Hà Nội: Sẵn sàng kích hoạt trạm y tế lưu động điều trị F0
Hà Nội xác định kịch bản có 100.000 ca mắc COVID-19 với dự báo dịch lây lan mạnh trong dịp Tết. Thực tế diễn biến dịch những ngày qua, TP.Hà Nội tiếp tục xuất hiện nhiều ổ dịch mới trong cộng đồng có diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt, có ổ dịch liên quan đến khu công nghiệp.
Sau khi thí điểm thực hiện cách ly F1 tại nhà, sở Y tế Hà Nội tiếp tục có công văn khẩn hướng dẫn các quận, huyện, thị xã về việc triển khai cơ sở thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 - gọi là Trạm Y tế lưu động.
Báo Pháp luật TP.HCM cho hay, hiện nay, trạm y tế lưu động được đặt tại chợ Đồng Xuân có 6 nhân viên y tế, trong đó có 1 bác sĩ phụ trách trạm. Trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, trạm được trang bị để có thể phục vụ khám, điều trị cho từ 50 đến 100 ca bệnh F0.
Tương tự, ở huyện Hoài Đức, 1 trạm y tế lưu động cũng được lập trong khuôn viên của trường THCS xã Tiền Yên, để làm nơi thu dung và điều trị F0. Ngôi trường vừa mới được xây dựng, nên cơ sở ở đây khá trang trang.
TP.HCM tăng cường nhân viên y tế đến địa bàn có F0 tăng
Chiều 25/11, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM tổ chức họp báo định kỳ cung cấp thông tin về tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn. TP.HCM trải qua gần 2 tháng áp dụng Chỉ thị 18 với cấp độ dịch ở mức 2.
Chánh văn phòng sở Y tế TP.HCM Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết theo quan sát của ngành y tế 3 ngày vừa qua, số F0 có hiện tượng gia tăng, phổ biến ở ngưỡng trên 1.500 ca. Ngành y tế dù đã cố gắng nhiều biện pháp nhưng số F0 vẫn có chiều hướng tăng nhẹ và dự kiến còn nhích lên những ngày tới.
Về giải pháp, sở Y tế đã tham mưu cho UBND TP.HCM chiến lược y tế, quy chế phối hợp quản lý F0 tại nhà và tại các địa bàn thành phố.
Trong tuần qua, sở Y tế có hướng dẫn chăm sóc sức khỏe cho các trường hợp F0 tại nhà, ban hành hướng dẫn về chăm sóc F0 cụ thể trong tình hình mới, đặc biệt là hướng dẫn sử dụng các gói thuốc.
Sở Y tế cũng phối hợp với các sở, ngành, giám sát các hoạt động trạm y tế lưu động. Sở đã thành lập được 8 nhóm quản lý theo từng quận, huyện, có thành phần là thành viên ban giám đốc Sở Y tế, HCDC, trung tâm y tế…
Sở Y tế cũng thành lập 10 tổ để kiểm tra các trạm, nắm bắt sớm các tình hình và xử lý kịp thời nhu cầu người dân, đồng thời củng cố lại đường dây nóng 1022; tái lập hệ thống mạng lưới thầy thuốc đồng hành, từ đó có thể hỗ trợ tốt nhất cho F0 tại nhà cũng như F0 đang được thu dung tại các bệnh viện.
Sở Y tế cũng có văn bản chấn chỉnh các bệnh viện không tiếp nhận bệnh nhân, không đáp ứng được nhu cầu người bệnh, các hệ thống khu vực, đảm bảo sức khỏe cho người dân. Sở cũng điều động, tăng cường nhân viên y tế đến các bệnh viện dã chiến ở địa bàn có dấu hiệu gia tăng ca mắc COVID-19.
Chiều 25/11, Ban Quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19 đã tiếp nhận ủng hộ cho Quỹ với số tiền hơn 1,8 tỷ đồng và 180 nghìn USD từ 7 đơn vị.
Bà Tô Thị Nguyệt Nga - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Ngân quỹ, Kho bạc Nhà nước cho biết trên TTXVN, thời gian qua, Quỹ vaccine phòng COVID-19 của Chính phủ giao cho Bộ Tài chính quản lý từ khi thành lập đến nay đã nhận được quan tâm, chia sẻ, ủng hộ của rất nhiều bộ, ban, ngành cơ quan Trung ương và địa phương; các doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà hảo tâm, đồng bào, đồng chí, chiến sỹ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài.
Bà Tô Thị Ngyệt Nga khẳng định, Quỹ vaccine phòng COVID-19 được quản lý chặt chẽ, công khai, minh bạch, sử dụng đúng mục đích và hiệu quả.
Theo thống kê mới nhất của Quỹ vaccine phòng COVID-19, tính đến 17 giờ ngày 24/11, tổng số huy động của Quỹ đã đạt hơn 8,8 nghìn tỷ đồng. Đây là số tiền ủng hộ của hơn 567,2 nghìn tổ chức, cá nhân.
Việt Hương (T/h)