+Aa-
    Zalo

    Tin tức đời sống ngày 27/7/2024: Sốt cao 4 ngày, bé gái bị suy hô hấp nặng

    (ĐS&PL) - Tin tức đời sống mới nhất ngày 27/7/2024. Cập nhật tin tức đời sống mới nhất ngày 27/7/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

     Sốt cao 4 ngày, bé gái bị suy hô hấp nặng

    Tạp chí Tri Thức dẫn thông tin từ bác sĩ CKII Nguyễn Minh Tiến - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết bé V.Q.N.Y. (7 tuổi) nặng 27 kg, ngụ tại Hàm Tân, Bình Thuận.

    Trước khi nhập viện, bệnh nhi sốt cao liên tục 4 ngày, ngày thứ 5 của bệnh bệnh nhi biểu hiện đau bụng, ói, tay chân lạnh nên người nhà đưa nhập tại bệnh viện địa phương.

    Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốc sâu, huyết áp không đo được, chẩn đoán sốc sốt xuất huyết nặng ngày 5. Sau đó, bệnh nhi được điều trị tích cực truyền dịch chống sốc theo phác đồ, tình trạng diễn tiến nặng. Vì vậy, bệnh nhi tiếp tục được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.

    Tại thời điểm nhập viện, bé 7 tuổi rơi vào sốc sốt xuất huyết nặng, tổn thương gan, suy hô hấp nặng. Ảnh: Tri Thức

    Tại thời điểm nhập viện, bé 7 tuổi rơi vào sốc sốt xuất huyết nặng, tổn thương gan, suy hô hấp nặng. Ảnh: Tri Thức

    Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến cho biết thời điểm nhập viện, bệnh nhi rơi vào sốc sốt xuất huyết nặng, tổn thương gan, suy hô hấp nặng.

    Các bác sĩ tiếp tục truyền dịch cao phân tử dextran 40 10%, albumin 10%. Ngoài ra, trẻ được hỗ trợ hô hấp, thở áp lực dương liên tục, đặt nội khí quản thở máy sớm, chọc dò dẫn lưu dịch màng bụng giải áp.

    Tình trạng rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hoá nặng được xử lý bằng truyền máu, huyết tương tươi đông lạnh, kết tủa lạnh, tiểu cầu đậm đặc, vitamin K1, điều trị hỗ trợ gan. Kết quả sau gần 3 tuần điều trị, bệnh nhi bình phục dần, cai được máy thở, tỉnh táo, chức năng gan thận trở về bình thường.

    Bác sĩ Tiến khuyến cáo phụ huynh phải cảnh giác trong những ngày đầu mùa mưa, muỗi vằn phát triển có thể truyền bệnh sốt xuất huyết cho trẻ em cũng như người lớn. Ngoài ra, cha mẹ cần lưu ý thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh như diệt muỗi, lăng quăng, ngủ mùng…

    Cần phải đưa trẻ vào bệnh viện ngay nếu thấy con sốt cao trên 2 ngày, biểu hiện một trong các dấu hiệu: Bứt rứt, lăn lộn hoặc li bì, lơ mơ, nói sảng; Chảy máu cam, máu răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen; Đau bụng, ói; Tay chân lạnh; Lừ đừ, nằm một chỗ không chơi hoặc bỏ bú, bỏ ăn uống.

    Người phụ nữ có nhịp tim lên đến 207 lần/phút

    VietNamNet đưa tin, nữ bệnh nhân 37 tuổi (trú tại Chương Xá, Cẩm Khê, Phú Thọ) được đưa vào khoa Cấp cứu Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) vào ngày 24/7.

    Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hồi hộp, đánh trống ngực, nhịp tim lên tới 207 lần/phút. Người bệnh được chẩn đoán cơn nhịp nhanh trên thất kịch phát.

    Ngay lập tức, bác sĩ đã chỉ định ấn nhãn cầu, dùng thuốc thuốc chẹn Beta giao cảm và theo dõi nhịp tim liên tục qua máy monitor. Sau khi nhịp tim trở về tần số an toàn, không xuất hiện thêm cơn nhịp nhanh, bệnh nhân được chỉ định ra viện sáng 26/7.

    Bác sĩ CKI Hà Huy Mến - Trưởng khoa Cấp cứu Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê cho biết đối với người trưởng thành, nhịp tim bình thường dao động 60-80 lần/phút nhưng khi có cơn nhịp tim nhanh trên thất, nhịp tim có thể lên đến 140-250 nhịp/phút hoặc cao hơn.

    Một số nguyên nhân gây nhịp tim nhanh như lo lắng, căng thẳng, thiếu máu, sốt, hút thuốc lá, uống nhiều rượu, lạm dụng caffein. Các nguyên nhân khác như vấn đề về nội tiết tố (tuyến giáp), mất cân bằng điện giải, tập thể dục cường độ cao, tác dụng phụ của thuốc.

    Nếu không được điều trị, các cơn nhịp nhanh có xu hướng kéo dài và tần suất mau hơn, gây nên tình trạng đau thắt ngực, làm tăng nguy cơ suy tim và những biến chứng tim mạch khác. Mọi lứa tuổi đều có thể mắc nhịp nhanh kịch phát trên thất, kể cả những người không có bệnh lý tim mạch.

    Bác sĩ Mến khuyến cáo khi phát hiện cơ thể có biểu hiện đánh trống ngực, hồi hộp, bồn chồn, khó thở, vã mồ hôi hoặc nghiêm trọng hơn là triệu chứng chóng mặt, thậm chí mất ý thức, ngất xỉu, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.

    “Căng não” phẫu thuật cứu cụ bà 92 tuổi bị u đại trực tràng

    Theo VTC News, cụ bà 92 tuổi ở Hà Nội từng mổ mở cắt u đại tràng từ 35 năm trước, có bệnh hẹp và suy mạch vành, cao huyết áp, rối loạn mỡ máu. Gần đây, bệnh nhân yếu ớt, suy kiệt nặng, bụng đau chướng, khó ăn uống, mệt mỏi, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, tắc ruột, đi ngoài ra máu, rối loạn điện giải.

    Gia đình đưa bệnh nhân đi khám, các bác sĩ chẩn đoán bị u đại trực tràng trái, lồng đại tràng sigma - trực tràng, gây tắc ruột cần phải được phẫu thuật sớm nếu không nguy cơ tử vong sẽ rất cao. 

    Theo các chuyên gia, với một bệnh nhân rất cao tuổi, mắc nhiều bệnh nền, suy dinh dưỡng khi chỉ nặng 35kg thì việc quyết định phẫu thuật là "một vấn đề hóc búa với ekip điều trị". 

    Người bệnh được chẩn đoán bị u đại trực tràng trái, lồng đại tràng sigma - trực tràng, gây tắc ruột cần phải được phẫu thuật sớm. Ảnh: VTC News

    Người bệnh được chẩn đoán bị u đại trực tràng trái, lồng đại tràng sigma - trực tràng, gây tắc ruột cần phải được phẫu thuật sớm. Ảnh: VTC News

    Để chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật, bệnh nhân đã được chăm sóc dinh dưỡng, nâng cao thể trạng, phục hồi chức năng, hỗ trợ hô hấp, tim mạch.

    Qua các cuộc hội chẩn liên khoa, TS.BS Nguyễn Ngọc Hùng - Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Tiêu hóa và ekip, Bệnh viện Bạch Mai đã chọn phương án phẫu thuật nội soi cho bệnh nhân. Đồng thời, ekip gây mê hồi sức cũng lên phương án về gây mê, truyền dịch hiệu quả nhất.

    Theo bác sĩ Hùng, mổ nội soi cho người cao tuổi, việc gây mê gặp nhiều thử thách. Vì vậy, các bác sĩ phải chọn được thuốc gây mê, thuốc giãn cơ phù hợp với thể trạng người bệnh... Kíp phẫu thuật vừa phải chạy đua với thời gian vì người bệnh trên 90 tuổi, vừa thực hiện những thao tác kỹ thuật khó.

    "Bệnh nhân có khối u trực tràng đã lồng ruột, tắc ruột gây phù nề, ruột đã căng dãn, đã có vết mổ mở rất dài ở giữa bụng trước đó. Tuy nhiên, chúng tôi đã có phương án kỹ thuật phù hợp để bằng mọi giá cứu được bệnh nhân", bác sĩ Hùng thông tin.

    Ca phẫu thuật kéo dài 2 giờ. Sau mổ 2 ngày, bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, các chỉ số ổn định, đã rút được ống thở. Sau 6 ngày, bệnh nhân đã ăn uống sinh hoạt gần như bình thường và tập vận động trở lại cuộc sống sinh hoạt thường ngày.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/tin-tuc-oi-song-ngay-27-7-2024-sot-cao-4-ngay-be-gai-bi-suy-ho-hap-nang-a449656.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan