(ĐSPL) – Trong một buổi hội thảo về Biển Đông được tổ chức ngày 17/6 tại thủ đô Paris, tướng Pháp Daniel Shaeffer đã tuyên bố ủng hộ các hành động bảo vệ chủ quyền của Việt Nam.
Tin tức trên TTXVN cho hay, trong cuộc hội thảo mang tên “Việt Nam ngày nay trong đa dạng” diễn ra tại Thượng viện Pháp, tướng Daniel Shaeffer, nguyên cố vấn của Bộ Quốc phòng Pháp và là một chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông, đã tuyên bố ủng hộ các hành động bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Theo tướng Daniel, Việt Nam cần khiến cho quốc tế thấy được sự đúng đắn của các hành động của mình và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế.
Thông tin từ VOV, nguyên tùy viên quân sự tại Đại sứ quán Pháp tại Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam Daniel Shaeffer đã nhấn mạnh việc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam nằm trong tổng thể các hành động của Trung Quốc nhằm xác lập và củng cố yêu sách "đường lưỡi bò".
|
Cuộc hội thảo mang tên “Việt Nam ngày nay trong đa dạng” diễn ra tại Thượng viện Pháp ở thủ đô Paris ngày 17/6 |
Theo tướng Schaeffer, châu Âu, Mỹ và cả thế giới cần có tiếng nói để ngăn chặn chính sách bá quyền và các hành động xâm phạm của Trung Quốc đối với một quốc gia chủ quyền như Việt Nam hay các quốc gia khác trong khu vực như Philippines.
“Vấn đề là chừng nào "Đường lưỡi bò" 9 đoạn không biến mất thì khó có thể thương lượng được giữa các nước trong khu vực. Mặt khác, không chỉ nước Pháp hay châu Âu phải có trách nhiệm bày tỏ quan điểm lo ngại mà phải có những hành động trên toàn thế giới để Trung Quốc không thể đơn phương áp đặt đường 9 đoạn theo ý của họ được. Thứ hai, các nước ASEAN và Trung Quốc đã thống nhất Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông, nên hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 đã xâm lấn nghiêm trọng vào chủ quyền của một quốc gia khác là Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế, vi phạm quy tắc và tuyên bố ứng xử mà Trung Quốc đã ký”, VOV dẫn lời tướng Daniel Schaeffer.
Đài tiếng nói nước Nga dẫn lời Vassily Kashin, chuyên gia của Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ (Nga) nhận định, các nhà hoạch định chính sách ở Mỹ nên cảnh giác trước hành động xây đắp đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông. Theo ông, khoản tiền mà Trung Quốc đầu tư để xây dựng một đảo nhân tạo trong vùng biển tranh chấp trên Biển Đông đủ để đóng mới một tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân.
|
Giàn khoan Nan Hai Jiu Hao ("Nam Hải số 9") được kéo ra Biển Đông |
Nhận định về căng thẳng hiện nay ở Biển Đông, một chuyên gia cho rằng, điểm yếu của Trung Quốc chính là họ đang thua trong cuộc chiến giành sự ủng hộ của thế giới và Bắc Kinh là "kẻ bắt nạt".
Trả lời phỏng vấn của báo điện tử VnExpress, chuyên gia Euan Graham của Trường Nghiên cứu quan hệ quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, nhận định, Trung Quốc đang thua trong cuộc chiến giành sự ủng hộ của thế giới, khi những hành động gần đây của họ thể hiện, theo đúng nghĩa đen, hình ảnh của một kẻ bắt nạt.
Ông Euan cũng chỉ ra yêu sách chủ quyền của Trung Quốc với toàn bộ phần bên trong đường 9 đoạn mà họ tự vẽ ra, chứ không chỉ riêng với quần đảo Hoàng Sa.
Trung Quốc dường như đã chuẩn bị cho các mục tiêu của họ bên trong đường chín đoạn, đồng thời, thực hiện nhu cầu củng cố các vị trí ở khu vực đó trước khi tòa án trọng tài xử lý vụ kiện của Philippines, và tranh thủ lúc Mỹ đang bận tâm tới các cuộc khủng hoảng khác đang diễn ra trên thế giới.
Trong tài liệu gửi Liên Hợp Quốc, Trung Quốc có kèm cả một bản đồ các hoạt động thương mại của Công ty dầu khí Hải Dương cùng giàn khoan 981. Như vậy, rõ ràng yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh không chỉ với riêng quần đảo Hoàng Sa mà là toàn bộ phần bên trong đường 9 đoạn.
Trong một diễn biến khác, chiều 18/6, Cục Hải sự Trung Quốc thông báo giàn khoan Nan Hai Jiu Hao ("Nam Hải số 9") được tàu lai dắt kéo từ tọa độ 17 độ 38 vĩ bắc, 110 độ 12 phút 3 kinh đông tới vị trí có tọa độ 17 độ 14 phút 6 vĩ bắc, 109 độ 31 phút kinh đông trên Biển Đông từ ngày 18 tới ngày 20/6. Đây là giàn khoan thứ hai mà Trung Quốc hạ đặt trên Biển Đông, sau giàn khoan Hải Dương 981.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tinh-hinh-bien-dong-tuong-phap-ung-ho-viet-nam-a37565.html