(ĐSPL)- Trung Quốc đang cố tình khiêu khích để Việt Nam sử dụng lực lượng vũ trang. Đây là bẫy của Trung Quốc cố tạo ra trong thời gian hơn một tháng qua trên biển. Và họ đang tiếp tục điều thêm tàu quân sự ra khu vực giàn khoan trái phép là muốn đẩy mạnh sự khiêu khích đó.
Trên báo Pháp luật TP HCM, Thiếu tướng, Chuẩn đô đốc Hải quân Lê Kế Lâm nhận định, diễn tiến của sự vụ này cho thấy Trung Quốc đang muốn mở rộng và mặc định vùng đặc quyền, thềm lục địa từ cái mà họ tự cho mình có chủ quyền ở Hoàng Sa - quần đảo TQ đã cưỡng chiếm và chiếm đóng trái phép của VN trong mấy chục năm qua. Đồng thời với việc thể hiện rằng mình có hoạt động kinh tế ở khu vực này qua việc áp đặt giàn khoan trái phép, TQ tiến hành xua một lượng lớn tàu cá ồ ạt vào đánh bắt ở vùng biển này để hợp thức hóa cho sự xâm chiếm trái phép đó. Khi tàu cá VN đánh bắt ở khu vực này thì TQ cho tàu cản trở, tấn công và lu loa lên rằng tàu cá VN vi phạm.
Trước tình hình này, Thiếu tướng Lê Kế Lâm cho rằng, cần huy động ngư dân tiếp tục kiên trì bám ngư trường truyền thống của mình, vươn khơi đánh cá. Các hoạt động đánh bắt của ngư dân phải được tổ chức chặt chẽ và được hỗ trợ, khuyến khích để ngư dân không run sợ trước sự hung hăng, hiếu chiến của tàu chấp pháp và tàu cá Trung Quốc.
Với chiến thuật khiêu khích quân sự của Trung Quốc, tướng Lâm phân tích: “Trung Quốc đang cố tình khiêu khích để Việt Nam sử dụng lực lượng vũ trang. Đây là bẫy của Trung Quốc cố tạo ra trong thời gian hơn một tháng qua trên biển. Và họ đang tiếp tục điều thêm tàu quân sự ra khu vực giàn khoan trái phép là muốn đẩy mạnh sự khiêu khích đó”.
Theo tướng Lâm, hành động khiêu khích của Trung Quốc là nhằm tổ chức các "trận đánh" với quy mô nhất định để không chịu nhiều thiệt hại, ngược lại sẽ gây tổn thất cho các lực lượng của ta để toan tính những thủ đoạn lâu dài hơn ở biển Đông. Vì thế, các lực lượng của Việt Nam cần hết sức bình tĩnh, khéo léo, tránh mắc bẫy của Trung Quốc.
Tàu Trung Quốc ngày càng manh động, liên tiếp tấn công và đâm va gây hư hại lớn cho lực lượng tàu chấp pháp Việt Nam. |
Cảnh giác với âm mưu mới của Trung Quốc
Cũng trên báo Pháp luật TP.HCM, Trung tướng Mai Xuân Vĩnh, nguyên Tư lệnh quân chủng Hải quân Việt Nam, chỉ rõ: “Ta không có ảo tưởng Trung Quốc có thiện chí để giải quyết vấn đề trong lúc này, trừ khi họ tuyên bố hoạt động thăm dò chấm dứt nên rút giàn khoan. Hành động xâm lấn, bành trướng của họ đã thành hệ thống không có gì mới lạ”.
Tướng Vĩnh cho rằng, nhận diện điều này để tỏ rõ quyết tâm của Việt Nam là ta không sợ, không vì thiệt hại một số tàu thuyền vừa rồi mà nao núng trước sự ngang ngược của TQ. “Chúng ta phải tiếp tục đấu tranh hòa bình kiên trì, kiên quyết với tư thế người làm chủ thì nhất định chúng ta sẽ thắng” - tướng Vĩnh nói.
Với những diễn biến ngày càng phức tạp tại thực địa quanh khu vực giàn khoan Trung Quốc đặt trái phép trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam, tướng Vĩnh cảnh báo, chúng ta cần phải chú ý đến những âm mưu toan tính đầy nguy hiểm của Trung Quốc trước mùa mưa bão tới. Thời gian tới, diễn biến về khí hậu, thời tiết trên biển sẽ khó lường, cho nên VN cần chuẩn bị các phương án tối ưu để đối phó với âm mưu mới của Trung Quốc. Cụ thể, Trung Quốc sẽ lợi dụng tàu thuyền lớn để duy trì sự có mặt tại vùng chủ quyền Việt Nam, ngược lại tàu thuyền của ta nhỏ hơn nên khó hiện diện để cản trở sự xâm lấn của họ.
“Ta không bao giờ gây sự trước nhưng trước sự hung hăng, bất chấp của Trung Quốc thì các lực lượng của ta cần luôn đặt ở tư thế sẵn sàng để đáp trả họ đích đáng” - tướng Vĩnh góp ý.
Quốc gia hung hăng
Trong khi đó, trên báo Vietnamnet, TS Nguyễn Hùng Sơn - Phó Viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao nhận định, Trung Quốc là một “quốc gia hung hăng”.
Trong năm 2003 và 2004, TQ đã đưa ra khái niệm về ''trỗi dậy hòa bình'' và ''phát triển hòa bình'' để trấn an thế giới về sự phát triển của mình, cam kết không trở thành bá quyền. Năm 2013, TQ giới thiệu chính sách ngoại giao láng giềng, theo đó lãnh đạo TQ đề xuất sáng kiến con đường tơ lụa trên biển và đề nghị ký hiệp định láng giềng hữu nghị với ASEAN.
Tuy nhiên, với những hành động gây hấn và khiêu khích đặc biệt mạnh lên từ năm 2009 trở lại đây trên biển Đông và cả biển Hoa Đông, TQ đã cho thế giới thấy khoảng cách ngày càng lớn giữa lời nói và hành động của TQ và đưa ra một hình ảnh TQ ngày càng ưa sử dụng sức mạnh trong việc khẳng định chủ quyền dựa trên việc tạo ra những “thực tế mới” trên Biển Đông.
Không chỉ dùng vòi rồng tấn công, các tàu Trung Quốc còn đâm chìm tàu Việt Nam và đập phá tài sản trên tàu, hành hung tàn bạo ngư dân đánh bắt cá trên biển. |
Từ đó, trong con mắt của công luận quốc tế, Trung Quốc đã trở thành một nước ngày càng hung hăng, vi phạm luật pháp quốc tế, đe dọa an ninh, hoà bình và ổn định khu vực.
Khoảng cách giữa lời nói và hành động của Trung Quốc càng lớn thì lòng tin của các quốc gia trong khu vực đối với Trung Quốc càng giảm, Trung Quốc càng bị cô lập trong cộng đồng khu vực và quốc tế.
Việt Nam kịch liệt phản đối Trung Quốc, kiên quyết bảo vệ chủ quyền
Theo bản tin của TTXVN, tại Hội nghị quan chức cấp cao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á diễn ra từ ngày 7 – 10/6, các nước bày tỏ quan ngại sâu sắc trước những diễn biến phức tạp và tình hình gia tăng căng thẳng hiện nay ở biển Đông; nhấn mạnh yêu cầu phải tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và sớm tiến tới bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).
Hội nghị quan chức cấp cao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (Ảnh TTXVN). |
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Vinh nêu rõ những hành động xâm phạm của Trung Quốc hiện nay ở biển Đông, đồng thời nhấn mạnh việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) và đưa nhiều tàu hộ tống bảo vệ vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và UNCLOS, ảnh hưởng trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở biển Đông.
Việt Nam kiên quyết phản đối các hành động gây hấn, đâm húc và dùng vòi rồng phun nước làm hư hại các tàu kiểm ngư, cảnh sát biển và nhiều tàu cá của VN; yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu bảo vệ ra khỏi vùng biển của VN.
Kêu gọi sự ủng hộ của quốc tế
Tại Hội nghị quan chức cấp cao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á, Thứ trưởng Phạm Quang Vinh cũng khẳng định, Việt Nam coi trọng quan hệ hữu nghị, hợp tác với Trung Quốc, nhưng kiên quyết bảo vệ chủ quyền thiêng liêng và các vùng biển của mình bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Thứ trưởng kêu gọi các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế tiếp tục phản đối các hành động xâm phạm của Trung Quốc, yêu cầu phải triệt để tôn trọng luật pháp quốc tế và UNCLOS, thực hiện nghiêm túc DOC và sớm tiến tới COC.
Cũng theo TTXVN, Thủ tướng nước Cộng hòa Ý Matteo Renzi đã thăm chính thức Việt Nam từ ngày 9 – 10/6.
Liên quan đến, tình hình biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thông báo tới Thủ tướng Matteo Renzi về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 tại vị trí nằm sâu trong thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của VN theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một bên tham gia ký kết, đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông.
Thủ tướng Ý khẳng định: Ý đồng quan điểm của Liên minh châu Âu và khối G7, đã chia sẻ quan ngại sâu sắc với VN về tình hình hiện nay ở biển Đông và cho rằng các bên cần kiềm chế và giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế.