(ĐSPL) – "Việc Trung Quốc ngang nhiên đăng ký "con đường tơ lụa hàng hải" với UNESCO là một việc hết sức phi lý, không đời nào UNESCO lại chấp nhận việc ấy."
Nguyên Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu (Trung Quốc), ông Dương Danh Dy đã khẳng định như vậy khi trao đổi với phóng viên báo Đời sống và Pháp luật sáng 15/7 về việc Trung Quốc đem Biển Đông đi đăng ký di sản văn hóa UNESCO.
-Mới đây, Trung Quốc trắng trợn tìm cách đăng ký "con đường tơ lụa hàng hải" với Ủy ban Di sản Thế giới (UNESCO) với cớ là bảo vệ các địa điểm khảo cổ ở Biển Đông để khai quật trong thời gian tới, trong đó có quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ông đánh giá thế nào về động thái này của Trung Quốc?
Ông Dương Danh Dy - nguyên Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu (Trung Quốc). |
Trước hết phải khẳng định, đây chỉ là một bước đi nhỏ trong âm mưu lớn của Trung Quốc.
Tất cả các bước đi này chỉ nhằm mục đích thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông. Trước đó, Trung Quốc vẽ bản đồ "đường lưỡi bò chín đoạn" chiếm đến 80\% Biển Đông, rồi cho hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, gia tăng hoạt động gây hấn với các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam, và giờ đây, lại thêm việc đem Biển Đông đi đăng ký di sản văn hóa UNESCO… Việc này cũng chỉ là để ngụy tạo cơ sở pháp lý về chủ quyền của họ ở Biển Đông, để họ thực thi chủ quyền ở vùng biển này.
Trung Quốc đang trên đà phát triển những mưu mô của mình. Họ chắc chắn sẽ còn làm nữa, thậm chí làm nhiều nữa, nếu chúng ta không phản ứng mạnh mẽ.
-Vậy thực chất, "con đường tơ lụa hàng hải" mà Trung Quốc đã đăng kí với UNESCO có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
Con đường hàng hải trên Biển Đông con đường giao thương rất quan trọng, đứng thứ 2 trên thế giới.
Nếu nắm được đường này, Trung Quốc sẽ trở thành cường quốc mạnh nhất, vậy nên đã từ rất lâu chứ không phải bây giờ, Trung Quốc luôn muốn thâu tóm được con đường này. Chỉ có điều, bây giờ họ đang trên đường “lấn tới”, thực hiện từng bước các mưu đồ của mình mà thôi.
-Còn một vấn đề nữa, cho rằng các vật liệu xây dựng bằng đá và chạm khắc niên đại nhà Thanh được phát hiện ở Hoàng Sa, Trung Quốc đã ngang nhiên cho khai quật khảo cổ tại đây. Và có khả năng, Trung Quốc sẽ tiếp tục dùng cớ này để mở rộng hoạt động xuống quần đảo Trường Sa. Điều này nguy hiểm như thế nào, thưa ông?
Nếu Trung Quốc mở rộng hoạt động khai quật xuống Trường Sa thì sẽ rất nguy hiểm, vì ở Trường Sa Trung Quốc không có bất cứ thứ gì.
Mục tiêu chiếm Hoàng Sa xong, Trung Quốc sẽ “lăm le” xâm chiếm Trường Sa của chúng ta, vì vậy ngay từ bây giờ, chúng ta phải tìm cách vạch trần ngay hành động, âm mưu này của Trung Quốc.
Hãng tin Tân Hoa xã của Trung Quốc đăng tải ảnh về hoạt động khảo cổ ở Biển Đông. |
-Theo nhận định của ông, liệu có khả năng UNESCO sẽ xem xét và công nhận di sản theo yêu cầu của Trung Quốc?
Việc Trung Quốc ngang nhiên đăng ký con đường tơ lụa hàng hải với UNESCO là một việc hết sức phi lý, tôi nghĩ không đời nào UNESCO lại chấp nhận việc ấy.
-Để ngăn chặn các hành vi mưu mô, đầy tính toán của Trung Quốc, Việt Nam cần làm gì ngay lúc này?
Chúng ta nhất định phải mạnh lên. Phải mạnh về kinh tế, quân sự và mạnh trên tất cả các mặt.
Chúng ta cũng phải làm sao để vạch trần được âm mưu này của Trung Quốc để cho dư luận thế giới thấy rõ bộ mặt thật của nước này.
Như trong trường hợp Trung Quốc cho hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, chúng ta đã làm, đã đấu tranh rất tốt, tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo dư luận quốc tế.
Xin cảm ơn ông!