Theo hãng tin Tân Hoa xã, Vệ tinh do Trung Quốc phóng lần này có tên gọi Đài quan sát Mặt Trời trên Không gian Tiên tiến (ASO-S) được phóng vào vũ trụ bằng tên lửa đẩy Trường Chinh-2D lúc 7h43 (giờ Bắc Kinh) và đã bay vào quỹ đạo theo kế hoạch thành công.
Sự kiện trên đã ghi nhận một nỗ lực tăng cường của Trung Quốc trong việc khám phá những bí ẩn của Mặt Trời.
Hồi tháng 10/2021, Trung Quốc từng tuyên bố phóng thành công vệ tinh thăm dò Mặt Trời đầu tiên lên quỹ đạo, đánh dấu việc nước này chính thức bước vào kỷ nguyên thám hiểm Mặt Trời.
Vệ tinh có tên “Hy Hòa” đã được phóng lên vũ trụ cùng với 10 vệ tinh khác trong một lần phóng được thực hiện bởi tên lửa Trường Chinh-2D từ Trung tâm phóng vệ tinh Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, miền Bắc Trung Quốc vào lúc 18h51 ngày 14/10 (giờ địa phương).
“Hy Hòa” có trọng lượng 508 kg, tuổi thọ thiết kế là 3 năm với tên gọi đầy đủ là vệ tinh thử nghiệm khoa học công nghệ siêu nền tảng kép và phát hiện quang phổ Hα (H-alpha). Vệ tinh này sẽ hoạt động trên quỹ đạo đồng bộ Mặt Trời ở độ cao 517 km và mang theo kính viễn vọng Mặt Trời đặt ngoài không gian.
Hiện Trung Quốc đã xây dựng 2 kế hoạch thăm dò Mặt Trời, là “Hy Hòa” (Xihe) và “Khoa Phụ” (Kwafu). Trong đó, “Hy Hòa” hiện thực hóa hành trình khám phá Mặt Trời của Trung Quốc, trong khi chương trình “Khoa Phụ” nghiên cứu, phát triển và phóng vệ tinh đài quan sát Mặt Trời trên không gian tiên tiến (Advanced Space-based Solar Observatory, gọi tắt là ASO-S), nhằm tiến hành quan sát khoa học về các đặc điểm vật lý của Mặt Trời.
Mỹ và châu Âu cũng đã phóng hàng chục tàu vũ trụ chuyên dụng để quan sát Mặt Trời, như tàu thăm dò Mặt Trời Parker, STEREO hay Solar Orbiter.
Mộc Miên (T/h)