(ĐSPL) - Theo giới phân tích, việc Trung Quốc “quốc tế hóa” tranh chấp Biển Đông quả là “canh bạc nguy hiểm” và là “con dao hai lưỡi” đối với Bắc Kinh.
Lo ngại các nước láng giềng sử dụng luật pháp quốc tế để triệt tiêu ưu thế quân sự của Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông, hôm 9/6, phó đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc Vương Dân đã nộp cái gọi là thông báo lập trường về vụ giàn khoan 981 cho Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon và yêu cầu nhà lãnh đạo Liên hiệp quốc chuyển hồ sơ này cho tất cả các nước thành viên.
|
Phòng họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc |
Theo Tân Hoa Xã, hồ sơ lập trường của Trung Quốc có kèm theo một số văn kiện để chứng minh điều mà Bắc Kinh gọi là “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với các quần đảo và vùng biển có tranh chấp với Việt Nam, trong đó có thông cáo về lãnh hải mà Trung Quốc công bố năm 1958 và công hàm cùng năm của Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng gởi cho Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai.
Về vấn đề này, trao đổi với đài BBC, Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã - một nhà nghiên cứu Biển Đông - nói rằng những “chứng cứ” của Trung Quốc “không có giá trị pháp lý quốc tế”.
Phản bác lập luận của Trung Quốc nói rằng họ đã quản lý Hoàng Sa từ thời Bắc Tống, Tiến sĩ Nguyễn Nhã khẳng định: “Tất cả những gì mà Trung Quốc nói, nhất là sau 1974, là hoàn toàn mang tính cách suy diễn, không có sự thực lịch sử. Tôi là một người nghiên cứu lịch sử, theo luật pháp quốc tế cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, phải là một sự chiếm hữu thực sự mang tính nhà nước, liên tục và hòa bình. Theo tôi, suốt từ Chúa Nguyễn, Nhà Nguyễn cho tới thời kỳ Pháp thuộc, cho đến thời kỳ thống nhất, chưa có một chính quyền nào có trách nhiệm quản lý Hoàng Sa Trường Sa từ bỏ chủ quyền cả”.
Tiến sĩ Nguyễn Nhã nói tiếp: “Hiệp định Geneva (năm 1954 về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Đông Dương) đã quy định rất rõ rằng Hoàng Sa và Trường thuộc chính quyền phía nam (Việt Nam) quản lý”. Trung Quốc là một bên ký Hiệp định Geneva, nên chỉ cần “sử dụng Hiệp định Geneva” để phản bác lập luận của Trung Quốc “là đủ".
Trước đó, Việt Nam cũng đã hai lần gởi hồ sơ cho Liên hợp quốc để tố cáo Bắc Kinh xâm phạm chủ quyền khi đưa giàn khoan đến hoạt động trong vùng biển thuộc thềm lục địa và khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Đại sứ Việt Nam tại Liên hiệp quốc Lê Hoài Trung đã lên tiếng đòi Trung Quốc di dời giàn khoan và hơn 100 chiếc tàu ra khỏi hiện trường để tạo điều kiện cho việc tiến hành đàm phán. Tuy nhiên, đại sứ Lê Hoài Trung nói thêm rằng Bắc Kinh liên tục từ chối đối thoại và khăng khăng cho rằng vùng biển đặt giàn khoan “không hề có tranh chấp”.
|
Tàu Trung Quốc đâm tàu thực thi pháp luật Việt Nam ở gần nơi hạ đặt giàn khoan 981 trong vủng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. |
Hôm thứ 3 (ngày 10 tháng 6), một ngày sau khi nhận hồ sơ của Trung Quốc, phát ngôn viên Liên hợp quốc Stephane Durrajic nói với báo giới rằng LHQ sẵn sàng hòa giải vụ tranh chấp giữa Trung Quốc với Việt Nam.
Phát ngôn viên Stephane Durrajic cho biết Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon sẵn sàng đứng ra làm trung gian điều giải nếu có sự yêu cầu của các bên liên hệ. Nhà lãnh đạo Liên hiệp quốc cũng bày tỏ hy vọng là vụ tranh chấp được giải quyết một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế.
Theo tạp chí The Diplomat ngày 10/6, xét theo bề ngoài thì việc Trung Quốc nêu ra vụ tranh chấp với Việt Nam tại Liên hợp quốc là một việc khó hiểu, vì lâu nay Bắc Kinh vẫn nhất mực đòi thương thuyết song phương với các nước có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông và không ngớt chỉ trích điều mà họ gọi là “âm mưu quốc tế hóa” vụ tranh chấp này. Nhưng thật ra, việc nộp hồ sơ lập trường cho Liên hợp quốc phản ánh mối lo ngại ngày càng gia tăng của Trung Quốc trước việc các nước láng giềng sử dụng luật pháp quốc tế để triệt tiêu ưu thế quân sự của nước này trong tranh chấp Biển Đông.
Hồi tháng trước, sau khi xảy ra đối đầu vì vụ giàn khoan, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng cho biết Hà Nội đang xem xét những hành động pháp lý để chống lại những hành vi của Trung Quốc mà nhiều người cho là có tính chất gây hấn và gây mất ổn định ở Biển Đông. Các nhà phân tích cho rằng qua việc chủ động nêu vấn đề Biển Đông tại một tổ chức quốc tế và trình bày yêu sách chủ quyền của mình, Trung Quốc có thể đang tìm cách làm cho Việt Nam không thực hiện lời đe dọa mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra.
Philippines cũng đã kiện Trung Quốc lên Tòa án Trọng tài Liên hợp quốc về Luật Biển, bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh. Các nhà quan sát cho rằng nếu Việt Nam kiện Trung Quốc, quyết định đó có phần chắc sẽ nhận được sự ủng hộ hoàn toàn của nhiều nước, - kể cả Mỹ, Nhật Bản và Australia.
|
“Đường lưỡi bò” mà Bắc Kinh dùng để đòi chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông hoàn toàn trái ngược với luật pháp quốc tế. |
Theo nhà bình luận Zachary Keck của tạp chí The Diplomat, chiến lược mới của Trung Quốc là một “canh bạc nguy hiểm” vì Trung Quốc đang “quốc tế hóa” vụ tranh chấp và nâng cao vị trí của luật pháp quốc tế làm cơ sở cho các yêu sách chủ quyền và giải quyết tranh chấp. Ông Keck cho rằng “đường lưỡi bò” mà Bắc Kinh dùng để đòi chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông hoàn toàn trái ngược với luật pháp quốc tế. Và do đó Trung Quốc sẽ gặp phải rủi ro là tạo ra một tiền lệ mà họ không muốn phải tôn trọng trong nhiều trường hợp tương tự.
Trong lúc Việt Nam và Trung Quốc đưa vụ đối đầu về giàn khoan 981 ra trước Liên hợp quốc, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á-Thái Bình Dương đã nhắc lại lập trường của Washington là không nghiêng về bên nào trong vụ tranh chấp, tuy ông đã chỉ trích cách hành xử của Trung Quốc trong việc củng cố yêu sách của mình. Ông Russel cũng khuyến khích Trung Quốc tham gia vụ kiện với Philippines tại Tòa án Trọng tài Liên hợp quốc. Ông nói rằng đó là một cơ hội “để loại bỏ sự mơ hồ liên quan tới những yêu sách của Trung Quốc, những yêu sách đã góp phần làm gia tăng căng thẳng và bất trắc trong khu vực”.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/trung-quoc-choi-dao-dut-tay-trong-tranh-chap-bien-dong-a36717.html