- Thưa Phó Thủ tướng, vấn đề được gần 90 triệu người Việt Nam quan tâm và có lẽ cũng là dấu ấn sâu đậm nhất của ngành Ngoại giao là góp phần xử lý những sóng gió trên Biển Đông. Thưa Phó Thủ tướng, năm qua, ngành Ngoại giao đã làm thế nào để chúng ta vừa bảo vệ được độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vừa giữ được quan hệ, ổn định, hòa bình cho phát triển?
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Chủ trương đối ngoại của chúng ta là phát triển quan hệ với các nước để đóng góp vào việc tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định phục vụ cho phát triển đất nước, đồng thời chủ trương đối ngoại của chúng ta cũng là bảo vệ vững chắc chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của đất nước chúng ta. Đây là 2 mục tiêu không có gì mâu thuẫn với nhau vì giữ vững được môi trường hòa bình cũng là bảo vệ được chủ quyền đất nước, nhưng đồng thời bảo vệ chủ quyền trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế cũng là đóng góp giữ môi trường hòa bình ổn định.
Chính vì vậy, trong năm 2014, khi tình hình Biển Đông phức tạp, chúng ta đã triển khai rất tích cực hoạt động đối ngoại để giải quyết vấn đề bằng các biện pháp hòa bình. Chúng ta đã trực tiếp thảo luận, trao đổi, đấu tranh thông qua các cuộc tiếp xúc trực tiếp với Trung Quốc và chúng ta đã tiến hành hơn 40 cuộc giao thiệp với Trung Quốc về vấn đề trên Biển Đông.
Việt Nam cũng được sự đồng tình, ủng hộ của thế giới với lập trường chính nghĩa của chúng ta vì chúng ta xử lý, giải quyết bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, tạo được sự ủng hộ rộng lớn của các nước trên thế giới.
Đồng thời, trong quá trình giải quyết vấn đề trên biển, chúng ta vẫn tích cực, chủ động duy trì các mối quan hệ với Trung Quốc thông qua trao đổi các đoàn của các Bộ, ngành, địa phương; tiếp tục duy trì các quan hệ về kinh tế, thương mại với Trung Quốc. Chính vì vậy, chúng ta đảm bảo được vẫn phát triển quan hệ với Trung Quốc và đảm bảo được chủ quyền và quyền chủ quyền của chúng ta ở biển Đông.
- Thưa Phó Thủ tướng, trong năm qua, tại một số điểm nóng chiến sự trên thế giới có nhiều người Việt sinh sống, vậy Bộ Ngoại giao đã làm gì để bảo đảm an toàn cho người dân của chúng ta tại các điểm nóng này?
Nhiệm vụ của các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài có một trong những nhiệm vụ rất quan trọng là bảo hộ công dân, bảo hộ người Việt Nam ra nước ngoài làm việc, học tập. Trong năm 2014, Đại sứ quán nước ta tại Lybia đã hỗ trợ đưa hơn 1.700 công nhân trở về nước khi tình hình chiến sự ở Lybia xảy ra. Tại Ukraine có 10.000 người Việt Nam và trong những vùng phức tạp, xảy ra chiến sự ở miền Đông Ukraine có khoảng 300 người.
Khi tình hình xảy ra thì Đại sứ quán đã liên hệ với cộng đồng người Việt Nam tại khu vực đó về những việc cần làm và hỗ trợ cho các cộng đồng, hỗ trợ cho những người Việt Nam sinh sống ở khu vực đó và đồng thời có các biện pháp đưa những người Việt Nam đó đi sang những vùng yên tĩnh hơn.
Đồng thời trong thời gian đó, nhân dịp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tháng 9/2014, chúng ta đã gặp Ngoại trưởng Ukraine và đã yêu cầu Chính phủ Ukraine tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo lợi ích của người Việt Nam đang sinh sống ở đó. Ngoại trưởng Ukraine cũng đã hứa sẽ đảm bảo quyền lợi cũng như lợi ích, an toàn của người Việt Nam tại đó.
- Một lao động đi xuất khẩu sang Saudi Arabia gửi thư về chuyên mục có hỏi: Nhiều chị em trong huyện đi xuất khẩu lao động giúp việc nhà. Hợp đồng ký với công ty nước ngoài ghi rõ ngày làm việc tối đa 12 tiếng, lương tháng khoảng 7,5 triệu đồng. Thế nhưng trong thực tế, không phải chỉ tôi, mà nhiều chị em khác bị thu hết giấy tờ tùy thân, bị bắt làm việc liên tục đến 20 tiếng/ngày, nhiều trường hợp còn không được trả lương, thậm chí còn bị ngược đãi, cưỡng bức. Xin hỏi Phó Thủ tướng những trường hợp như thế này sẽ nhận được sự giúp đỡ như thế nào từ Bộ Ngoại giao?
Đối với trường hợp vừa nói thì khi được biết thông tin đó, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo ngay Đại sứ quán của ta tại Saudi Arabia phải vào cuộc để bảo hộ những người lao động hợp pháp của chúng ta tại Saudi Arabia.
Cơ quan đại diện của chúng ta đã gặp chính quyền sở tại để nêu vấn đề này, Sứ quán của ta cũng đã tới gặp những người lao động tại Saudi Arabia và Bộ Ngoại giao cũng như Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cũng đã yêu cầu công ty trong nước ký hợp đồng gửi lao động sang Saudi Arabia có trách nhiệm vào cuộc trong việc bảo hộ quyền lợi của những người lao động này.
Vừa qua, Đại sứ quán ta cũng đã hỗ trợ cho 7 người lao động của chúng ta ở Saudi Arabia về nước và ngày 31/12 thì 13 người lao động nữa cũng đã được hỗ trợ về nước.
Vấn đề quan trọng ở đây là các công ty cử lao động của Việt Nam ra nước ngoài phải đảm bảo chặt chẽ các hợp đồng lao động, bảo đảm tối đa quyền lợi của người lao động ở nước ngoài.
Để làm được điều đó thì các công ty này phải lấy ý kiến của các Bộ, ngành chức năng của Việt Nam để đảm bảo các hợp đồng lao động đó hợp pháp, đúng luật pháp của nước sở tại cũng như luật pháp quốc tế và quan trọng nhất là phải có những điều kiện đảm bảo cho quyền lợi của người lao động nếu như bị đối xử bất công. Và chị em phải xem xét các điều khoản đó trước khi đi lao động và biết được nghĩa vụ mình làm và những quyền lợi mình được bảo đảm.
Và khi có bất cứ vấn đề gì xảy ra thì phải xem xét là nếu người sử dụng lao động vi phạm hợp đồng thì chúng ta có những biện pháp kiện hoặc những biện pháp để bảo hộ. Đặc biệt là Đại sứ quán ta ở nước ngoài có bộ phận quản lý lao động thì cần phải lấy ý kiến của Ban quản lý lao động của Đại sứ quán để có tư vấn.
- Xin trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng!