Theo Tiến sĩ Nguyễn Hùng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao, Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền vùng biển của Việt Nam và luật pháp quốc tế.
Ngày 2/5/2014, Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan dầu khí Hải Dương 981 tại tọa độ 15o29’58” vĩ Bắc – 111o12’06” kinh Đông, nằm sâu trên 80 hải lý trong vùng biển Việt Nam. Đến ngày 27/5/2014, Trung Quốc di chuyển giàn khoan đến tọa độ mới tại 15o33’38” vĩ Bắc – 111o34’62” kinh Đông cách vị trí cũ 23 hải lý về phía Đông Đông Bắc và cách đường ranh giới 200 hải lý của Việt Nam khoảng 60 hải lý.
|
Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải dương 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. |
Cả hai vị trí Trung Quốc đặt giàn khoan đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Ngoài ra, Trung Quốc còn thường xuyên duy trì trên 100 tàu, trong đó có nhiều tàu chiến cỡ lớn và máy bay quân sự, chủ động đâm va tàu thực thi pháp luật của Việt Nam trên một phạm vi rộng lớn hàng chục hải lý xung quanh vị trí giàn khoan 981.
Việc làm trên của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Cụ thể, Trung quốc đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982; vi phạm luật pháp quốc tế về cấm sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế nói chung và trong việc giải quyết tranh chấp nói riêng; vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là bên tham gia ký kết; trái với Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc ký năm 2011.
Theo quy định Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, một quốc gia ven biển có quyền có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, quốc gia ven biển hoàn toàn có quyền khai thác tài nguyên trên biển cũng như dưới đáy biển. Các quốc gia khác chỉ có quyền qua lại vô hại trên biển và nếu muốn thực hiện hoạt động kinh tế trong khu vực này phải được sự đồng ý của quốc gia ven biển.
Trung Quốc ngang ngược cho rằng giàn khoan Hải Dương 981 nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của cái gọi là “Tây Sa” (Hoàng Sa) của Trung Quốc. Điều này hoàn toàn phi pháp, vì các lý do sau:
Thứ nhất, Hoàng Sa không phải là của Trung Quốc. Hoàng Sa là lãnh thổ không thể tranh cãi của Việt Nam. Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý chứng minh điều này, ít nhất từ thế kỷ 17, nhà Nguyễn đã xác lập chủ quyền và có các hoạt động khẳng định chủ quyền nhà nước đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Cụ thể, nhà Nguyễn đã thành lập Hải đội Hoàng Sa để khai thác kinh tế đối với hai quần đảo này và thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước khác trong suốt mấy thế kỷ kể từ thời điểm đó mà không bị một nước nào phản đối, kể cả Trung Quốc. Với một thời gian dài như vậy, Việt Nam hoàn toàn có cơ sở pháp lý để khẳng định rằng chủ quyền của Việt Nam từ thời phong kiến đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được xác lập. Sau thời kỳ nhà Nguyễn, chính quyền bảo hộ Pháp và Việt Nam đều tiếp tục duy trì chủ quyền và quản lý trên thực tế đối với hai quần đảo này.
Năm 1956, Trung Quốc đưa quân sử dụng vũ lực đánh chiếm khu vực phía Đông và năm 1974, chiếm khu vực phía Tây quần đảo này của Việt Nam. Theo luật pháp quốc tế, việc sử dụng vũ lực để chiếm hữu lãnh thổ là không được thừa nhận. Do đó, tuyên bố Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với “Tây Sa” (Hoàng Sa) là phi pháp. Từ sau năm 1974, Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa, phản đối các hoạt động phi pháp cũng như yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Hoàng Sa. Lập luận của Trung Quốc cho rằng giàn khoan Hải Dương 981 nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Trung Quốc vì Hoàng Sa là của Trung Quốc là sai trái về mặt luật pháp quốc tế.
Thứ hai, Trung Quốc cũng không thể lập luận rằng giàn khoan Hải Dương 981 nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Hoàng Sa theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, bởi các đảo đá tại Hoàng Sa có diện tích nhỏ (lớn nhất là đảo Phú Lâm có diện tích khoảng 2km vuông), không thỏa mãn điều kiện pháp lý áp dụng cho quy chế đảo là phải có đời sống kinh tế riêng và có thể tự duy trì cuộc sống.
Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, các đảo đá này không được hưởng 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, mà chỉ có vùng biển lãnh hải 12 hải lý. Điều đó khẳng định vị trí Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981 (cách đảo Tri Tôn 17 hải lý và sau đó là 25 hải lý) hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam và hoàn toàn không có tranh chấp.
Trung Quốc cũng vi phạm luật quốc tế khi sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trong việc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam. Hiến chương Liên Hợp Quốc đã cấm tất cả các hành động sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực nói chung và liên quan đến các vấn đề lãnh thổ nói riêng. Các hoạt động tranh chấp phải được giải quyết thông qua thương lượng hòa bình. Hoạt động sử dụng vũ lực chỉ được thực hiện trong các hoàn cảnh đặc biệt như là tự vệ và/hoặc được Hội đồng Bảo an cho phép.
Như thế giới đã chứng kiến, để hộ tống giàn khoan trái phép vào vùng biển của Việt Nam, Trung Quốc đã sử dụng một số lượng lớn tàu hải cảnh, hải giám, ngư chính, quân sự cùng máy bay chiến đấu, đặc biệt Trung Quốc cho mở bạt che nòng súng trên các tàu quân sự chĩa vào tàu dân sự của Việt Nam. Các hành động này cho thấy rõ ràng Trung Quốc đã có hành động đe dọa sử dụng vũ lực.
|
Tàu Trung Quốc chủ động, cố tình đâm va, làm hư hại nhiều tàu thuyền của lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam. |
Càng nghiêm trọng hơn, các tàu của Trung Quốc chủ động, cố tình đâm va, làm hư hại nhiều tàu thuyền của lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam, thậm chí đã đâm chìm tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam, làm bị thương nhiều cán bộ của các cơ quan thực thi pháp luật của Việt Nam và nhiều ngư dân đang hoạt động tại ngư trường truyền thống trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đây là các hành động sử dụng vũ lực trên thực tế. Các hành động này là hết sức nguy hiểm, đe dọa trực tiếp hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông.
Ngoài ra, để bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981, Trung Quốc đã tuyên bố thiết lập vùng an toàn 3 hải lý xung quanh giàn khoan. Đây cũng là hành vi hoàn toàn trái với luật pháp quốc tế. Theo như Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, một quốc gia chỉ được phép thiết lập vùng an toàn 500 mét cho các công trình và thiết bị lắp đặt trên biển. Trên thực tế, phạm vi các tàu hải cảnh, hải giám, ngư chính và tàu quân sự của Trung Quốc ngăn cản tàu thực thi pháp luật của Việt Nam bảo vệ chủ quyền vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam lên tới 30-40 hải lý.
Hành động này đã đe dọa tự do, an ninh và an toàn hàng hải trong khu vực. Kèm theo đó, việc các máy bay trinh sát và tiêm kích của Trung Quốc thường xuyên bay sát, uy hiếp các tàu công vụ của Việt Nam đã trở thành mối đe dọa đối với an toàn và tự do hàng không trên vùng biển này.
Trong năm 2003 và 2004, Trung Quốc đã đưa ra khái niệm về ''trỗi dậy hòa bình'' và ''phát triển hòa bình'' để trấn an thế giới về sự phát triển của mình, cam kết không trở thành bá quyền. Năm 2013, Trung Quốc giới thiệu chính sách ngoại giao láng giềng, theo đó lãnh đạo Trung Quốc đề xuất sáng kiến con đường tơ lụa trên biển và đề nghị ký hiệp định láng giềng hữu nghị với ASEAN.
Tuy nhiên, với những hành động gây hấn và khiêu khích đặc biệt mạnh lên từ năm 2009 trở lại đây trên Biển Đông và cả biển Hoa Đông, Trung Quốc đã cho thế giới thấy khoảng cách ngày càng lớn giữa lời nói và hành động của Trung Quốc và đưa ra một hình ảnh Trung Quốc ngày càng ưa sử dụng sức mạnh trong việc khẳng định chủ quyền dựa trên việc tạo ra những “thực tế mới” trên Biển Đông. Từ đó, trong con mắt của công luận quốc tế, Trung Quốc đã trở thành một nước ngày càng hung hăng, vi phạm luật pháp quốc tế, đe dọa an ninh, hoà bình và ổn định khu vực.
Khoảng cách giữa lời nói và hành động của Trung Quốc càng lớn thì lòng tin của các quốc gia trong khu vực đối với Trung Quốc càng giảm, Trung Quốc càng bị cô lập trong cộng đồng khu vực và quốc tế. Và khi niềm tin về sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc càng thiếu cơ sở thì việc các nước trong khu vực tìm kiếm các biện pháp tài phán, xây dựng các mối quan hệ hợp tác quốc tế mới, thậm chí tăng cường khả năng tự vệ là điều cần thiết và hợp lý.
Điều này hoàn toàn đi ngược với lợi ích của Trung Quốc, cả về ngắn hạn và dài hạn, bởi vì nước lớn nào cũng phải tạo dựng một môi trường hòa bình và hợp tác ở khu vực địa lý kề cận với mình. Một môi trường như vậy không thể được tạo dựng bằng chính sách cường quyền và một chính sách cường quyền thì không thể giúp xây dựng các mối quan hệ bè bạn.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lap-luan-cua-trung-quoc-sai-trai-ve-mat-luat-phap-quoc-te-a36244.html