Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch tại Tổ đình Từ Hiếu (phường Thủy Xuân, TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) - nơi Thiền sư bắt đầu con đường xuất gia tu học vào năm 1942, cũng là nơi ông từ nước ngoài về tĩnh dưỡng từ năm 2018.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh sinh năm 1926, tại Thừa Thiên Huế, là nhà văn, nhà thơ, nhà hoạt động xã hội và là nhà sư nổi tiếng của Phật giáo thế giới.
Với những hoạt động không ngừng nghỉ, Thiền sư Thích Nhất Hạnh trở thành nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn trên thế giới, theo đánh giá của các hãng tin nước ngoài.
Trước đó, 16h ngày 28/10/2018, Thiền sư Thích Nhất Hạnh trở về Việt Nam. Về Việt Nam lần đó, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã xin cư ngụ tại chùa Từ Hiếu để tịnh dưỡng từ đây cho đến lúc ngài viên tịch.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh chọn chùa Từ Hiếu là nơi tịnh dưỡng lúc cuối đời bởi đây là nơi mà thuở thiếu thời, Thiền sư đã xuất gia học đạo, giống như lá rụng về cội.
Thiền sư Nhất Hạnh là tổ đời thứ 8 của môn phái Từ Hiếu, thuộc dòng Liễu Quán, đời thứ 42 của thiền phái Lâm Tế. Theo truyền thừa của tổ đình Từ Hiếu, thiền sư Nhất Hạnh hiện là trụ trì của ngôi chùa này.
Tháng 5/1966, thiền sư rời Việt Nam; hoạt động ở nhiều nước và từng trụ trì tại chùa Làng Mai, phía nam nước Pháp trong nhiều thập kỷ.
Ông là người đưa ra khái niệm "Phật giáo dấn thân" (engaged Buddhism) trong cuốn sách Vietnam: Lotus in a Sea of Fire, do ông viết. Với những hoạt động không ngừng nghỉ của mình, thiền sư Thích Nhất Hạnh trở thành giảng viên, nhà văn, nhà thơ, nhà hoạt động xã hội và là nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn thứ hai ở phương Tây, chỉ sau Đạt Lai Lạt Ma, theo đánh giá của một số hãng tin nước ngoài.
Trong tác phẩm Thế giới Phật giáo, GS.TS John Powers, một học giả Phật học của Australia, đã chọn 13 vị sư góp phần vào sự thành hình và phát triển đạo Phật thế giới trong 2.500 năm qua, và thiền sư Nhất Hạnh ở vị trí thứ 10.
Mục sư Martin Luther King từng đề cử thiền sư Thích Nhất Hạnh cho giải Nobel Hòa bình vào năm 1967. Trong gần 40 năm sống xa quê hương, ông là một trong những người tiên phong mang đạo Phật, đặc biệt là pháp môn chánh niệm đến xã hội phương Tây và góp phần xây dựng một cộng đồng Phật giáo dấn thân với gần 1.250 đệ tử xuất gia, hàng triệu đệ tử tại gia và độc giả trên khắp năm châu.
Thiền sư cũng là người đã mở ra hướng đi và phát triển những pháp môn thực tập với nhiều khoá tu dành cho các nhà giáo dục, thanh thiếu niên, nghệ sĩ, doanh nhân, các nhà lãnh đạo, y bác sĩ... Ông đã viết hơn 120 cuốn sách, trong đó trên 40 cuốn bằng tiếng Anh, với một số tác phẩm nổi bật như Đường xưa mây trắng, Phép lạ của sự tỉnh thức, Hạnh phúc cầm tay, Phật trong ta...
Việt Hương (T/h)