Bộ ảnh “hội chị em nàng thơ U100” gây sốt
VTC News đưa tin, cư dân mạng đang đua nhau chia sẻ bộ ảnh "Hội chị em nàng thơ uy tín nhất làng" ghi lại những khoảnh khắc vô cùng đáng yêu của các cụ bà Đào Thị Nguyên (94 tuổi) và em gái là Đào Thị Chi (90 tuổi), Bùi Thị Ngọ (90 tuổi). Cả 3 cụ bà đều đang sinh sống tại xã Dân quyền (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ).
Bộ ảnh “gây sốt” cộng đồng mạng được chị Lê Thu Phương - cháu nội bà Nguyên đăng tải lên mạng. Trong ảnh, 3 cụ bà đội mấn nhung, mặc quần áo đơn giản, tay cầm hoa loa kèn và ngồi bên nhau cười thoải mái, khoe hàm răng đen do có thói quen nhai trầu.
Theo lời chị Lê Thu Phương, chị lớn lên cùng những câu chuyện bà kể nên tự thấy mình có trách nhiệm trân trọng, lưu giữ những khoảnh khắc đời thường của bà.
Những ngày đầu, các cụ vẫn còn ngượng khi chụp ảnh do “chúng tôi già món hết vả rồi, chụp xấu lắm”. Thế nhưng sau đó nghe chị Phương giải thích, họ chịu để cho cháu gái chụp. Dần dần, khi đã quen với ống kính máy ảnh và tự tin hơn, giờ chỉ cần thấy Phương giơ máy là các cụ bà giơ hai ngón tay "say hi" rất tự nhiên.
"Mình rất hay đăng ảnh bà và 'hội chị em' lên mạng xã hội, mỗi bài post bạn bè đều trìu mến gọi các bà với cái tên thân thương là nàng thơ. Sau nhiều lần đăng tải, các nàng thơ cũng có rất nhiều fan hâm mộ riêng. Mọi người luôn ngưỡng mộ tình bạn của các bà và chúc các bà luôn mạnh khoẻ", chị Phương kể.
Các "nàng thơ" U100 sống gần nhà nhau nên hầu như gặp nhau để trò chuyện hàng ngày, hôm nào không gặp là than thở: "Nay không gặp các bà nhớ phết!". Rất hợp tính, các bà tâm sự với nhau đủ mọi chuyện, từ chuyện gia đình đến làng xóm, vì thế mà được mọi người đặt thêm biệt danh “cụm camera chạy bằng cơm uy tín nhất xóm”.
Cả ba cụ bà đều rất khoẻ mạnh, vẫn đỡ đần con cháu nhiều việc. Chị Phương cho biết: "Bà nội mình 94 tuổi nhưng vẫn bổ củi đều từng nhịp. Bà làm việc gì cũng nhanh thoanh thoắt, nhiều khi còn không muốn con cháu động tay vào, bảo để bà làm cho nhanh".
Chỉ sau ít giờ đăng tải, bộ ảnh này đã thu hút hàng nghìn lượt thích, hàng trăm lượt chia sẻ và bình luận đầy yêu mến, ngưỡng mộ. Rất nhiều phụ nữ trẻ sau khi xem bộ ảnh này đã “tag” những người bạn thân của mình với những bình luận đầy cảm xúc, mong sau này về già cũng có thể vui vẻ cùng nhau như các cụ.
Đắk Lắk ghi nhận trường hợp nghi mắc bệnh uốn ván sơ sinh
Ngày 31/5, theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, trên địa bàn vừa ghi nhận một trường hợp nghi mắc bệnh uốn ván sơ sinh tại huyện Krông Bông. Bệnh nhi đang nhập viện và điều trị tại khoa Nhi cấp cứu – sơ sinh Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, theo TTXVN.
Cụ thể, bệnh nhi là T.T.N (nữ, dân tộc Mông, trú tại xã Cư Pui, huyện Krông Bông). Bé là con thứ 8 trong gia đình, sinh ngày 21/5/2024 tại nhà, đủ tháng, nặng 2,9kg. Sau khi sinh, trẻ được người nhà đỡ đẻ và cắt rốn bằng dao lam, buộc rốn bằng chỉ khâu. Trong quá trình mang thai mẹ bé có đi khám thai nhưng không tiêm vaccine phòng uốn ván.
Ngày 26/5, trẻ có biểu hiện bỏ bú, quấy khóc nhiều, được gia đình đưa đến Trung tâm Y tế huyện Krông Bông khám và điều trị. Ngày 27/5, bệnh nhi được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên trong tình trạng co giật tay chân liên tục, rốn sưng nề rỉ mủ… với chẩn đoán suy hô hấp độ III; uốn ván sơ sinh ủ bệnh 6 ngày; theo dõi nhiễm trùng huyết sơ sinh; vàng da sơ sinh.
Ngay khi ghi nhận trường hợp, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã điều tra, xác minh trường hợp bệnh nghi uốn ván sơ sinh; đánh giá nguy cơ dịch bệnh truyền nhiễm, tình hình tiêm chủng phòng, chống dịch bệnh uốn ván tại cộng đồng. Đồng thời, triển khai các biện pháp đáp ứng xử lý dịch bệnh và truyền thông phòng, chống dịch tại cộng đồng theo đúng quy định.
Qua kết quả điều tra, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh nhận thấy, trong vòng 5 năm, từ 2019 - 2023, tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng uốn ván tại địa phương chỉ đạt 38,4% (quá thấp so với kế hoạch).
Trung tâm kiến nghị các đơn vị y tế cần tăng cường công tác tiêm bù, tiêm vét các loại vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng cho những trẻ sinh chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi trong thời gian thiếu vaccine.
Đặc biệt, các đơn vị cần điều tra, rà soát đối tượng phụ nữ có thai, phụ nữ 15-35 (độ tuổi sinh đẻ) trên địa bàn toàn xã, tổ chức triển khai tiêm vaccine phòng uốn ván đảm bảo tỷ lệ đạt trên 85%.
Các đơn vị cần chủ động thực hiện có hiệu quả các biện pháp truyền thông, đảm bảo người dân được thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời các quy định về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm. Bên cạnh đó, công tác tiêm chủng cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể để đạt được tỷ lệ bao phủ theo đúng kế hoạch…
Lấy thành công chiếc cúc áo ra khỏi thực quản bé 4 tuổi
Tạp chí Gia Đình Việt Nam đưa tin, các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) vừa gắp thành công chiếc cúc áo có mấu trong thực quản bằng phương pháp nội soi tiêu hoá cho cháu bé 4 tuổi (trú tại xã Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy).
Được biết, trước vào viện 1 giờ, cháu bé ở nhà tự nuốt cúc áo, kích thước khoảng 2cm, có mấu. Sau khi nuốt, trẻ nôn nhiều lần và thấy vướng mắc ở cổ, được gia đình đưa vào viện.
Ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ nhanh chóng chỉ định các cận lâm sàng cần thiết để kiểm tra và phát hiện có hình ảnh dị vật trong thực quản trẻ. Trẻ được chỉ định lấy dị vật bằng phương pháp nội soi thực quản - dạ dày; chiếc cúc áo được thành công lấy ra khỏi thực quản của trẻ an toàn.
Theo bác sĩ Đinh Văn Hạnh – bác sĩ nội soi tiêu hóa tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy, thời gian gần đây bác sĩ gặp rất nhiều trẻ nuốt phải dị vật như: bấm móng tay, đồ chơi, tăm tre, cúc áo…; gây nguy hiểm cho trẻ nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời.
Từ sự việc trên, các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ cần lưu ý khi chăm sóc trẻ nhỏ, không để trẻ tự ý chơi các đồ vật nhỏ, dễ nuốt; nếu nghi ngờ hoặc phát hiện trẻ nuốt phải dị vật, cần đưa đến ngay cơ sở y tế để được hỗ trợ kịp thời.