Vùng bụng ngày càng to, đi khám phát hiện điều bất ngờ
VTC News đưa tin ngày 28/6, ThS.BS CKII Hà Hải Nam - Phó trưởng khoa Ngoại bụng I Bệnh viện K cho biết, nam bệnh nhân tên L.K.P, là người dân tộc Thái ở Sơn La, được đưa đến Bệnh viện K vào tháng 6/2024 trong tình trạng bụng to vượt mặt.
Trước đó, thấy bụng to lên nhưng anh P. nghĩ tăng cân và cũng không có biểu hiện đặc biệt nên không đi khám. Gần đây, khi vùng bụng ngày càng to bất thường anh mới đến siêu âm tại bệnh viện địa phương, kết quả phát hiện khối u lớn trong bụng, bác sĩ đề nghị chuyển anh đến Bệnh viện K.
Tại Bệnh viện K, bệnh nhân được chẩn đoán có khối u đặc chiếm toàn bộ ổ bụng, kích thước khoảng 40cm, chẩn đoán ban đầu là u sarcoma mô mềm.
Sarcoma mô mềm là loại ung thư ác tính, nguồn gốc trong các mô mềm của cơ thể (bao gồm cơ, gân, mỡ, bạch huyết, mạch máu và dây thần kinh). Những bệnh ung thư này có thể phát triển bất cứ nơi nào trong cơ thể nhưng được tìm thấy chủ yếu ở ngực và bụng.
"Khối u quá lớn, chiếm toàn bộ ổ bụng, chèn lên các tạng như gan, tuỵ, bàng quang, đại trực tràng khiến bệnh nhân khó chịu, kèm theo khó thở", bác sĩ Nam nói và cho hay, nếu không phẫu thuật sẽ nguy hiểm đến tính mạng nhưng ca mổ nhiều thách thức vì khối u quá lớn.
Theo bác sĩ Nam, u lớn chiếm toàn ổ bụng, tiên lượng ban đầu có thể phải cắt thận mới có thể cắt được trọn vẹn khối u, đề phòng u tái phát nhanh.
"Để loại bỏ khối u này chúng tôi thảo luận kỹ vấn đề kiểm soát mất máu trong mổ và đặc biệt khả năng biến chứng suy tim, bởi u kích thước quá lớn nên sau khi loại bỏ, máu sẽ được bơm về tim khá nhiều, tâm nhĩ giãn ra, có thể dẫn đến suy ti", vị chuyên gia về ung thư nói.
Sáng 26/6, sau nhiều hội chẩn đa chuyên khoa bệnh nhân được đưa vào phòng phẫu thuật. Các bác sĩ tỉ mỉ bóc tách từng phần khối u, đến khu vực u tiếp xúc với thận và niệu quản, bắt buộc phải cắt một phần niệu quản vì phần đó nằm trọn trong khối u, không thể tách rời được.
Bệnh nhân được truyền 3 đơn vị máu, điều chỉnh huyết động. Với sự chuẩn bị kỹ càng ekip đã phẫu thuật loại bỏ hoàn toàn khối u 8kg, bảo tồn thận cho người bệnh, cắt 1 phần niệu quản và sau đó nối lại thành công.
Ca phẫu thuật thành công, người bệnh được duy trì huyết động ổn định trong 72 giờ sau mổ, sau đó được chuyển về khoa, theo dõi và tiếp tục điều trị. Gia đình và bệnh nhân vui mừng, như trút đi được một gánh nặng lớn.
Từ trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo khi thấy bất cứ dấu hiệu bất thường nào của cơ thể, mọi người không nên chủ quan mà cần đi khám sớm. Đồng thời, mỗi người nên đi khám sức khoẻ định kỳ để phát hiện bệnh và điều trị khi còn ở giai đoạn sớm, tránh để lại hậu quả đáng tiếc.
Phẫu thuật nội soi cứu thanh niên 34 tuổi bị vỡ bàng quang
Báo Sức Khỏe & Đời Sống đưa tin, các bác sĩ khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Bãi Cháy (tỉnh Quảng Ninh) vừa tiến hành thành công ca phẫu thuật nội soi khâu vỡ bàng quang và khâu rách thanh cơ ruột non cho nam thanh niên sau chấn thương do sử dụng rượu bia quá mức.
Theo đó, sau khi uống bia xong, nam thanh niên L.V.T (34 tuổi, trú tại huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên) đi xe máy tự ngã trong tình trạng bàng quang căng nước tiểu. Sau khi bị ngã, bệnh nhân thấy đau bụng nhiều, đau đầu, đau ngực và được đưa vào Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên khâu vết thương phần mềm, tiêm uốn ván. Tiếp đó, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bãi Cháy.
Ngay khi được đưa vào Bệnh viện Bãi Cháy, người bệnh được các bác sĩ thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng để chẩn đoán. Kết quả kiểm tra cho thấy, nam thanh niên bị vỡ bàng quang, trong ổ bụng có nhiều dịch kèm nước tiểu và máu cục.
Lúc này, bệnh nhân được bác sĩ chẩn đoán chấn thương bụng kín, vỡ bàng quang trong phúc mạc và chỉ định phẫu thuật cấp cứu. Kíp phẫu thuật do bác sĩ CKI Nguyễn Văn Quyết ở khoa Ngoại tổng hợp làm kíp trưởng và đồng nghiệp thực hiện.
Trong quá trình phẫu thuật, kíp mổ còn phát hiện bệnh nhân bị tổn thương rách thanh cơ ruột non và đã được khâu lại. Sau 2 ngày phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định.
Theo bác sĩ CKI Nguyễn Văn Quyết, chấn thương lúc bàng quang căng đầy là chấn thương thường gặp ở những bệnh nhân uống nhiều rượu bia. Lúc này lượng nước tiểu trong bàng quang tăng nhanh, sau đó bị va đập trực tiếp vào vùng bụng khi té ngã hoặc tai nạn khi tham gia giao thông.
Nguyên nhân của vấn đề này là do khi bàng quang căng đầy, thành bàng quang rất mỏng và sức ép bên trong bị tăng cao đột ngột khi có chấn thương. Trong khi đó, vùng đáy bàng quang là điểm yếu nhất, các thương tổn thường tập trung ở đây.
Đồng Nai ghi nhận ca viêm não Nhật Bản đầu tiên
Tạp chí Tri Thức dẫn thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đồng Nai cho biết, bé P.P. (4 tuổi, huyện Long Thành) khởi phát bệnh vào ngày 11/6 với các triệu chứng sốt cao, mệt, đau bụng, nôn, li bì.
Khi khám tại phòng mạch tư, bé P. được chẩn đoán viêm đường ruột. Sau khi uống thuốc, triệu chứng của trẻ vẫn không giảm.
Ngày 13/6, bé P. đi khám lại, tiếp tục được chẩn đoán mắc viêm đường ruột. Một ngày sau, bệnh nhi mệt hơn, ói nhiều, đau đầu, được gia đình đưa đi khám và nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng 2.
Tại đây, bệnh nhi được lấy mẫu xét nghiệm Mac-Elisa dịch não tủy và có kết quả dương tính với virus viêm não Nhật Bản. Đến ngày 24/6, bệnh nhi được xuất viện.
Gia đình cho hay, bệnh nhi chưa được tiêm vaccine viêm não Nhật Bản và các loại vaccine khác.
Viêm não Nhật Bản là bệnh cấp tính lây truyền qua đường máu do virus viêm não Nhật Bản gây nên, lây truyền qua muỗi Culex tritaeniorhynchus là vật trung gian.
Bệnh thường gây viêm não, màng não ở trẻ em, tỷ lệ không qua khỏi và di chứng cao (25-35%). Viêm não Nhật Bản thường khó phát hiện sớm do các triệu chứng ban đầu rất giống với những viêm nhiễm khác.
Bệnh diễn tiến rất nhanh. Sau 1-3 ngày, bệnh nhân có thể có hiện tượng co giật, hôn mê, phải thở máy, thậm chí không qua khỏi. Ngoài ra, bệnh còn gây những di chứng thần kinh về sau như giảm khả năng giao tiếp, giảm hoặc mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Hiện tại, tiêm vaccine là biện pháp tốt nhất để phòng viêm não Nhật Bản. Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, khuyến cáo tiêm chủng với 3 liều cơ bản, gồm mũi một tiêm càng sớm càng tốt ngay sau một tuổi; mũi 2 tiêm sau mũi một 1-2 tuần; mũi 3 sau mũi 2 một năm. Sau đó, cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.