(ĐSPL) - Phản ứng tức tối của ông Vương Nghị ngày 11/8 cho thấy Trung Quốc đang cảm thấy bị quốc tế cô lập trong vấn đề Biển Đông.
Ngày 11/8, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã phản tức tối trước đề nghị “đóng băng” các hành vi khiêu khích tại Biển Đông mà Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nêu ra Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN vừa kết thúc ở Myanmar.
|
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã phản tức tối trước đề nghị “đóng băng” các hành vi khiêu khích tại Biển Đông. |
Điều này cho thấy Trung Quốc đang cảm thấy bị cô lập trong vấn đề Biển Đông, chủ yếu do hành động “khiêu khích” bá quyền coi thường các nước láng giềng và dư luận quốc tế. Hành động này của Trung Quốc xem ra phản tác dụng.
ASEAN quyết tâm hơn trong vấn đề Biển Đông
Về diễn biến tại Hội nghị ASEAN ở Myanmar, theo RFI, một quan chức cao cấp tại Bộ Ngoại giao Mỹ đã ghi nhận chuyển biến tích cực trong nội bộ khối ASEAN, được cho là đã thể hiện được một sự nhất trí cũng như quyết tâm cao hơn nhằm làm giảm nhiệt ở Biển Đông. Theo quan chức này ASEAN đã trực tiếp đề cập đến “tuyên bố ứng xử (DOC) mà ASEAN và Trung Quốc đã thông qua vào năm 2002, với Thông cáo chung nhấn mạnh sự cần thiết phải tự kiềm chế, khẳng định rằng các bên cần tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình”.
|
ASEAN đoàn kết hơn trong việc xử lý, giảm thiểu căng thẳng ở Biển Đông |
Đáng chú ý là 10 nước ASEAN đã thay đổi cách xử lý hồ sơ Biển Đông khi quan hệ với Trung Quốc. Quan chức Mỹ nói trên cho biết: “Có một sự thay đổi đáng kể trong cách tiếp cận ngoại giao của các nước ASEAN đối với Trung Quốc liên quan đến Biển Đông. Các nước này ngày càng quan ngại trước các hành vi leo thang (của Trung Quốc ở Biển Đông)…”
Philippines: Trung Quốc “đổi trắng, thay đen”
Ngày 11/8, Philippines đã bác bỏ tố cáo của Trung Quốc cho rằng Manila vi phạm “Kế hoạch 3 điểm” (TAP) do chính Manila đề xuất yêu cầu ngưng các hành động khiêu khích ở Biển Đông để xoa dịu căng thẳng tranh chấp.
Theo kế hoạch 3 điểm TAP, biện pháp trước mắt là ngừng các hành động khiêu khích, biện pháp thứ hai kêu gọi thực thi đầy đủ Tuyên bố ứng xử DOC và nhanh chóng ký kết Bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông (COC) và hành động pháp lý là biện pháp sau cùng để giải quyết tranh chấp.
Tờ Wall Street Journal trích lược phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị chất vấn vụ Manila đưa bản đồ “đường lưỡi bò” của Bắc Kinh nhận chủ quyền trên Biển Đông ra trước tòa án trọng tài quốc tế.
Ngoại trưởng Trung Quốc nói Philippines đã bỏ qua 2 “bước” đầu mà nhảy vọt tới “bước” thứ ba và kêu gọi Manila nếu muốn theo đuổi “Kế hoạch 3 điểm” thì hãy rút lại vụ kiện.
|
Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Charles Jose: Vì lợi ích quốc gia, Manila phải xúc tiến vụ kiện "đường lưỡi bò" ở Biển Đông. |
Đáp lại chất vấn của Ngoại trưởng Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines, ông Charles Jose, nêu rõ “các biện pháp” chứ không phải là “các bước” và 3 biện pháp nói trên có thể được tiến hành đồng thời cùng lúc chứ không nhất thiết theo trình tự trước sau.
Về việc Trung Quốc yêu cầu Philippines rút vụ kiện để theo đuổi “Kế hoạch 3 điểm”, phát ngôn viên Jose khẳng định vì lợi ích quốc gia, Manila phải xúc tiến vụ kiện này.
Ấn Độ kêu gọi tự do hàng hải ở Biển Đông
Tại Hội nghị cấp bộ trưởng của ASEAN ở Myanmar, Ấn Độ nhắc lại tầm quan trọng của giải pháp ôn hòa cho tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc với các nước láng giềng. Theo PTI, Ngoại trưởng Ấn Ðộ Sushma Swaraj nói tranh cãi gần đây ở khu vực cho thấy các nước có liên quan cấp thiết phải giải quyết vấn đề chủ quyền ôn hòa theo luật quốc tế.
|
Ngoại trưởng Ấn Ðộ Sushma Swaraj: New Delhi phản đối việc đe dọa hay dùng vũ lực và ủng hộ quyền tự do hàng hải, tự do tiếp cận các nguồn tài nguyên theo luật quốc tế. |
Ngoại trưởng Ấn Ðộ nhấn mạnh quan điểm của New Delhi là phản đối việc đe dọa hay dùng vũ lực và ủng hộ quyền tự do hàng hải, tự do tiếp cận các nguồn tài nguyên theo luật quốc tế bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982.
Ấn Ðộ mong muốn có tiến bộ trong việc thực thi Tuyên bố ứng xử (DOC) và thông qua Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) có tính chất ràng buộc, dựa trên sự đồng thuận của tất cả các bên.
Ngoài việc đầu tư thăm dò một số lô dầu khí ở các vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền, Ấn Độ cũng triển khai tàu chiến đến Biển Đông và khu vực Thái Bình Dương, trước sức mạnh đang lên của Trung Quốc.
Mỹ sẽ giám sát Biển Đông
Cùng ngày, theo Reuters, một quan chức cao cấp Bộ Ngoại giao Mỹ giấu tên cho hay Mỹ sẽ giám sát các hành động ở Biển Đông. Mỹ sẽ theo dõi tình thình thực tế diễn ra xung quanh các bãi cạn, bãi đá và bãi san hô ở Biển Đông.
Quan chức này cho biết thêm rằng Australia đã hậu thuẫn lời kêu gọi mà Mỹ đưa ra tại Hội nghị ASEAN và sau các cuộc thảo luận ở Myanmar, hai bên dự định tìm kiếm các hành động kế tiếp bao gồm một cuộc họp tới đây giữa các nước ASEAN với Trung Quốc.
|
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sang Australia để thảo luận về hợp tác quốc phòng, an ninh mạng và an ninh hàng hải. |
Rời Myanmar, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã lên đường sang Australia để thảo luận về hợp tác quốc phòng, an ninh mạng và an ninh hàng hải. Hai bên sẽ ký thỏa thuận về việc điều động binh sĩ thủy quân lục chiến Mỹ tới Australia tham gia các cuộc diễn tập chung. Hiện có khoảng 1.150 thủy quân lục chiến Mỹ đóng ở Darwin, miền bắc Australia, theo thỏa thuận năm 2011 mở ra chính sách “xoay trục” về Châu Á của Tổng thống Barack Obama.
Phát biểu với báo giới tại Sydney, Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel nói thêm rằng Mỹ quyết giữ vững cam kết tái cân bằng lực lượng trong khu vực. Ông khẳng định Mỹ có và sẽ tiếp tục có lợi ích quốc gia trong khu vực vì Mỹ là một cường quốc Thái Bình Dương.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/trung-quoc-bi-co-lap-trong-van-de-bien-dong-a45691.html