(ĐSPL) - Khí phách người Việt từ bao đời vẫn thế! Sinh ra trên dải đất hình chữ S, bên bờ sóng vỗ miên man, ngàn đời nay người Việt yêu biển, gắn liền với biển, đảo. Bởi thế, không phải ngẫu nhiên khi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981, lòng dân lại cuộn lên hướng về Biển Đông.
Tàu CSB 4033 hơn 100 lần đụng độ với tàu Trung Quốc để tiếp cận giàn khoan. |
Bảo vệ chủ quyền Tổ quốc
Biển Đông bắt đầu "nổi sóng" khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương- 981 trong vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa của Việt Nam.
Ngày 4/5/2014, bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng phản đối hoạt động phi pháp của giàn khoan Hải Dương- 981 trên vùng biển Việt Nam. Việt Nam khẳng định, có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được xác định phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982. Mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển của Việt Nam khi chưa được phép của Việt Nam đều là bất hợp pháp và vô giá trị. Đây cũng là động thái mở màn cho chuỗi hoạt động đấu tranh trên các mặt trận của Việt Nam nhằm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng.
Nhằm thể hiện quyết tâm của toàn dân tộc, những người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước Việt Nam đã lên tiếng bày tỏ thái độ kiên quyết của Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại bế mạc Hội nghị lần thứ 9 BCH TƯ Đảng khóa XI ngày 14/5 nhấn mạnh, cả nước một lòng, kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng khẳng định: Việt Nam không chấp nhận bất cứ ai, bất cứ nước nào, dù mạnh đến đâu, bắt ta phải nhượng bộ chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. "Chúng ta kiên quyết không để một tấc đất, tấc biển nào của Tổ quốc bị xâm phạm... Đối với bất cứ người Việt Nam nào, chủ quyền lãnh thổ quốc gia là thiêng liêng và bất khả xâm phạm", Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh trong cuộc trả lời phỏng vấn của Thông tấn xã Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó.
Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, hòa chung nhịp đập trái tim với đồng bào, chiến sỹ cả nước, các vị đại biểu Quốc hội đã mạnh mẽ lên án hành động sai trái của Trung Quốc. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng cho hay, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan là hành động thực hiện ý đồ lấn chiếm Biển Đông.
Hướng về Biển Đông
Trong các cuộc đấu tranh chống mọi kẻ thù xâm lược chưa một lần dân Việt chịu khuất phục. Mỗi trận đánh, mỗi chiến thắng, mỗi hy sinh mất mát đều được tích lũy lại thành kinh nghiệm, thành nghệ thuật quân sự và trên hết, trở thành tính cách mà mỗi người dân Việt Nam đều có, đó là lòng yêu nước. Việt Nam nắm giữ chính nghĩa trong tay, có đầy đủ bằng chứng chứng minh Hoàng Sa, Trường Sa là của chúng ta, là phần máu thịt không thể tách rời.
Thời điểm đó, cộng đồng mạng đồng loạt đổi hình nền máy tính với lá cờ Tổ quốc đỏ tươi cùng khẩu hiệu "hướng về Biển Đông". Tinh thần tự tôn dân tộc, lòng yêu nước và khí thế bảo vệ chủ quyền biển đảo được khẳng định đanh thép: "Khi Tổ quốc cần, chúng tôi sẵn sàng có mặt!".
Đồng hành cùng hàng triệu trái tim người Việt, các tổ chức chính trị, xã hội, các cơ quan đoàn thể trong và ngoài nước... đã lên tiếng phản đối cách hành xử ngang ngược của Trung Quốc. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân, Hội Nhà văn, Hội Nhà báo, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư, Hội Cựu Thanh niên xung phong, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Liên hiệp thanh niên, Hội Nghề cá, Tổng Liên đoàn lao động, Hội Mỹ thuật vv... đều ra tuyên bố phản đối hành động hạ đặt trái phép giàn khoan của Trung Quốc. Nhân dân cả nước và kiều bào Việt ở nước ngoài đều phản đối việc Trung Quốc gây căng thẳng trên biển và nhiều hoạt động chung tay góp sức hướng về Biển Đông.
Trong ký ức của những cán bộ, chiến sỹ thực thi nhiệm vụ đấu tranh với hành vi lấn chiếm của Trung Quốc khi ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương- 981 vào vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam thì đó là những ngày tháng không thể nào quên. Bằng trách nhiệm lớn lao với Tổ quốc, với nhân dân, các cán bộ, chiến sỹ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Bản lĩnh thép trước sóng dữ
Nói về những ngày Biển Đông "dậy sóng", ông Lê Trọng Phổ, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát Biển 2 chia sẻ với PV báo Đời sống và Pháp luật rằng, các chiến sỹ Cảnh sát Biển vùng 2 là những người đến thực địa sớm nhất, vững vàng đối phó một cách bình tĩnh, khôn khéo. Nhắc tới những con người quả cảm đó, trước hết phải kể đến các thuyền trưởng của những con tàu trực tiếp làm nhiệm vụ thực thi pháp luật ở thực địa, nơi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan. Những con người như Thượng uý Quản Đình Dương (SN 1983), Thuyền trưởng tàu CSB 2016; Đại úy Lê Trung Thành (SN 1982) Thuyền trưởng tàu 4033 và nhiều đồng chí khác nữa, họ là đại diện tiêu biểu cho tinh thần thép của người chiến sỹ nơi tuyến đầu.
Đến thời điểm này, nhiều người trong lực lượng Cảnh sát Biển vẫn còn kể với nhau về hành động giải vây kịp thời cho tàu Kiểm ngư Việt Nam bị 3- 4 tàu Trung Quốc vây hãm, tấn công vào chiều ngày 1/6/2014 tại vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Cũng như Thượng úy Quản Đình Dương, Đại úy Lê Trung Thành, SN 1983, Thuyền trưởng tàu CSB 4033, Hải đội 201 thuộc bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát Biển 2 là một trong những người có mặt đầu tiên trên thực địa nơi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan. Nhớ lại 75 ngày đêm sóng gió thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, Đại uý Thành cho rằng, đó là những ký ức không thể nào quên. Vị Thuyền trưởng này đã chỉ huy con tàu Cảnh sát Biển 4033, suốt 75 ngày đêm trên thực địa, 71 lần tổ chức, chỉ huy tàu tiến vào giàn khoan Hải Dương 981, có lúc cách giàn khoan 6 hải lý, hơn 100 lần đụng độ, đương đầu với tàu nước ngoài ngăn cản, đâm va, vây ép. Có những thời điểm, tàu 4033 bị tàu hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu 44044 đâm thủng tàu. Thuyền trưởng Thành đã hết sức bình tĩnh, không nao núng, chỉ huy tàu nhanh chóng khắc phục sự cố và thoát ra khỏi sự vây hãm của các tàu Trung Quốc an toàn.
Thuyền trưởng Lê Trung Thành bên tàu Cảnh sát Biển 4033. |
Càng xúc động hơn khi biết, Thuyền trưởng Thành cùng nhiều đồng chí khác thực thi nhiệm vụ trong hoàn cảnh ở quê nhà nhiều người thân đang mang bệnh hiểm nghèo nhưng vẫn xung phong ở lại bám biển, thực thi nhiệm vụ. Có thể kể đến một số trường hợp cụ thể như Trung uý Phạm Khả Đăng, Thuyền phó tàu Cảnh sát Biển 4033 có cả bố và mẹ bị ung thư. Mẹ Trung uý Đăng đã mất khi Trung uý đang làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Khác với Trung uý Đăng, vợ Đại uý Nguyễn Quốc Huy, Chính trị viên tàu Cảnh sát Biển 2016 bị ung thư nhưng Đại uý cũng không dành được chút ít thời gian chăm sóc.
Tâm sự với PV, Thuyền trưởng Thành nói: "Trong những ngày Biển Đông "dậy sóng", khi tôi đang thực thi nhiệm vụ ở Hoàng Sa, cũng là lúc nhận được tin mẹ tôi lâm bệnh hiểm nghèo phải đưa từ Quảng Ngãi vào bệnh viện Ung bướu Tp.Hồ Chí Minh chữa trị. Tôi vô cùng lo lắng cho tình hình sức khỏe của mẹ. Trong tâm tôi nói với mẹ, lúc này Tổ quốc đang gọi, nhân dân đang cần, con phải làm tròn bổn phận người lính bảo vệ chủ quyền, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tôi càng xúc động hơn khi nhận được lời nhắn nhủ của mẹ: "Con hãy yên tâm bảo vệ Tổ quốc, mẹ đã có gia đình, xã hội, bạn bè hết sức quan tâm, giúp đỡ về mọi mặt, con hãy bình tĩnh, khôn ngoan, sáng suốt, dũng cảm vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Tổ quốc, nhân dân giao cho, có vậy, mẹ khỏe và vui lắm rồi". Lời nhắn nhủ của mẹ như tiếp sức cho tôi vững vàng, kiên cường bám trụ thực địa hơn".
(*) Xin mượn tên bài thơ đã gây xúc động hàng triệu trái tim của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến làm tiêu đề.