Chính quyền thành phố nhìn nhận, bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có thể lây từ động vật sang người. 5 năm qua, căn bệnh đã làm chết 410 người và hơn 2,7 triệu người phải điều trị dự phòng, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, gây thiệt hại lớn về kinh tế.
UBND TP.HCM giao Chủ tịch các quận, huyện, TP.Thủ Đức tổ chức rà soát, thống kê chính xác số hộ nuôi chó, mèo ở từng khu dân cư. Các hộ dân cần cam kết thực hiện khai báo, kê khai và chấp hành nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình, đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, không để ảnh hưởng người khác và chấp hành tiêm vaccine phòng bệnh dại cho vật nuôi theo quy định.
Các địa phương phối hợp với cơ quan thú y để tổ chức tiêm phòng dại cho chó, mèo đạt tỷ lệ ít nhất trên 90% tổng đàn kiểm tra.
Các địa phương cần thành lập các đoàn kiểm tra để đôn đốc, hướng dẫn công tác, chống bệnh dại và xử lý các vi phạm về phòng, chống bệnh dại.
Trong đó, TP.HCM chỉ đạo xử phạt thật nghiêm hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt chó khi đưa chó ra nơi công cộng, không chấp hành tiêm vaccine phòng dại cho chó nuôi.
Kết quả xử lý cần được báo cáo định kỳ hàng quý để Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, theo dõi, hướng dẫn, quản lý. Phần việc này nhằm kéo giảm số người chết, người phải điều trị dự phòng, góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng, phát triển kinh tế - xã hội.
UBND TP.HCM giao Sở Y tế phối hợp cơ quan thú y kịp thời thông tin ngay khi phát hiện hoặc nhận được thông tin về trường hợp bị chó, mèo mắc bệnh dại hoặc nghi mắc bệnh dại cắn. Đồng thời, cơ quan này cần tăng cường giám sát bệnh dại trên người với sự tham gia của cộng đồng dân cư, có sự phối hợp chặt của ngành thú y và ngành y tế, đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật.
Sở Y tế TP.HCM cũng chịu trách nhiệm đảm bảo tiếp cận vaccine phòng bệnh dại cho người, phổ biến các địa chỉ tiêm phòng dại và hướng dẫn người bị chó, mèo cắn đến ngay cơ sở y tế.
Việt Hương (T/h)