan