Ngày 18/7, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố 2 hợp đồng trị giá 1,3 tỷ USD về triển khai các vệ tinh nhằm tăng cường khả năng ngăn chặn mối đe dọa từ tên lửa siêu thanh của các quốc gia khác. Các vệ tinh này dự kiến bắt đầu đi vào hoạt động vào tháng 4/2025.
Lầu Năm Góc trao các hợp đồng này cho 2 công ty Mỹ, gồm L3Harris Technologies Inc. và Northrop Grumman Corp, với tổng cộng 28 vệ tinh có chức năng giám sát tên lửa từ quỹ đạo tầm thấp.
Các vệ tinh được thiết kế với khả năng không chỉ phát hiện các vụ phóng tên lửa siêu thanh mà còn có thể giám sát hành trình của các loại vũ khí tiên tiến này.
Theo Giám đốc Cơ quan Phát triển Vũ trụ thuộc Lầu Năm Góc - ông Derek Tournear, đây là lần đầu tiên Mỹ phóng các loại vệ tinh chuyên về theo dõi tên lửa siêu thanh cho “các mối đe dọa thế hệ mới” từ “Nga và Trung Quốc”.
Tên lửa siêu thanh - giống như tên lửa đạn đạo truyền thống có thể mang vũ khí hạt nhân - có thể bay với tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh. Trong khi tên lửa đạn đạo bay cao theo hình vòng cung để tiếp cận mục tiêu, vũ khí siêu thanh bay trên quỹ đạo thấp và có khả năng tiếp cận mục tiêu nhanh hơn.
Trước đó, hồi tháng 4, Mỹ, Anh và Australia đã cam kết sẽ hợp tác phát triển tên lửa siêu thanh như một phần của hiệp ước an ninh giữa 3 nước (AUKUS). Trong một tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo 3 nước cho biết, lĩnh vực hợp tác mới bao gồm vũ khí siêu thanh, chống vũ khí siêu thanh và năng lực tác chiến điện tử.
Trong số các quốc gia đang theo đuổi cuộc đua vũ khí siêu thanh, Nga được cho là một nhân tố “đáng gờm”. Mới đây, Moscow đã lần đầu tiên sử dụng tên lửa siêu thanh Kinzhal để phá hủy một số cơ sở hạ tầng quân sự của đối phương trong cuộc xung đột tại Ukraine.
Ngoài Nga, nhiều quốc gia khác như Trung Quốc, Mỹ, Australia, Triều Tiên... cũng đang theo đuổi các chương trình phát triển vũ khí siêu thanh.
Vũ khí siêu thanh được nhiều quốc gia xem là “con át chủ bài” trong các cuộc tấn công phủ đầu nhằm xuyên thủng hệ thống phòng ngự của đối phương. Nhiều chuyên gia lập luận rằng việc Mỹ cùng các đồng minh quyết định hợp tác trong lĩnh vực vũ khí siêu thanh có thể tạo ra nhân tố mới khiến cuộc đua này ngày càng trở nên gay gắt hơn. Ngoài ra cũng có quốc gia lo ngại đây có thể là nhân tố thổi bùng một cuộc khủng hoảng tương tự như cuộc xung đột Ukraine tại những nơi khác trên thế giới.
Mộc Miên