Xử lý vấn đề Biển Đông sẽ là chỉ số quan trọng đánh giá liệu Trung Quốc có thể trở thành cường quốc hải quân hay không.
Tờ China Daily ngày 26/6 đăng bài phân tích của Kim Vĩnh Minh, Viện trưởng Viện Chiến lược biển thuộc Viện Khoa học xã hội Thượng Hải cho rằng, xử lý vấn đề Biển Đông sẽ là chỉ số quan trọng đánh giá liệu Trung Quốc có thể trở thành một cường quốc khu vực và trở thành cường quốc hải quân hay không.
Với các yếu tố phức tạp về liên minh Mỹ - Nhật Bản xung quanh việc giải quyết tranh chấp trên quần đảo Điếu Ngư/ Senkaku, ông Minh cho rằng Trung Quốc nên cố gắng duy trì ổn định ở biển Hoa Đông và tập trung vào giải quyết vấn đề Biển Đông với Philippines và Việt Nam trước.
Kim Vĩnh Minh lo ngại, kể từ khi Philippines khởi kiện đường lưỡi bò Trung Quốc yêu sách ở Biển Đông ra Tòa án Quốc tế về Luật Biển, có khả năng các nước khác cũng sẽ "làm theo". Bắc Kinh nên thu thập chứng cứ để chuẩn bị đối phó tốt hơn với việc này mặc dù Trung Quốc vẫn từ chối tham gia vụ kiện.
Theo ông Minh, Trung Quốc cần phải dựa trên các quy định của luật pháp quốc tế có liên quan, công bố yêu sách rõ ràng của họ về (cái gọi là) chủ quyền với các đảo ở Biển Đông, vùng biển lân cận cũng như quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với đáy biển và dưới lòng đất của các khu vực có liên quan.
Tranh chấp trên biển đang thử nghiệm sự khôn ngoan của Bắc Kinh trong việc xử lý mối quan hệ với Mỹ một cách hết sức thận trọng, đảm bảo rằng sự phát triển hòa bình của Trung Quốc không bị gián đoạn, ông Minh bình luận.
Học giả này tiếp tục luận điệu thường thấy của giới truyền thông và nghiên cứu nhà nước Trung Quốc khi quy chụp trách nhiệm căng thẳng trên Biển Đông cho chính sách tái cân bằng của Mỹ sang châu Á.
Theo ông Minh, chiến lược tái cân bằng được thiết kế không chỉ tái cơ cấu sự hợp tác giữa Washington với các đồng minh ở châu Á, mà còn cân bằng ảnh hưởng với Trung Quốc tại ASEAN và "duy trì sự thống trị của mình" để tìm kiếm tối đa lợi ích từ sự phát triển của châu Á.
Ông Minh cho rằng kể từ khi Mỹ không mấy thành công trong việc thúc đẩy đàm phán hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, Washington đã thúc đẩy chiến lược tái cân bằng và đã bắt tay vào nhiệm vụ tăng cường sự hiện diện quân sự của mình trong khu vực, thiết lập "vòng kiềm tỏa" đầu tiên với Trung Quốc.
Trong khi đó các nước châu Á có tranh chấp với Trung Quốc (thực chất là Trung Quốc bành trướng lãnh thổ, nhảy vào tranh chấp với láng giềng, biến các vùng biển không tranh chấp thành có tranh chấp - PV) hy vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ từ Mỹ để đối trọng với Trung Quốc.
Kim Vĩnh Minh cho rằng các quốc gia này đã đấu tranh không khoan nhượng chống lại (sự bành trướng, khiêu khích của) Trung Quốc và bắt đầu những gì có thể gọi là một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.
Tranh cãi giữa Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông chủ yếu xoay quanh an ninh hàng hải. Mâu thuẫn lớn nhất đặt ra theo Kim Vĩnh Minh, là có hay không việc các quốc gia phải được chính phủ Trung Quốc chấp thuận trước mới được phép thực hiện các hoạt động trinh sát trên không, khảo sát và tập trận chung trong (cái gọi là) vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc.
Bắc Kinh luôn cho rằng điều này là cần thiết?! Tuy nhiên Kim Vĩnh Minh không hề nói rõ, cái gọi là "vùng đặc quyền kinh tế" của Trung Quốc ở Biển Đông phạm vi ra sao, hay lại là đường lưỡi bò phi pháp?
Tuy nhiên người Mỹ nghĩ khác, tự do hàng không và hàng hải là quyền của các nước tiến hành các hoạt động quân sự trong vùng kinh tế đặc quyền của nước khác, miễn là không dẫn đến xung đột, ông Minh phân tích.
Kim Vĩnh Minh cho rằng, mặc dù nhấn mạnh trên nguyên tắc các nước phải được Trung Quốc đồng ý trước để tiến hành các hoạt động quân sự trong (cái gọi là) vùng đặc quyền kinh tế của Bắc Kinh, nhưng Trung Quốc vẫn đảm bảo an toàn và tự do hàng hải trên Biển Đông và Hoa Đông.
Điều này cho thấy, Kim Vĩnh Minh đang cố tình lập lờ đánh lận con đen giữa khái niệm "vùng đặc quyền kinh tế" ở Biển Đông với đường lưỡi bò bất hợp pháp, bởi Trung Quốc chưa bao giờ giải thích rõ ràng trước dư luận về yêu sách "chủ quyền" của họ ngoài việc quăng ra đường 9 đoạn, bây giờ là 10 đoạn mà không một lời giải thích, cũng không nêu bất cứ tên gọi nào theo luật pháp quốc tế để gọi đường lưỡi bò này.
Theo ông Minh, chính vì Mỹ tin rằng hành động của Trung Quốc đang đe dọa an ninh hàng hải ở Biển Đông và Hoa Đông, cần phải có biện pháp đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc đặt ra cho các nước trong khu vực nên Washington đã nỗ lực xiết chặt không gian của Bắc Kinh và đặt Trung Quốc vào một vị trí bất lợi.
Do đó, Mỹ đã tạo ra một cuộc "chiến tranh ủy nhiệm" với sự hỗ trợ về chính trị và chiến lược cho 1 số nước chống lại (sự bành trướng, khiêu khích của) Trung Quốc. Đổi lại, Hoa Kỳ đã giúp các nước này tiến hành xây dựng quân đội, hỗ trợ họ trong tranh chấp hàng hải với Trung Quốc, Kim Vĩnh Minh cáo buộc.
Để giải quyết vấn đề, học giả này cho rằng Trung Quốc cần tăng cường thông tin liên lạc với Mỹ thông qua việc thiết lập các kênh đối thoại song phương và thể hiện rõ, Bắc Kinh hiểu được mong muốn của Washington tiếp tục đóng vai trò chủ đạo ở châu Á.
Trung Quốc cũng cần phải làm rõ, rằng họ không có ý định thách thức vị trí của Hoa Kỳ để đổi lấy sự tôn trọng của Mỹ với (cái gọi là) lợi ích chiến lược và mối quan tâm của Bắc Kinh, Kim Vĩnh Minh đề xuất, thực chất là một mánh lới đổi chác quyền lợi giữa các nước lớn trên lưng các nước nhỏ (mà chính Bắc Kinh đã từng sử dụng trong cuộc xâm lược nửa phía Tây quần đảo Hoàng Sa năm 1974).
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hoc-gia-trung-quoc-tam-gac-hoa-dong-xu-ly-bien-dong-truoc-a38605.html