+Aa-
    Zalo

    Tin tức đời sống ngày 3/7/2024: Mảnh đạn văng ghim trúng cổ người đàn ông

    (ĐS&PL) - Tin tức đời sống mới nhất ngày 2/7/2024. Cập nhật tin tức đời sống mới nhất ngày 2/7/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Mảnh đạn văng ghim trúng cổ người đàn ông

    VOV đưa tin, Bệnh viện Đa khoa TP.Cần Thơ vừa cứu sống bệnh nhân nam bị mảnh đạn văng ghim vào vùng cổ và mũi trong lúc làm vườn. Cụ thể, ngày 1/7, anh N.H.T (37 tuổi, quê ở xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh) nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa TP.Cần Thơ.

    Khoảng 1 giờ trước khi nhập viện, anh T. đang làm vườn thì vô tình cuốc trúng một vật nghi là viên đạn và phát nổ. Anh T. liền bị choáng khi các mảnh dị vật văng ra ghim vào mặt bên cổ trái và mũi.

    Các vết thương chảy nhiều máu khó cầm. Lập tức, anh T. được người nhà đưa khẩn cấp vào trạm y tế sơ cứu băng ép, rồi chuyển đến Bệnh viện Đa khoa TP.Cần Thơ.

    Tại đây, bệnh nhân được tiến hành cấp cứu, băng ép cầm máu tạm thời và truyền dịch giảm đau cùng những xét nghiệm máu chụp X-quang. Sinh hiệu bệnh nhân cho thấy huyết áp tụt 80/50 mmHg, mạch nhanh 110 lần/phút.

    Mảnh vỏ đạn được lấy ra khỏi cổ người bệnh khi phẫu thuật. Ảnh: VOV

    Mảnh vỏ đạn được lấy ra khỏi cổ người bệnh khi phẫu thuật. Ảnh: VOV

    Ekip bác sĩ thăm khám nhận thấy da bệnh nhân niêm nhợt, thân mình có dính máu, tiếp xúc chậm, có 2 vết thương chính gồm vết thương vùng mũi kích thước khoảng 4cm gây rách cánh mũi 2 bên; xết thương mặt bên cổ trái 1,5 cm còn chảy máu thành tia, khi mở vết thương sưng to, tụ máu bên dưới. 

    Kết quả chụp X-quang theo dõi gãy xương chính mũi, dị vật vùng cổ trái #10x13mm nghi mảnh đạn. Tiến hành hội chẩn với bác sĩ chuyên khoa mạch máu bác sĩ tai mũi họng và bác sĩ gây mê chuyển đến phòng mổ để tiến hành phẫu thuật. Chẩn đoán: Vết thương hở gãy xương chính mũi và tổn thương mạch máu vùng cổ trái kèm dị vật sốc mất máu do viên đạn phát nổ.  

    Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật, quá trình bắt đầu từ khâu thám sát mở rộng vết thương, lấy hết máu tụ bên dưới, cổ trái thấy tổn thương đứt tĩnh mạch cổ nông và rách tĩnh mạch cảnh trong và tìm thấy mảnh vỏ đạn 10x12mm nằm cạnh cảnh tĩnh mạch cảnh trong bán phần tĩnh mạch cảnh trong.

    Tiếp đó, ekip tiến hành cắt lọc vết thương tĩnh mạch, khâu phục hồi tĩnh mạch, cầm máu các điểm chảy và khâu đóng vết mổ từng lớp, cắt lọc khâu lại vết thương mũi. Hiện tại bệnh nhân ổn, mạch huyết áp trong giới hạn bình thường.

    Theo Bệnh viện Đa khoa TP.Cần Thơ, đây là trường hợp tai nạn lao động hi hữu, nếu không sơ cứu băng ép kịp thời, bệnh nhân mất máu nhiều có thể tử vong.

    Nguyên nhân khiến người đàn ông bỗng sốt cao liên tục

    Theo báo Công An Nhân Dân, anh N.V.T (SN 1984, ở Sơn La) vốn khoẻ mạnh, tự nhiên sốt cao liên tục, mệt mỏi, điều trị hạ sốt tại nhà 4 ngày không đỡ.

    4 ngày tiếp theo, anh được điều trị tại 2 bệnh viện tuyến dưới với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng. Mặc dù được chỉ định dùng kháng sinh phổ rộng đường tĩnh mạch, phối hợp kháng sinh, lọc máu liên tục, thở máy nhưng sức khỏe không cải thiện.

    Anh T. được chuyển lên Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trong tình trạng nguy kịch sốt cao, trụy mạch, viêm cơ tim, suy hô hấp cấp tiến triển, tổn thương gan thận cấp tính, giảm tiểu cầu. 

    Khám lâm sàng, các bác sĩ phát hiện vùng ngực phải của bệnh nhân có vết loét điển hình của bệnh sốt mò, từ đó chỉ định xét nghiệm và kháng sinh đặc hiệu. Kết quả xét nghiệm khẳng định bệnh nhân có nhiễm Orientia tsutsugamushi, là mầm bệnh gây bệnh sốt mò.

    Sau 7 ngày sử dụng phác đồ điều trị đặc hiệu, tình trạng suy đa tạng của bệnh nhân được cải thiện và xuất viện.

    Kết quả xét nghiệm khẳng định bệnh nhân có nhiễm Orientia tsutsugamushi, là mầm bệnh gây bệnh sốt mò. Ảnh: Công An Nhân Dân

    Kết quả xét nghiệm khẳng định bệnh nhân có nhiễm Orientia tsutsugamushi, là mầm bệnh gây bệnh sốt mò. Ảnh: Công An Nhân Dân

    Theo bác sĩ Nguyễn Sỹ Thấu ở khoa Hồi sức truyền nhiễm Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, sốt mò là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây truyền qua vết đốt của ấu trùng mò.

    Bệnh thường khởi phát đột ngột với sốt cao, liên tục, thường đáp ứng tốt với điều trị đặc hiệu, tuy nhiên, có thể tiến triển cấp tính đến suy chức năng đa tạng và tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

    Việc phát hiện ra vết loét điển hình của bệnh sốt mò có thể giúp định hướng sớm chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân. Vết loét gặp ở 65-80% trường hợp sốt mò, thường chỉ có một vết loét, hiếm khi có 2-3 vết loét.

    Đặc điểm của vết loét trong sốt mò là không đau, không ngứa nên bệnh nhân không biết sự hiện diện của vết loét, vì thế thường chỉ được phát hiện qua thăm khám lâm sàng của bác sĩ. 

    Phát hiện “vật thể lạ” rải rác khắp cơ thể người đàn ông

    Theo VietNamNet, người đàn ông tên N. (50 tuổi, trú tại huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) vào viện khám vì đau bụng. Trước đó vài giờ, ông N. xuất hiện đau vùng thắt lưng lan sang phải kèm theo tiểu buốt.

    Khi ông vào Trung tâm Y tế Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ), kết quả CT ổ bụng cho thấy hình ảnh giãn đài bể thận niệu quản phải do sỏi niệu quản 1/3 giữa, sỏi thận hai bên, sỏi túi mật, thoát vị bẹn phải. Đặc biệt, bác sĩ phát hiện "vật thể lạ" là những ấu trùng sán rải rác khắp cơ thể, đường kính 3-5mm. 

    Theo bệnh nhân, ông thường xuyên ăn đồ tươi sống, chưa chín như gỏi cá, tiết canh, nem chạo, thịt tái, thịt ủ chua… Hiện tại, người bệnh tiếp tục được điều trị và theo dõi tại khoa Ngoại tổng hợp, sức khỏe đã tạm thời ổn định.

    Các bác sĩ tại Trung tâm y tế Thanh Sơn đã tiếp nhận và điều trị cho nhiều trường hợp nhiễm ký sinh trùng từ thói quen ăn uống thiếu vệ sinh, đặc biệt là sán não.

    Phim chụp cho thấy hình ảnh sán "cư trú" tại chân bệnh nhân. Ảnh: VietNamNet

    Phim chụp cho thấy hình ảnh sán "cư trú" tại chân bệnh nhân. Ảnh: VietNamNet

    Bác sĩ CKI Đinh Đại Lâm - Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh và Thăm dò chức năng, cho biết sán não là một trong những mầm bệnh nguy hiểm đối với con người.

    Sán ký sinh ở hệ thần kinh trung ương gây ra các triệu chứng như sốt, đau đầu, chóng mặt, lên cơn co giật sùi bọt mép, trí nhớ giảm, liệt thần kinh VII, liệt nửa người.

    Người bệnh còn có biểu hiện bệnh ở các hệ cơ quan khác như tiêu chảy, mẩn ngứa khắp cơ thể, nổi u cục dưới da, có thể mù mắt do ấu trùng làm tổ trong đáy mắt.

    Để phòng bệnh, bác sĩ khuyến cáo cộng đồng không ăn tiết canh tiềm ẩn nhiều mầm bệnh gây tiêu chảy, tả, liên cầu khuẩn, nhiễm ấu trùng giun sán. Thực hiện ăn chín uống sôi, vệ sinh tay trước khi ăn.

    Người lớn, trẻ nhỏ cần tẩy giun định kỳ 6 tháng đến một năm một lần, không ăn tiết canh, thịt lợn tái, gỏi cá, rau củ quả sống phải rửa dưới vòi nước và ngâm nước sát khuẩn trước khi ăn.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/tin-tuc-oi-song-ngay-3-7-2024-manh-an-vang-ghim-trung-co-nguoi-an-ong-a440974.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan