Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức, phương án 1 là đề nghị bỏ chế độ hợp đồng làm việc không xác định thời hạn của viên chức để khắc phục tình trạng tâm lý viên chức suốt đời; phương án 2 là giữ quy định như hiện hành. Hiện, các ý kiến vẫn đang tranh luận và chưa “chốt” phương án cuối cùng. Trong khi đó, theo dự kiến, tại kỳ họp vào tháng 10 tới đây, Quốc hội sẽ thông qua luật này.
Bỏ được tư duy “hành là chính”
Sắp tới, để chuẩn bị cho việc thông qua dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức tại kỳ họp của Quốc hội vào tháng 10 tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi đến các Đại biểu Quốc hội dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu dự án luật.
Trước đó, việc bỏ “viên chức suốt đời” hay giữ nguyên như quy định hiện hành vẫn đang là một vấn đề gây tranh cãi tại kỳ họp thứ 7 vừa qua của Quốc hội.
Tại kỳ họp này, Chính phủ đã trình Quốc hội hai phương án. Phương án 1 là tất cả các trường hợp viên chức được tuyển dụng mới sau khi luật này có hiệu lực (dự kiến từ 1/1/2020) sẽ không thực hiện ký hợp đồng không xác định thời hạn đối với các trường hợp tuyển dụng mới, kể cả trường hợp hết thời hạn lần thứ 2 (theo quy định hiện hành là phải ký hợp đồng không xác định thời hạn).
Đồng thời, dự thảo luật lần này bổ sung quy định, đối với đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì khi tuyển dụng mới viên chức được ký kết ngay hợp đồng không xác định thời hạn.
Phương án 2 là viên chức được tuyển dụng mới sau khi ký kết hợp đồng xác định thời hạn (tối đa 2 lần) sẽ ký hợp đồng không xác định thời hạn, trừ trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì khi tuyển dụng mới viên chức được ký ngay hợp đồng không xác định thời hạn. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn chưa “chốt” được phương án nào. Xung quanh vấn đề này, PV báo ĐS&PL đã ghi nhận những ý kiến của ĐBQH, chuyên gia, viên chức để có góc nhìn đa chiều.
Ảnh minh họa. |
Tiến sĩ Vũ Thu Hương - chuyên gia giáo dục, người cũng từng làm công tác giảng dạy tại trường đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, bản thân đã bỏ biên chế từ năm 2018. Và theo vị Tiến sĩ này thì việc bỏ hay giữ “viên chức suốt đời” có những cái hay và dở khác nhau.
Bà Hương nói: “Cái hay của việc giữ biên chế chính là tạo cho người lao động luôn luôn yên tâm trong công việc. Còn cái bất cập là, tâm lý yên tâm khiến nhiều người làm việc sẽ không được nhiệt tình, vì nghĩ bản thân dù có lỗi chưa đến mức cũng sẽ không bị đuổi việc”.
Tiến sĩ Vũ Thu Hương phân tích, biên chế sản sinh ra nhiều người một nửa dành cho công việc, một nửa dành để quan tâm việc của người khác. Mọi người sẽ làm việc trong xu hướng bản thân không phải là người chịu trách nhiệm cuối cùng mà luôn luôn có rất nhiều người “chung trách nhiệm”. Và nếu có nơi đổ lỗi, người này sẽ sẵn sàng đổ hết trách nhiệm về phần người kia. Đây chính là điểm hạn chế của việc giữ biên chế, viên chức suốt đời, không có quy chuẩn, không rõ ràng.
“Ngoài mức lương, thưởng còn rất nhiều huy hiệu cũng như bằng khen khác qua đánh giá của cơ quan, nhưng đây chỉ là đánh giá chủ quan vì do con người đánh giá. Chính vì thế rất có thể gây ra tranh chấp, giành giật nhau. Hơn nữa, mức lương trong biên chế rất là thấp, chính vì thế người ta sẽ không cảm thấy không đủ, cũng từ đó người ta luôn luôn tìm cách để giúp thu nhập của bản thân cao lên”, vị tiến sĩ cho hay.
Cũng theo tiến sĩ Vũ Thu Hương, việc bỏ biên chế, viên chức rất hay, mặc dù bỏ đi nhiều người phải cố gắng gấp đôi, thậm chí gấp 3 - 4 lần so với được trong biên chế. Có mệt mỏi nhưng như thế rất tốt để cho bản thân mỗi người phải luôn nỗ lực để đạt được mục tiêu mình đề ra.
Nữ tiến sĩ chia sẻ: “Câu chuyện để” viên chức suốt đời”, nếu mức lương của người lao động thấp nhưng an toàn, nhiều người sẽ vẫn an phận thủ thường và trở nên lười biếng. Nhưng nếu bỏ biên chế đi thì người ta sẽ phải nỗ lực kiếm nguồn thu nhập, từ đó sẽ đạt được những thành tựu tốt hơn”.
Bà Hương nhấn mạnh: “Quan điểm của tôi là nên bỏ biên chế, bỏ “viên chức suốt đời”, như thế khi được và mất đang ở ranh giới nhất định, người lao động sẽ phải nỗ lực rất nhiều, hơn nữa nhiều người sẽ bỏ được lối sống “hành là chính”. Khi người ta sống lối sống thiếu trách nhiệm, họ sẽ có nhiều hành động gây khó khăn cho người khác, trong khi nếu họ đứng trước nguy cơ mất việc, chắc chắn họ sẽ không làm ảnh hưởng đến người khác”.
Tín hiệu đáng mừng
Đánh giá riêng với ngành Giáo dục, chuyên giaVũ Thu Hương cho biết, những thầy cô giáo hiện đang dạy ở trường công nếu được biên chế sẽ yên tâm dạy học hơn, cảm thấy thoải mái hơn. Còn nếu dạy ở trường tư sẽ dễ bị mất việc hơn. Tuy nhiên, những cô giáo dạy ở các trường tư, họ sẽ nỗ lực, cố gắng hơn.
Tiến sĩ Thu Hương nói: “Khối hành chính Nhà nước mà đủ tự tin xóa biên chế thì đây cũng là một tín hiệu đáng mừng. Nếu muốn bỏ “viên chức suốt đời”, khối cơ quan hành chính Nhà nước phải thay đổi cơ cấu lương mới có thể giữ chân những người làm được việc”.
Cũng liên quan đến vấn đề trên, ĐBQH Lê Công Nhường nêu quan điểm: “Tôi ủng hộ phương án đối với các trường hợp viên chức được tuyển dụng mới sau khi luật này có hiệu lực sẽ không ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Tuy nhiên, đối với những trường hợp đặc biệt như vùng hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khi tuyển dụng mới viên chức được ký ngay hợp đồng không xác định thời hạn. Bởi vì những nơi như thế rất ít người đến, rất khó tuyển người nên phải có cơ chế tốt, ổn định nhằm giúp họ yên tâm công tác, thu hút lao động. Ngoài ra, theo tôi, cần có quy định thêm đối với những trường hợp là lao động chuyên môn trực tiếp trong lĩnh vực giáo dục và y tế, cũng phải được ký hợp đồng không xác định thời hạn. Những y tá, hộ lý, bác sĩ hay giáo viên trực tiếp giảng dạy đều đòi hỏi phải có chuyên môn sâu, giỏi, có tay nghề. Đây là hai lĩnh vực mà Nhà nước vẫn đang rất cần và thiếu để chăm lo cho xã hội, không nên thường xuyên xáo trộn. Ở đây, tôi muốn nói, cần ưu tiên chính sách cho những người có chuyên môn trực tiếp làm trong lĩnh vực giáo dục và y tế, ví dụ như giáo viên đứng lớp, y bác sĩ khám chữa bệnh... chứ còn những trường hợp làm hành chính trong 2 lĩnh vực này thì chỉ cần áp dụng chính sách chung”.
“Đòn chí mạng” vào sức ì và sự ỷ lại Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, bỏ “viên chức suốt đời” là một thay đổi rất quan trọng và ảnh hưởng đến người viên chức để họ phải cố gắng trong công việc của mình. Thay vì là hợp đồng suốt đời sẽ là hợp đồng có thời hạn, đây cũng là mô hình ở một số nước tiên tiến đã làm và triển khai. Ông Doanh nhận định: “Còn việc thông qua, theo tôi nghĩ cần phải tổ chức một cuộc hội thảo để lấy ý kiến. Ngoài ra, nên thí điểm trước tại một số ngành nghề để khảo sát xem thực tế sẽ tác động như thế nào. Cộng tất cả những yếu tố lại thì mới quyết định xem có nên bỏ hay không?”. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, nếu bỏ “viên chức suốt đời” cũng sẽ là “đòn chí mạng” vào sức ì, nó sẽ tạo động lực cho sự nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ để phát triển. |
Nguyễn Hường - Lê Liên
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sông & Pháp luật Chủ Nhật số 36