(ĐSPL) - Trung Quốc đang mở rộng chính sách "ba cuộc chiến tranh" trong việc giải quyết vấn đề Đài Loan sang tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, theo báo Want Daily.
Tờ báo giấy Want Daily của Đài Loan đưa tin Richard Hu - phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu an ninh tại Đại học quốc gia Chengchi, Đài Bắc - cho biết lần đầu tiên quân đội Trung Quốc đề ra khái niệm “ba cuộc chiến tranh” vào năm 2003. Đó là chiến tranh dư luận, chiến tranh tâm lý và chiến tranh pháp lý.
|
Lính hải quân Trung Quốc: Một trong những công cụ để tranh chấp Biển Đông |
Từ lâu, Bắc Kinh đã thông qua chiến lược “ba cuộc chiến tranh” để đối phó các vấn đề hai bờ eo biển Đài Loan. Hiện thời, chiến trường đã chuyển từ eo biển Đài Loan sang Biển Đông.
Theo ông Richard Hu, Trung Quốc đã bắt đầu áp dụng “ba cuộc chiến tranh” này đối với Philippines, nước đã nộp hồ sơ dày 4.000 trang lên tòa án trọng tài quốc tế Liên hợp quốc về Luật Biển tại La Haye (Hà Lan) kiện yêu sách lãnh thổ phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ngày 3/6, tòa án quốc tế đã yêu cầu Trung Quốc nộp văn bản phản hồi trước các khiếu nại của Philippines nộp ngày của 15/12/2013, nhưng Bắc Kinh tuyên bố sẽ không tham gia vào vụ kiện này. Theo ông Richard Hu, đây là dấu hiệu của chiến lược “ba cuộc chiến tranh” mà Trung Quốc áp dụng ở Biển Đông.
Học giả Đài Loan Richard Hu cho rằng mặc dù từ chối tham gia vụ kiện của Philippines, Trung Quốc vẫn tiến hành sử dụng các nghiên cứu khoa học hoặc các tài liệu cung cấp bằng chứng để bao biện thông qua các kênh không chính thức, trong khi đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ gây ảnh hưởng đến dư luận quốc tế.
Tuy nhiên, ông Richard Lu cho rằng Trung Quốc vẫn cần phải tìm kiếm sự hỗ trợ từ phía Đài Loan. Chính quyền Đài Loan hiện sở hữu hàng nghìn tài liệu về Biển Đông, được lưu trữ trong các bộ nội vụ, ngoại giao, quốc phòng và các cơ quan nghiên cứu. Những tài liệu này đều là vô giá đối với Bắc Kinh.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/trung-quoc-dung-ba-cuoc-chien-de-tranh-chap-bien-dong-a36260.html