+Aa-
    Zalo

    Tin tức đời sống ngày 26/7/2024: Bác sĩ phẫu thuật hiến máu cứu bệnh nhân

    (ĐS&PL) - Tin tức đời sống mới nhất ngày 26/7/2024. Cập nhật tin tức đời sống mới nhất ngày 26/7/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Bác sĩ phẫu thuật hiến máu cứu bệnh nhân

    Báo Sức Khỏe & Đời Sống dẫn thông tin từ đại diện Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) cho biết, cách đây ít ngày, các bác sĩ của đơn vị đã tiến hành ca phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn, ứ mủ thận phải, suy thận cấp. Đáng chú ý, người hiến máu cứu bệnh nhân cũng chính là bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật.

    Cụ thể, nữ bệnh nhân N.T.C (39 tuổi, trú tại thị trấn Đầm Hà, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh) được đưa vào viện trong tình trạng mệt nhiều, đau tức hạ sườn phải nhiều ngày và tăng dần, tiểu buốt rắt, nước tiểu màu hồng.

    Qua thăm khám và thực hiện cận lâm sàng cần thiết, các bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị sốc nhiễm khuẩn, ứ mủ thận phải, suy thận cấp do sỏi niệu quản phải 1/3 trên/đái tháo đường tuýp 2, thiếu máu.

    Bác sĩ CKI Trịnh Văn Thủy - Trưởng khoa Ngoại Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên hiến máu cứu bệnh nhân. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

    Bác sĩ CKI Trịnh Văn Thủy - Trưởng khoa Ngoại Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên hiến máu cứu bệnh nhân. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

    Nhận thấy bệnh nhân có tình trạng bệnh lý nặng kèm nhiều bệnh phối hợp, tiên lượng diễn biến phức tạp cần được điều trị tích cực tại khoa Hồi sức tích cực nên các bác sĩ bệnh viện đã cho bệnh nhân sử dụng kháng sinh, cân bằng dịch điện giải, hồi sức, ổn định tình trạng sốc nhiễm khuẩn

    Tuy nhiên, cần phải xử trí sỏi niệu quản cho người bệnh, tránh tránh tình trạng sốc nhiễm khuẩn nặng và suy thận nặng lên. Nhận thấy bệnh nhân thiếu máu nặng cần phải truyền trước phẫu thuật mới đảm bảo cho ca mổ nhưng nhóm máu A tại trung tâm đã hết, Ban Giám đốc trung tâm đã huy động nguồn máu từ ngân hàng máu sống.

    Ngay lập tức, bác sĩ CKI Trịnh Văn Thủy - Trưởng khoa Ngoại Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên đã tình nguyện hiến máu cứu bệnh nhân.

    Sau khi được truyền máu, tình trạng chị C. được cải thiện, Ban Giám đốc và các chuyên khoa tiến hành hội chẩn, chỉ định can thiệp phẫu thuật lấy sỏi niệu quản phải, đặt sonde JJ.

    Kíp phẫu thuật được thực hiện bởi chính bác sĩ CKI Trịnh Văn Thủy - người vừa hiến máu cứu bệnh nhân và bác sĩ Lâm Văn Phương cùng bác sĩ Gây mê hồi sức.

    Quá trình thực hiện phẫu thuật, bác sĩ nhận thấy tổ chức quanh thận phải, niệu quản phải của bệnh nhân bị viêm, thâm nhiễm nặng và nhiều tổ chức mủn. Khi rạch niệu quản phải vị trí nghi sỏi, thấy nhiều mủ trắng chảy ra, có sỏi niệu quản.

    Theo đó, kíp phẫu thuật hút dịch mủ, lấy ra 1 viên sỏi rắn (kích thước 6x7 mm), bơm rửa bể thận, đặt sonde JJ, cầm máu kĩ vùng mổ và kết thúc phẫu thuật thành công, an toàn.

    Sau phẫu thuật, người bệnh tiếp tục được điều trị tích cực, kháng sinh, giảm viêm, dinh dưỡng, truyền thêm 3 đơn vị máu và chăm sóc, theo dõi sonde dẫn lưu hàng ngày. Hiện, sức khỏe bệnh nhân đã dần cải thiện và ổn định.

    Bàn chân tấy đỏ, đau nhức sau khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn

    Theo VTC News, trong lúc làm vườn, người phụ nữ 38 tuổi ở Phú Thọ bị rắn lục đuôi đỏ cắn khiến bàn chân sưng nề, tấy đỏ, đau nhức nhiều. Người bệnh được gia đình đưa đến trung tâm y tế huyện cấp cứu, sau đó tiếp tục được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ trong tình trạng hạn chế vận động, ngón chân và mu chân sưng, xuất huyết dưới da ở nhiều vị trí, rối loạn đông máu.

    “Các bác sĩ hội chẩn, quyết định truyền 10 lọ huyết thanh kháng nọc độc rắn kết hợp kháng viêm, giảm đau, kháng sinh dự phòng nhiễm trùng, truyền dịch, truyền chế phẩm máu”, bác sĩ Khổng Thị Bích Phương - khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết.

    Hình ảnh rắn lục đuôi đỏ cắn người phụ nữ. Ảnh: VTC News

    Hình ảnh rắn lục đuôi đỏ cắn người phụ nữ. Ảnh: VTC News

    Sau 24 giờ, tình trạng rối loạn đông máu của bệnh nhân cải thiện, vùng chân phải bớt sưng nề. Sau một tuần, sức khỏe của người bệnh ổn định, kết quả xét nghiệm máu các chỉ số trở về bình thường.

    Theo các bác sĩ, mùa mưa là thời gian sinh sôi phát triển của nhiều loài rắn độc, số lượng người phải nhập viện do rắn cắn gia tăng. Chỉ vài phút sau khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn, người bệnh sẽ biểu hiện sưng nề lan nhanh và có thể chảy máu không cầm nơi bị cắn.

    Sau khoảng 6 giờ, phần sưng nề có thể lan rộng đến gốc chi dẫn đến toàn chi sưng to, tím tái, xuất huyết dưới da, xuất huyết trong cơ. Nếu không được cấp cứu kịp thời, nhiều trường hợp có di chứng nặng nề như nhiễm trùng, viêm cơ xương khớp kéo dài gây biến dạng, suy thận, suy thần kinh, thậm chí tử vong.

    Sai lầm khiến thận phải của người đàn ông mất hoàn toàn chức năng

    Báo Sức Khỏe & Đời Sống dẫn thông tin từ bác sĩ Hoàng Cảnh Tùng ở Bệnh viện Đa khoa 115 Nghệ An cho biết vừa phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn thận phải của nam bệnh nhân 52 tuổi vì thận phải của bệnh nhân bị mất hoàn toàn chức năng do sai lầm trong cách điều trị.

    Trước đó, bệnh nhân đến viện vì đau tức vùng hông phải, thấy rõ một khối nổi lên. Kết quả chụp CT bụng cho thấy thận phải của bệnh nhân ứ nước, kích thước 20x15cm, gần bằng quả bưởi kèm sỏi niệu quản.

    Được biết, bệnh nhân bị sỏi niệu quản cách đây 7 năm. Thay vì đến bệnh viện điều trị, người đàn ông này lại tự dùng thuốc nam theo giới thiệu của người quen. Trong quá trình sử dụng thuốc nam, tình trạng tức vùng hông phải không thuyên giảm.

    Chỉ đến khi đau tức nặng, có khối bất thường nổi lên ở vùng hông phải, bệnh nhân mới đến bệnh viện. Thời điểm này, thận phải của bệnh nhân giãn to, mất hoàn toàn chức năng, được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ.

    Kết quả chụp CT bụng cho thấy thận phải của bệnh nhân ứ nước, kích thước 20x15cm, gần bằng quả bưởi kèm sỏi niệu quản. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

    Kết quả chụp CT bụng cho thấy thận phải của bệnh nhân ứ nước, kích thước 20x15cm, gần bằng quả bưởi kèm sỏi niệu quản. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

    Theo các bác sĩ, ở giai đoạn sớm, sỏi thận thường không gây khó chịu cho người bệnh, hoặc một số trường hợp có triệu chứng đau lưng, sốt, tiểu lắt nhắt.

    Nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ gây ra tình trạng ứ nước, ứ mủ thận gây giãn đài bể thận, suy thận lâu ngày dẫn đến suy giảm chức năng của thận. Trường hợp người bệnh sỏi thận nếu muốn điều trị bằng thuốc y học cổ truyền cần phải có sự tư vấn của bác sĩ.

    Việc sử dụng thuốc nam không rõ nguồn gốc, kèm theo việc bảo quản, sao tẩm thuốc rất có thể chứa nhiều hóa chất độc hại khiến tình trạng suy thận thêm nặng nề. Người bệnh bị sỏi tiết niệu có chỉ định phẫu thuật cần can thiệp sớm để tránh biến chứng đáng tiếc.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/tin-tuc-oi-song-ngay-26-7-2024-bac-si-phau-thuat-hien-mau-cuu-benh-nhan-a449337.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan