Theo quy định Luật giao thông đường bộ, người tử đủ 18 tuổi trở lên mới được tham gia thi sát hạch giấy phép lái xe mô tô, xe máy và điều khiển xe trên 50 phân khối. Thế nhưng thực tế, hiện nay, nhiều gia đình vẫn bất chấp giao xe cho con em, nhất là các em học sinh THPT cầm lái tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Và hệ luỵ là hàng loạt vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra mà nguyên nhân là do các em trong độ tuổi học sinh chưa được trang bị đầy đủ kiến thức pháp luật về giao thông, chưa có kỹ năng lái xe an toàn nên tình trạng vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, phóng nhanh, vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm, thậm chí có cả trường hợp sử dụng rượu bia… khi tham gia giao thông.
Theo thống kê của Phòng CSGT Hà Nội, trong tháng cao điểm (tháng 10), toàn thành phố đã xử lý gần 8.000 trường hợp học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông, tạm giữ gần 3.500 phương tiện các loại.
Ngoài ra, lực lượng chức năng đã xử lý hơn 450 phụ huynh, chủ xe giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển, xác minh và lập danh sách hơn 3.000 trường hợp học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông để gửi thông báo đến Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.
Việc cha mẹ giao xe cho con khi trẻ chưa đủ điều kiện gây ra những hậu quả rất đáng tiếc, thậm chí là nhiều vụ tai nạn thương tâm.
Những ngày qua, dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng sau khi một nhóm quái xế gây tai nạn tại ngã tư Trần Hưng Đạo - Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội làm một cô gái tử vong.
Theo đó, khoảng 0h15 ngày 3/11, khi chị Q. (27 tuổi, trú tại Hà Nội) điều khiển xe máy dừng đèn đỏ tại nút giao Trần Hưng Đạo - Bà Triệu thì bị xe máy trong đoàn do nhóm thanh thiếu niên (khoảng 20 - 30 xe) di chuyển ngược chiều, với tốc độ cao tông trúng là chị Q. tử vong tại chỗ.
Hay mới đây, vào tối ngày 9/11, một vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra trên đường Ỷ Lan (Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội) khiến 6 người (đều trong độ tuổi học sinh) thương vong.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, nguyên nhân dẫn đến số vụ TNGT tăng có một phần do học sinh chưa đến tuổi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, song phụ huynh vẫn giao xe cho con. Trong khi đó pháp luật quy định rất cụ thể về mức xử phạt khi cha mẹ giao xe hoặc để con chưa đủ tuổi điều khiển mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự như mô tô tham gia giao thông. Tuy nhiên, do nuông chiều con cái, hoặc quá bận công việc không thể đưa, đón con đi học, thậm chí không hiểu biết các quy định của pháp luật nên cha mẹ vẫn "vô tư" giao xe cho con.
Trao đổi với PV Đời sống & Pháp luật, luật sư Hoàng Tùng (Trưởng văn phòng luật sư Trung Hòa) cho biết, theo quy định, người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50cm3; người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô. Vì vậy, hành vi giao hay để trẻ chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện là vi phạm pháp luật.
Nghị định 100 năm 2019 quy định, người nào giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển tham gia giao thông sẽ bị phạt tiền từ 800 nghìn đến 2 triệu đồng đối với cá nhân, từ 1,6 - 4 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô. Nếu người được giao xe gây tai nạn, chủ xe sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo luật sư Hoàng Tùng, hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển là hành vi nguy hiểm cho xã hội song hình phạt hiện tương đối nhẹ, chủ yếu là phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ nên chưa thực sự đủ răn đe.
Chia sẻ về thực trạng đáng buồn nêu trên, luật sư Hoàng Tùng nhận định nguyên nhân của vấn đề này là do khoảng cách từ nhà một số học sinh đến trường khá xa, trong khi các phương tiện công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của các em. Xe máy giúp các em chủ động hơn về thời gian. Khi tự đi xe máy, các em cũng không bị phụ huynh hoặc người lớn giám sát quá chặt chẽ... Ngoài ra, có lẽ ở độ tuổi mới lớn, các em muốn khẳng định mình, thể hiện sự trưởng thành và tự lập.
Để tránh những vụ TNGT đáng tiếc xảy ra, luật sư Hoàng Tùng cho rằng các bậc phụ huynh cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, đặc biệt là cần quản lý, nhắc nhở con không điều khiển xe tham gia giao thông khi chưa đủ điều kiện để tránh xảy ra điều đáng tiếc.
Tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội để quản lý, giáo dục học sinh chấp hành pháp luật về TTATGT. Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phải cụ thể, rõ ràng để tác động hiệu quả trực tiếp đến đối tượng đặc thù là học sinh, qua đó góp phần giáo dục đạo đức, lối sống và hình thành ý thức, thói quen tuân thủ pháp luật cho các em học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, góp phần tích cực vào việc giữ ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tăng cường quản lý Nhà nước bằng pháp luật trên địa bàn tỉnh.
Vừa qua, Cục CSGT Bộ Công an đang tham mưu xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe.
Trong dự thảo lần 4 này, cơ quan soạn thảo dự kiến điều chỉnh tăng mức xử phạt một số nhóm hành vi vi phạm liên quan đến vi phạm quy tắc giao thông và nhiều nhóm hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông.
Dự thảo mới nhất này đề xuất tăng xử phạt hành chính đối với hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện gấp 5 lần, từ 4 - 6 triệu đồng (mức cũ) lên 28. -30 triệu đồng.
Đối với chủ môtô, xe gắn máy: Đề xuất phạt 8 - 10 triệu đồng đối với cá nhân; 16 - 20 triệu đồng đối với tổ chức mà giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện cầm lái. Mức phạt hiện nay là 0,8 - 2 triệu đồng đối với cá nhân và 1,6 - 4 triệu đồng đối với tổ chức.
Với chủ ôtô và xe tương tự: Đề xuất phạt 28 - 30 triệu đồng đối với cá nhân; 56 - 60 triệu đồng đối với tổ chức giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện cầm lái. Mức phạt hiện nay là 4 - 6 triệu đồng đối với cá nhân; 8 - 12 triệu đồng đối với tổ chức.
Đại diện Cục CSGT lý giải, từ ngày 1/10 vừa qua, lực lượng chức năng toàn quốc triển khai cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm đối với học sinh và phụ huynh; các hoạt động tụ tập đua xe, lạng lách, đánh võng, gây rối trật tự công cộng.
Quá trình thực hiện, CSGT ngoài tuyên truyền và đưa ra cảnh báo còn tập trung xử lý các lỗi như: Điều khiển xe không có giấy phép lái xe; không đội mũ bảo hiểm; chở quá số người quy định; không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.
Sau khoảng một tháng ra quân, lực lượng làm nhiệm vụ tại nhiều địa phương ghi nhận một bộ phận phụ huynh vẫn chưa chú ý đến việc quản lý giáo dục con em, vô tư giao xe cho các cháu dù biết con chưa đủ điều kiện điều khiển xe.
Cục CSGT đánh giá việc tăng mức xử phạt đối với một số hành vi cố tình vi phạm là nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, giao xe cho người không đủ điều kiện... là hoàn toàn cần thiết, đảm bảo tính nhân văn và nâng cao ý thức người lái xe, xây dựng môi trường văn hóa giao thông văn minh.
Cục CSGT nhấn mạnh, riêng đối với hành vi giao xe cho người chưa đủ điều kiệnđiều khiển, cơ quan soạn thảo đề xuất tăng chế tài xử lý, gắn trách nhiệm của hành vi này với người giao xe, chủ phương tiện và đặc biệt là kiên quyết xử lý hình sự đối với hành vi giao xe mà gây ra tai nạn giao thông gây hậu quả theo quy định của pháp luật.