Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch tại Tổ đình Từ Hiếu, phường Thủy Xuân, TP. Huế lúc 0h ngày 22/1, ở tuổi 96, theo cáo phó của tăng đoàn Làng Mai. Hàng loạt hãng thông tấn, tờ báo lớn trên thế giới đã đồng loạt đưa tin, bày tỏ tiếc thương và dành nhiều lời ca ngợi đối với thiền sư.
Hãng tin Anh Reuters ngày 22/1 đăng tải bài viết có tiêu đề: "Thích Nhất Hạnh, nhà hoạt động vì hòa bình, bậc thầy về chánh niệm, qua đời ở tuổi 95".
Trong bài báo, hãng tin gọi Thiền sư Thích Nhất Hạnh là nhà sư, nhà thơ và nhà hoạt động vì hòa bình. Trong suốt cuộc đời hành đạo, Thiền sư thường sử dụng cách giảng đạo nhẹ nhàng, nhưng mạnh mẽ về sự cần thiết của việc "bước đi như thể bạn đang hôn trái đất bằng bàn chân của mình", Reuters viết.
Hãng tin Anh nhận định, Thiền sư là một nhà tiên phong đưa Phật giáo tới phương Tây. Ông đã thành lập tu viện "Làng Mai" ở Pháp và thường xuyên đề cập về việc thực hành chánh niệm - pháp môn được coi là trái tim của thiền tập - cho các tín đồ trên toàn thế giới. Reuters cũng trích dẫn lại những lời giảng đạo nổi tiếng của Thiền sư trong hàng chục năm tu hành.
Tờ New York Daily News mô tả thiền sư là người "đã thay đổi cách thế giới thực hành Phật giáo". Tờ báo Mỹ cho rằng thiền sư lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Đạt Lai Lạt Ma.
"Thiền sư Thích Nhất Hạnh được ghi nhận là người sáng lập ra phong trào Phật giáo dấn thân, tập trung vào hoạt động xã hội vì hòa bình thông qua thực hành và giáo lý Phật giáo", tờ báo viết.
AFP ca ngợi thiền sư Thích Nhất Hạnh là "một trong những nhà Phật giáo có ảnh hưởng nhất thế giới". Hãng tin Pháp nhấn mạnh thiền sư đã có công mang khái niệm "chánh niệm" tới phương Tây, "từ nhà của những người nổi tiếng Hollywood đến các phòng họp ở Thung lũng Silicon".
Thiền sư Thích Nhất Hạnh, tên thật là Nguyễn Xuân Bảo, sinh ngày 11/10/1926. Thích Nhất Hạnh không chỉ là một vị thiền sư mà còn là giảng viên, nhà thơ, nhà văn, nhà khảo cứu. Sinh thời, ngài là bậc chân tu, lãnh đạo Phật giáo có tầm ảnh hưởng lớn ở phương Tây và tích cực thúc đẩy vì hoà bình.
Trong một bài viết năm 2009 của AP, Thích Nhất Hạnh được đánh giá là lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn thứ hai ở phương Tây, chỉ sau Đạt Lai Lạt Ma. Những lời dạy và phương pháp của Thiền sư thu hút sự quan tâm của nhiều thành phần đến từ các quan điểm tôn giáo, tâm linh và chính trị khác nhau. Ông đưa ra cách thực hành chánh niệm thường được điều chỉnh cho phù hợp với tri giác phương Tây.
Tờ The New York Times gọi ông là thiền sư “có ảnh hưởng toàn cầu” và ứng dụng đạo Phật để thúc đẩy hòa bình. “Ông là một trong những Thiền sư có ảnh hưởng nhất thế giới, lan tỏa thông điệp tỉnh thức, lòng thương và không bạo lực”, theo bài báo.
Bên cạnh đó, The Conversation đưa tin rằng “Thiền sư Thích Nhất Hạnh, người suốt nhiều thập niên giảng dạy về tỉnh thức, đã tiếp cận viên tịch cũng trong tinh thần đó”.
Bích Thảo(T/h)
Ảnh: Reuters