Cho vay nặng lãi 405,5%/năm
Sáng 14/12 vừa qua, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với Công an huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk điều tra, xử lý một nhóm đối tượng từ Hải Phòng vào để hoạt động tín dụng đen. Các đối tượng gồm: Bùi Văn Thiện (SN 1999), Phạm Hồng Thái (SN 1991), Đỗ Văn Hợp (SN 1990, cùng tạm trú ở huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk).
Theo thông tin ban đầu, từ tháng 3 đến tháng 11/2021, các đối tượng nói trên từ TP. Hải Phòng vào huyện M'Đrắk để tổ chức hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi từ 121,7%/năm đến 405,5%/năm.
Nhóm đối tượng cho vay nặng lãi được Công an triệu tập làm việc. Ảnh: T.X.
Nhóm đối tượng nói trên cho khoảng 150 người vay tiền với tổng số tiền giao dịch là hơn 4 tỷ đồng. Những đối tượng được nhóm này nhắm đến là những người có thu nhập thấp, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ ở địa phương có khó khăn trong mùa dịch, những người có nhu cầu "vay nóng" hoặc vay không có tài sản thế chấp.
Nhiều giấy tờ thể hiện hoạt động tín dụng đen của nhóm đối tượng (Ảnh: Công an cung cấp).
Dưới góc nhìn xã hội, PGS.TS Bùi Thị An – Đại biểu Quốc hội khóa XIII – cho rằng: “Cho vay tín dụng đen lợi dụng tình hình dịch bệnh là hành động rất vô lương tâm và không có đạo đức”.
Theo bà An, trong lúc người dân cả nước đang gồng mình chống dịch, bao nhiêu hình ảnh đẹp đẽ của sự chia ngọt sẻ bùi, đùm bọc lẫn nhau lan tỏa khắp mọi miền thì lại xuất hiện những kẻ lợi dụng những lúc con người ta rơi vào bước đường cùng, khó khăn để trục lợi là điều vô cùng phản cảm, vô đạo đức, đi ngược lại truyền thống của người Việt Nam.
“Tôi đề nghị xử lý thật nghiêm những cá nhân tổ chức hoạt động tín dụng đen kiểu này. Bởi, họ đã bắt chẹt những người yếu thế, họ không còn tính người”, bà An nói.
PGS.TS Bùi Thị An.
Bà An cho rằng, vừa qua, Chính phủ, các đoàn thể cũng đã hỗ trợ hết mức cho những người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Thế nhưng, có lẽ cũng cần rà soát kỹ lưỡng hơn để phát hiện triệt để những người cần được hỗ trợ và giúp họ vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Vì dịch bệnh Covid sẽ kéo dài nên cần thiết rà soát để không ai bị bỏ lại phía sau theo đúng tinh thần của Thủ tướng Chính phủ từng quán triệt.
“Muốn triệt xóa tín dụng đen, không để họ tầm gửi vào mưu cầu cuộc sống trong lúc khó khăn mà dồn người dân hiền lành, thật thà đến bước đường cùng thì tôi nghĩ việc tuyên tuyền là rất quan trọng. Chúng ta cần có nhiều biện pháp tuyên truyền hơn nữa nhằm thay đổi nhận thức của người dân.
Các tổ chức chính trị xã hội, nhất là các đơn vị phụ nữ, cựu chiến binh, xã phường cơ sở gần dân nhất làm sao để tuyên truyền cho người dân hiểu, không sa vào bẫy của đối tượng hoạt động tín dụng đen.
Bên cạnh đó, rất cần các quỹ tín dụng mở rộng ra hơn. Vì tín dụng đen lợi dụng sự thiếu hụt, khó khăn của người dân, thế nên các quỹ tín dụng được Nhà nước cho phép và pháp luật bảo hộ cần sát dân hơn, gần dân hơn, làm sao cho dân vay được mà vẫn bảo toàn được vốn. Tạo điều kiện tốt nhất, đơn giản nhất để cho người dân có thể tiếp cận được các nguồn tín dụng như vậy sẽ góp phần không nhỏ để đẩy lùi tín dụng đen”, bà An nhấn mạnh.
Triệt phá nhiều băng nhóm tín dụng đen
Trước đó, nhiều đối tượng hoạt động tín dụng đen trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cũng từng bị lực lượng chắc năng bắt giữ. Cụ thể, ngày 24/10/2021, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đắk Lắk triệt phá một nhóm đối tượng từ Thanh Hóa vào Đắk Lắk để hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi gồm: Lê Công Toản (SN 1988); Nguyễn Duy Hoàng (SN 1992); Lường Đình Nam (SN 1992) và Lê Thị Hạnh (SN 1986). Có khoảng 150 người dính bẫy với tổng số tiền giao dịch cho vay là hơn 4,3 tỷ đồng, lãi suất từ từ 109,5%/năm đến 360%/năm.
Đêm 19/6/2021, Đội Cảnh sát hình sự, Công an TP. Buôn Ma Thuột đã tiến hành bắt giữ 3 đối tượng gồm: Vũ Văn Mạnh, Trịnh Văn Phúc và Trịnh Văn Dư (cùng trú tại TP Hải Phòng). Nhóm này vào TP. Buôn Ma Thuột thuê trọ từ cuối 2019 để hoạt động tín dụng đen. Khoảng 100 người dân vay tổng số tiền gần 3 tỷ đồng, với lãi suất hơn 365%/năm, nhóm này thu lợi bất chính trên 500 triệu đồng.
Ngày 18/2/2021, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đắk Lắk điều tra, làm rõ để xử lý một nhóm đối tượng hoạt động tín dụng đen do Hồ Anh Dũng (SN 1997, quê tỉnh Bắc Giang) cầm đầu. Nhóm của Dũng thường cho vay với lãi suất từ 110%/năm đến 970%/năm. Tổng số tiền giao dịch cho người dân vay lên đến khoảng 5 tỷ đồng.
Ngày 26/12/2019, Công an TP. Buôn Ma Thuột triệt xóa nhóm gồm: Đỗ Văn Dũng (31 tuổi), Phạm Xuân Quang (25 tuổi), Lê Mạnh Cường (31 tuổi) và Đỗ Văn Sỹ (25 tuổi, cùng có hộ khẩu thường trú TP.Hải Phòng) cho vay với lãi suất từ 185% đến 240%/năm, hơn 2,5 tỷ đồng bị thu giữ tại thời điểm bắt giữ.
Thủ đoạn chung của các nhóm này là phát các tờ rơi quảng cáo "Cho vay lãi suất thấp, không cần thế chấp, giải ngân trong ngày" kèm theo số điện thoại rồi đi rải ở những khu vực đông dân cư. Sau khi người dân cần vay tiền, liên hệ đến số điện thoại in trên tờ rơi quảng cáo thì các đối tượng sẽ đến tận nhà xác minh tài sản. Thấy người vay có đủ điều kiện để trả nợ thì các đối tượng sẽ cho vay.
Nhật Hạ