Những ngày đối diện với “tử thần”
Đợt bùng phát đại dịch Covid-19 lần thứ 4 ở Nghệ An, anh N.A.D. (39 tuổi, nhân vật xin được giấu tên) trú ở Tp. Vinh, tỉnh Nghệ An cùng 10 thành viên trong gia đình không may bị nhiễm Covid-19. Ngay sau đó, anh và mọi người được đưa đến Trung tâm Nhiệt đới, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An để chữa trị.
“Thời điểm đó, cả nhà tôi gồm bố, mẹ, vợ và các cháu đều có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Không thể nói hết được sự lo lắng của tất cả mọi người. Do là trụ cột của gia đình nên tôi động viên mọi người cố gắng, rồi sắp xếp đồ đạc để cả nhà vào bệnh viện, dù trong lòng cũng vô cùng sợ hãi”, anh D. nhớ lại.
Vào thời điểm đó, anh D. có hiện tượng sốt cao, người mệt mỏi, ho không ngớt. Tuy nhiên, anh tự nhủ với bản thân chỉ khi mình lạc quan thì mọi người mới an tâm, vì vậy anh cố gắng đi lại, động viên từng người. Anh cũng hiểu rằng, là người đàn ông khỏe mạnh trong nhà, anh phải làm điểm tựa cho bố mẹ và vợ con.
Vào bệnh viện, nhiều ngày liền anh không ngủ được, mất vị giác nên ăn không cảm giác ngon. Ngoài ho và đau đầu kinh khủng, anh thỉnh thoảng bị hụt hơi. “Các bác sĩ rất nhiệt tình, chu đáo, một ngày 3 lần đo sinh hiệu. Mỗi phòng đều có chuông báo động và nhân viên y tế sẽ được thông báo trên loa ngay để đến 24/7. Chính sự tận tâm của các y, bác sĩ đã khiến cho gia đình tôi bớt lo lắng, tin tưởng rằng sẽ chiến thắng được bệnh tật”, anh Đ. kể.
Bước sang tuần thứ 2 ở bệnh viện, do thể trạng tốt nên anh cảm thấy khá hơn, tối ngủ chập chờn nhưng cũng được 2-3 tiếng. Anh cố gắng đi bộ mỗi ngày và ráng ăn đủ bữa dù chẳng cảm nhận được vị gì. Anh cũng luôn nhắc nhở các thành viên trong gia đình cố gắng ăn thêm để có sức chiến đấu với bệnh dịch.
Trải qua gần một tháng điều trị tại Trung tâm Nhiệt đới, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, điều kỳ diệu đã đến khi anh và các thành viên trong gia đình đã khỏi bệnh và được xuất viện. Ngày trở về, mọi người không thể giấu được những giọt nước mắt hạnh phúc. Đây cũng là lúc anh thông báo một quyết định vô cùng bất ngờ, đó là xin ở lại làm tình nguyện viên để sát cánh với các y, bác sĩ điều trị bệnh nhân F0.
Nhân chứng sống chống lại dịch Covid-19
Sau khi khỏi bệnh, anh N.A.D. quyết định ở lại bệnh viện hỗ trợ tuyến đầu chống dịch. Anh D. chia sẻ: “Thực sự trải qua quãng thời gian vừa qua tôi vô cùng sợ hãi. Bản thân mình nhiễm là điều tệ hại rồi nhưng chứng kiến bố mẹ già và vợ con cũng nhiễm virus quái ác này thì càng lo lắng hơn gấp bội. Cả nhà khỏi bệnh hoàn toàn là nhờ các y, bác sĩ đã tận tâm điều trị. Chúng tôi được về nhà, nhưng có những người nhiều tháng rồi chỉ gặp con qua điện thoại. Vì vậy tôi muốn làm điều gì đó tuy nhỏ nhưng giúp được các y, bác sĩ”.
Nghĩ là làm, anh N.A.D. quyết định ở lại làm tình nguyện viên tại Trung tâm Nhiệt đới, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, ngày đêm cùng y, bác sĩ chăm sóc và điều trị cho những bệnh nhân F0. Công việc hằng ngày của anh là thu gom chất thải y tế, sắp xếp chỗ nằm cho bệnh nhân... Quan trọng nhất, anh dùng chính bản thân của mình để cổ vũ cho những người đang nhiễm Covid-19.
Khi vào khu điều trị làm nhiệm vụ, D. cũng hoang mang vì thấy nhiều bệnh nhân bằng tuổi cha mẹ mình đang nằm điều trị với nhiều máy móc; nhiều người không có người thân bên cạnh khiến D. thêm xót xa. D. cùng các bạn tình nguyện viên khác tự hứa với lòng sẽ cố gắng hết sức giúp đỡ các bệnh nhân vượt qua dịch bệnh để trở về với gia đình, với những người thân yêu...
“Thời gian đầu biết tin bị dương tính với SARS-CoV-2 là lúc khủng hoảng nhất. Ai cũng sẽ rơi vào tâm lý hoang mang, lo lắng, thậm chí bị stress bởi những suy nghĩ tiêu cực. Cũng vì vậy việc chữa trị sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi các bệnh nhân không hợp tác. Lúc đó, tôi đã dùng những kinh nghiệm trải qua để truyền lại cho mọi người, giúp các bệnh nhân vượt qua nghịch cảnh”, anh D. cho hay.
Anh tâm sự, thực tế anh không giúp được nhiều tại trung tâm, bởi chăm sóc những người nhiễm Covid-19 phải có chuyên môn nghiệp vụ và nhất là phải hiểu tâm lý của bệnh nhân. Vì vậy, anh chỉ dám nhận mình là nhân chứng sống, là “liệu trình tâm lý” để các bệnh nhân khác lạc quan, yên tâm điều trị bệnh.
Nói về việc này, chị Nguyễn Thị Châu, nhân viên y tế Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, đang tăng cường tại Trung tâm cho biết: “Tình nguyện viên N.A.D. đã hỗ trợ nhân viên y tế ở đây rất nhiều. Các công việc như thu gom chất thải y tế, sắp xếp chỗ nằm, đo nồng độ oxy trong phổi... có anh góp sức, chúng tôi cũng đỡ vất vả”.
Bác sĩ Quế Anh Trâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm và Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An cho biết, thời gian qua, nhờ các tình nguyện viên là các bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh ở lại giúp đỡ nên các y, bác sĩ cũng đỡ vất vả phần nào.
Trưởng khoa Truyền nhiễm và Bệnh nhiệt đới thông tin thêm, hiện nay đơn vị đang điều trị 58 bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Tất cả đều là những ca nặng chuyển về từ các bệnh viện dã chiến, vì vậy khối lượng công việc vô cùng lớn. Các tình nguyện viên đều là bệnh nhân chẳng may nhiễm Covid-19 trước đây, hiện nay họ vẫn còn người thân điều trị nên xin ở lại giúp đỡ. Nhưng chính họ là động lực giúp các bệnh nhân vượt qua nguy kịch.
“Hơn ai hết, những người đã từng khỏi bệnh, họ hiểu được những lo lắng và dư chấn tâm lý mà bệnh nhân Covid-19 đang phải đối mặt. Nên họ trở thành nhân chứng sống thuyết phục hơn triệu lời nói để người dương tính với Covid-19 yên tâm điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế”, bác sĩ Quế Anh Trâm nhận định.
Theo bác sĩ Quế Anh Trâm, những nghiên cứu hiện tại cho thấy các F0 đã khỏi bệnh có kháng thể bảo vệ cơ thể, vì thế nguy cơ nhiễm lại là rất thấp. Do đó, việc hỗ trợ bệnh nhân của lực lượng này sẽ dễ dàng hơn. Những người từng là F0 có nồng độ kháng thể và có thể miễn nhiễm tạm thời với virus, vì thế các trường hợp F0 đã xuất viện là nguồn lao động hỗ trợ rất quý. Theo đó, lực lượng F0 khỏi bệnh có thể hỗ trợ được nhiều vị trí như hướng dẫn, vệ sinh khử khuẩn, hỗ trợ điều dưỡng nhiều công việc trong khu điều trị... để lực lượng nhân viên y tế tập trung vào công tác chuyên môn. |
Anh Ngọc
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ 4(22)