+Aa-
    Zalo

    Tin tức đời sống ngày 29/5/2024: Nghiện ăn rau sống, bệnh nhân có ổ sán lá gan

    (ĐS&PL) - Tin tức đời sống mới nhất ngày 29/5/2024. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 29/5/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Nghiện ăn rau sống, người đàn ông có ổ sán lá gan

    Báo An Ninh Thủ Đô đưa tin ngày 28/5, bác sĩ Vũ Minh Điền - Phó trưởng khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, đơn vị này vừa tiếp nhận một bệnh nhân có ổ sán lá gan lớn vì thói quen nhiều người mắc phải.

    Bệnh nhân là anh N.T.D. (39 tuổi, ở Phú Yên), có tiền sử mắc bạch cầu cấp, đã truyền 5 đợt hóa chất tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương.

    Trong lần tái khám gần đây, anh D. có biểu hiện ho, sốt. Kết quả siêu âm ổ bụng, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân có khối ở gan, được chẩn đoán theo dõi áp xe gan và chuyển tuyến đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

    Kết quả chụp phim cộng hưởng từ, bệnh nhân được chẩn đoán sán lá gan lớn. Ảnh: An Ninh Thủ Đô

    Kết quả chụp phim cộng hưởng từ, bệnh nhân được chẩn đoán sán lá gan lớn. Ảnh: An Ninh Thủ Đô

    Trao đổi với bác sĩ, anh D. cho biết mình nghiện ăn rau sống, đặc biệt là rau muống được trồng dưới ao, hồ và rau ngổ sống. Anh thường ăn món cá nướng quấn với rau muống và món thịt vịt quay hay thịt vịt hấp ăn với rau ngổ sống. Ngay cả khi đang nằm điều trị tại bệnh viện, anh vẫn thường xuyên ăn món này.

    Bác sĩ Vũ Minh Điền thông tin, xét nghiệm ban đầu cho thấy bệnh nhân có bạch cầu ái toan tăng cao. Kết quả chụp phim cộng hưởng từ, bệnh nhân được chẩn đoán sán lá gan lớn.

    Để phòng bệnh sán lá gan lớn, bác sĩ Vũ Minh Điền cảnh báo, người dân không nên ăn sống các loại rau mọc dưới nước như: rau muống, rau ngổ, rau cần, cải xoong, rau rút… Khi nghi ngờ nhiễm sán lá gan lớn phải đến cơ sở khám chữa bệnh để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

    Cô gái có tim và dạ dày nằm bên phải

    Theo VTC News, trước khi nhập viện vài ngày, cô gái bị đau bụng theo cơn nhưng không đi khám. Tình trạng đau ngày càng tăng ở vùng hố chậu trái, nôn, đau vùng thượng vị, sau đó lan xuống hạ vị kèm sốt.

    ThS.BS Phùng Văn Quyên - khoa Phẫu thuật tiêu hóa Bệnh viện E cho biết, bệnh nhân vào viện với các dấu hiệu rõ rệt của chứng đau ruột thừa như đau bụng dữ dội vùng hố chậu, buồn nôn, đau tăng dần và liên tục, đau di chuyển xuống hạ vị. Tuy nhiên, người bệnh lại đau hố chậu trái, trong khi ở người bình thường, biểu hiện đau ruột thừa thường từ hố chậu phải.

    Qua khám lâm sàng và kết quả các xét nghiệm, siêu âm bụng, chụp CT ổ bụng, các bác sĩ xác định người bệnh bị viêm phúc mạc khu trú do ruột thừa mủ trên nền người bệnh bị đảo ngược phủ tạng hiếm gặp. Trái tim và dạ dày của người bệnh nằm bên phải, còn gan và ruột thừa nằm bên trái, trái ngược hoàn toàn so với bình thường.

    Bác sĩ kiểm tra sức khoẻ cho bệnh nhân. Ảnh: VTC News

    Bác sĩ kiểm tra sức khoẻ cho bệnh nhân. Ảnh: VTC News

    Theo bác sĩ Quyên, tình trạng đảo ngược phủ tạng có thể hoàn toàn hoặc chỉ một vài cơ quan đơn thuần. Đây là dị tật hiếm gặp, với tỷ lệ khoảng 0,001% - 0,01%, Trong đó khoảng 5-10% có dị tật tim bẩm sinh kèm theo, khoảng 4% trong số các ca đảo ngược phủ tạng có thể mắc viêm ruột thừa, còn lại có cuộc sống hoàn toàn bình thường, không ảnh hưởng đến sức khỏe.

    Bác sĩ Mai Văn Lực - khoa Phẫu thuật thận tiết niệu và nam học Bệnh viện E cho biết, phẫu thuật trên nền người bệnh bị đảo ngược phủ tạng hoàn toàn về giải phẫu sẽ có nhiều nguy cơ và khó khăn khi đưa ra các chẩn đoán bệnh.

    Thứ nhất, khi khám lâm sàng, bác sĩ chỉ thực hiện khám bên phải, bỏ qua bên trái thì nguy cơ sẽ để sót tổn thương, dẫn tới tình trạng viêm ruột thừa muộn gây viêm phúc mạc hoặc vỡ ruột thừa.

    Thứ hai, trong phẫu thuật, đối với người bệnh bị đảo ngược phủ tạng khi phẫu thuật các bác sĩ sẽ phải thực hiện các thao tác ngược lại. Với trường hợp này, khi mổ nội soi, các bác sĩ phát hiện toàn bộ đại tràng, gan, lách, dạ dày, ruột thừa đều đảo ngược. Ruột thừa bệnh nhân quặt sau manh tràng nên phải cắt ruột thừa ngược dòng.

    Viêm ruột thừa là tình trạng cấp cứu và cần được điều trị kịp thời để tránh các biến chứng nguy hiểm. Đối với những người bị đảo ngược phủ tạng, việc chẩn đoán và điều trị viêm ruột thừa càng trở nên phức tạp và đầy rủi ro do dễ bị chẩn đoán nhầm, do vị trí đau cũng ngược lại với người bình thường.

    Tạo hình đốt sống bằng xi măng sinh học cho cụ bà 75 tuổi

    Báo Đại Đoàn Kết đưa tin ngày 28/5, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long cho biết vừa điều trị bằng phương pháp tạo hình đốt sống bằng xi măng sinh học, giúp cụ bà 75 tuổi thoát cảnh liệt giường sau khi bị té ngã.

    Cụ thể, bệnh nhân N.T.P (75 tuổi, trú tại TP.Cần Thơ) bị té ngã, đập phần lưng xuống nền cứng. Sau khi té, cụ bà đau cột sống lưng nhiều, xoay trở đau tăng. Đặc biệt, đau nhiều mỗi khi ngồi.

    Cơn đau khiến cụ bà hạn chế vận động, chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng nặng nề. Cụ bà còn tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường, hẹp mạch máu ở tim. Nếu nằm một chỗ quá lâu thì sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm

    Người nhà đưa cụ bà đến Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long để điều trị. Kết quả MRI xác định cụ bà bị gãy lún 1 đốt sống thắt lưng L1, kèm theo thoái hóa cột sống thắt lưng và loãng xương.

    Sau thủ thuật một ngày, bệnh nhân giảm đau rõ rệt, có thể tự ngồi dậy được, sinh hoạt, đi lại nhẹ nhàng. Ảnh: Đại Đoàn Kết

    Sau thủ thuật một ngày, bệnh nhân giảm đau rõ rệt, có thể tự ngồi dậy được, sinh hoạt, đi lại nhẹ nhàng. Ảnh: Đại Đoàn Kết

    Xác định được chẩn đoán, dựa trên các yếu tố bệnh nền phức tạp và độ tuổi của bệnh nhân, các bác sĩ khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long đã hội chẩn và quyết định điều trị cụ bà bằng phương pháp “Tạo hình đốt sống bằng xi măng sinh học”.

    Kết quả sau thủ thuật một ngày, bà P. giảm đau rõ rệt, có thể tự ngồi dậy được, sinh hoạt, đi lại nhẹ nhàng, chất lượng cuộc sống của cụ bà cải thiện và được xuất viện ngay sau đó.

    Các bác sĩ lưu ý, những trường hợp bệnh nhân loãng xương, khi mật độ xương giảm, có hay không có chấn thương đều có nguy cơ gãy xương tăng lên.

    Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, cột sống có thể bị biến dạng và xẹp lún nặng nề, gây đau nhức ảnh hưởng đến chức năng và khả năng vận động của người bệnh.

    Với trường hợp biến dạng nặng ảnh hưởng đến chức năng thần kinh, việc điều trị sẽ gặp nhiều khó khăn, đôi khi không thể cải thiện và dẫn đến biến chứng nghiêm trọng.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/tin-tuc-oi-song-ngay-29-5-2024-nghien-an-rau-song-benh-nhan-co-o-san-la-gan-a428260.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan