(ĐSPL) - Thuê nhà trọ chứa hàng ngàn kg thực phẩm hôi thối để bỏ mối cho các nhà hàng, quán ăn, vợ chồng M. sống khép kín với hàng xóm. Điều đáng nói, với bàn tay chế biến "tài năng" của các đầu bếp, sản phẩm hôi thối này lại trở thành món ăn đặc sản tại một số nhà hàng có thương hiệu.
Để đối phó với công tác đấu tranh quyết liệt này, không ít chủ hàng tìm mọi cách chạy trốn, để bảo vệ hàng hóa mà không màng đến tính mạng của mình.
Từ phế phẩm thành... món ăn nhà hàng
Để có nguồn hàng thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc "phục vụ" cho nhu cầu của người dân, nhiều chủ hàng tại TP.HCM tìm mọi cách vận chuyển từ các tỉnh lẻ vào thành phố, thông qua nhiều chiêu trò tinh vi. Điều đáng nói, sau khi có trong tay những mặt hàng thực phẩm không đảm bảo an toàn này, các chủ hàng tìm mọi cách tung ra khắp nơi trong thành phố, kể cả các nhà hàng có thương hiệu nhằm kiếm lợi nhuận cao.
Là đầu nậu chuyên cung cấp vú heo cho những nhà hàng, quán ăn trên địa bàn quận Thủ Đức (TP.HCM), vợ chồng M. (34 tuổi, tạm trú phường Tam Phú, quận Thủ Đức) đã hành nghề nhiều tháng tại địa phương. Nguồn hàng được vợ chồng L.T.M. sử dụng, chính là nhờ những chủ sản xuất cung cấp từ các tỉnh phía Bắc, sau đó vận chuyển bằng xe khách vào các bến xe tại TP.HCM. Hành trình vận chuyển hàng ngàn cây số từ Bắc vào Nam, khiến cho số lượng vú heo bốc mùi, không còn đảm bảo chất lượng cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm. Để qua mặt cơ quan chức năng, vợ chồng M. thuê một số đối tượng hành nghề xe ôm vận chuyển hàng về khu nhà trọ không số tại phường Tam Phú.
Trước việc kinh doanh trái phép này, lãnh đạo trạm thú y quận Thủ Đức âm thầm cho người theo dõi đối tượng suốt nhiều ngày để nắm được quy trình làm việc, thời gian hoạt động của vợ chồng M.. Một ngày đầu tháng 1/2014, cơ quan chức năng tiến hành ập tới bắt quả tang vợ chồng M. có hành vi tàng trữ, vận chuyển trái phép thực phẩm gia súc lớn, với số lượng lên đến 1.000kg vú heo. Tại cơ quan chức năng, vợ chồng M. khai rằng, nếu không bị xử lý, thì số hàng trên có thể trở thành một trong những món đặc sản của các nhà hàng, cơ sở chế biến thức ăn là vú heo. Nhưng khi đến tay những đầu bếp chuyên biệt của các nhà hàng, số lượng vú heo hôi thối này sẽ được tẩm ướp gia vị, qua bàn tay chế biến "tài năng" của đầu bếp, đã trở thành món... vú dê có thương hiệu hẳn hoi.
Bên cạnh đó, để phục vụ cho việc an toàn thực phẩm trong dịp cuối năm, cơ quan chức năng tại TP.HCM tiến hành tăng cường lực lượng kiểm tra, xử lý chặt chẽ hơn. Lúc 9h30 ngày 29/12/2014, trạm kiểm dịch động vật (KDĐV) Thủ Đức (TP.HCM) bắt được chuyến hàng vận chuyển thịt trâu bò đã chuyển mùi hôi thối từ Đồng Nai vào TP.HCM. Số lượng gồm 23 bao tải chứa 767kg phụ phẩm trâu bò còn nguyên lông không đảm bảo vệ sinh và có dấu hiệu bốc mùi hôi thối. Theo tài xế tên Long (42 tuổi, ngụ Đồng Nai) cho biết: "Sau khi được chủ mua tiếp nhận, số lượng hàng hóa này sẽ được phân phát cho những tiệm ăn uống, chủ nhà hàng tại các quận nội thành TP.HCM".
Gần 800kg chân trâu bò hôi thối bị bắt (ảnh cơ quan chức năng cung cấp). |
Tháng 12/2014, trạm KDĐV Thủ Đức cũng đã phối hợp với lực lượng CSGT, đội QLTT Thủ Đức xử lý 29 trường hợp, phạt hành chính số tiền gần 70 triệu đồng về việc bắt gần 500kg phụ phẩm heo, thịt heo, gà sống, trứng gia cầm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tại quận Bình Chánh (cửa ngõ phía Tây của thành phố), ông Huỳnh Phú Sanh, Trưởng trạm kiểm dịch đầu mối An Lạc (huyện Bình Chánh) cho biết: "Trong năm 2014, chúng tôi đã ba lần phát hiện và xử lý việc vận chuyển heo chết vào thành phố. Trong quá trình theo dõi, kiểm tra, trạm phát hiện tất cả số lượng heo chết này đều đã bốc mùi hôi thối, thịt rệu rã, mỡ heo ngả sang màu xanh trông rất đáng sợ. Theo các chủ hàng cho biết, thực phẩm bẩn, trong đó đặc biệt là thịt heo thối, nếu vận chuyển trót lọt sẽ được đưa về khu vực chợ Bình Điền để tiêu thụ và được bày bán ngoài lề đường, khu vực không thuộc sự quản lý của chợ".
Ngoài ra, cũng theo tìm hiểu của PV, các chủ hàng tại TP.HCM còn đưa về các chợ nơi có nhiều công nhân sinh sống để tiêu thụ số lượng nhiều hơn.
Nhập viện vì đánh đổi tính mạng với lợi nhuận
Trước sự kiểm tra, xử lý ráo riết của lực lượng chức năng, nhiều chủ hàng, tài xế chở thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc tìm mọi cách chạy trốn cơ quan chức năng để bảo vệ hàng hóa, mà không màng đến mối nguy hiểm gây ra cho tính mạng của bản thân. Từng suýt chết vì chạy trốn cơ quan chức năng khi vận chuyển lậu gia cầm, anh Nguyễn Văn Minh (29 tuổi, ngụ Đồng Nai) cho đến bây giờ vẫn không thể tin nổi, chuyện mình thoát chết là có thật. Tháng 9/2014, anh Minh chạy xe Honda mang biển kiểm soát tỉnh Đồng Nai, nhận chở 70kg thịt gà làm sẵn cho một chủ nhà hàng trên địa bàn TP.HCM. Tuy nhiên, khi đang vận chuyển hàng hóa đến khu vực gần trạm thú y quận Thủ Đức, anh Minh muốn bỏ qua sự kiểm tra của trạm nên rú ga chạy nhanh.
Nhận thấy hành động chủ lô hàng có dấu hiệu khả nghi, các đồng chí kiểm dịch viên trạm thú y quận Thủ Đức tiếp tục truy đuổi đến cùng. Đến khu vực chợ Thủ Đức, anh Minh bị té xe và được đưa vào bệnh viện quận Thủ Đức cấp cứu. Sau đó, lô hàng do anh Minh chở cũng bị bắt giữ và được đưa về trạm thú y quận Thủ Đức để chờ tiêu hủy. Qua kiểm tra thì được biết khối lượng thịt gà làm sẵn do anh Minh chở có mùi hôi thối, không xuất trình được cơ sở giết mổ cũng như những giấy tờ hợp lệ khác. Một ngày sau khi điều trị, các bác sỹ cho biết, anh Minh chỉ bị thương nhẹ và rất may không ảnh hưởng nhiều đến tính mạng.
Video tham khảo:
Rợn người nửa tấn thịt heo thối suýt lên bàn nhậu
Trong một lần PV theo đoàn kiểm tra trạm thú y huyện Bình Chánh chạy dọc theo quốc lộ 1A, thì phát hiện một người đàn ông nước da ngăm điều khiển xe máy BKS 52U6 1958 đang vận chuyển gà, vịt lông về hướng trung tâm thành phố. Ngay lập tức, một cán bộ của đoàn kiểm tra đã chở PV chạy theo và yêu cầu người đàn ông này tấp vào lề đường để kiểm tra giấy tờ liên quan đến số gia cầm này. Thế nhưng, người đàn ông này tìm mọi cách rú ga, lạng lách, bỏ chạy bất chấp sự nguy hiểm đến tính mạng của mình. Sau đó, đoàn kiểm tra trạm thú y Bình Chánh, tiếp tục truy đuổi quyết liệt, buộc người đàn ông này phải dừng xe khi đang lên cầu Bình Điền.
Một đối tượng cố giải thích về hành vi bỏ trốn của mình (ảnh Thơ Trịnh). |
Trao đổi với PV, một cán bộ đoàn kiểm tra trạm thú y huyện Bình Chánh ái ngại: "Các chủ hàng thường hay xót của mỗi khi bị cơ quan chức năng phát hiện và yêu cầu dừng phương tiện xử lý. Chính vì vậy, các chủ hàng cố tình rú ga, luồn lách bỏ chạy. Điều đó là vô cùng nguy hiểm cho tính mạng của bản thân các chủ hàng và các cán bộ chức năng. Thậm chí, việc chạy trốn còn gây nguy hiểm cho người đi đường nếu chẳng may tai nạn xảy ra. Tôi cho rằng, bản thân các chủ hàng cần phải ý thức rõ được vấn đề này để tránh tình trạng chạy trốn khi vận chuyển".
Băn khoăn xử lý đối tượng manh động Ông Trảo An Hà, Trưởng trạm thú y quận Thủ Đức chia sẻ: "Việc các chủ xe chạy trốn cơ quan chức năng là không nên. Bởi vì đường phố đông đúc, nhiều lúc sơ sài, không chỉ tính mạng chủ xe bị đe dọa mà còn tính mạng của hàng trăm con người lưu thông trên đường. Thậm chí, tính mạng của cả những người đang làm nhiệm vụ". |