Tin tức đời sống mới nhất ngày 27/9/2019. Cập nhật tin đời sống mới ngày 27/9/2019 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Tối ngủ tại nhà, sáng thức dậy cô gái hoảng sợ thấy mình trên núi hoang
Cô gái hoảng sợ chạy về và kể lại câu chuyện khiến ai cũng rùng mình - Ảnh: Sina |
Sẽ thế nào nếu đêm qua bạn ngủ tại nhà nhưng sáng nay thức dậy ở một nơi đìu hiu vắng vẻ? Chắc chắn, câu trả lời sẽ là: hoảng sợ tột cùng và nhớ lại xem chuyện gì đã xảy ra, ai đưa mình đến đây, là kẻ xấu hay một thế lực kỳ bí nào đó.
Nghe có vẻ như là kịch bản của một bộ phim giả tưởng có phần tâm linh ma quái nhưng không, đây chính xác là những gì đã xảy ra với một cô gái 27 tuổi có tên Ngải Giai ở quận Trung Sơn, thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc.
Vào tối ngày 20/9, Ngải Giai ngủ như bình thường tại nhà trên đường Tú Nguyệt, quận Trung Sơn. Tuy nhiên, vào sáng sớm hôm đó, người nhà của Ngải Giai phát hiện cô đã mất tích trong khi điện thoại của cô vẫn để trong phòng.
Linh tính có chuyện chẳng lành, gia đình Ngải Giai tản ra đi tìm. Sau nhiều giờ đồng hồ tìm kiếm, lục tung khắp khu vực mà vẫn không tìm được, gia đình ngay lập tức nhờ đến sự trợ giúp của đội cứu hộ địa phương.
Đáng tiếc thay, tất cả đều lực bất tòng tâm, Ngải Giai cứ như bốc hơi vậy, sau một đêm đã chẳng thấy đâu nữa.
Mãi cho đến 4h ngày 21/9, khi gia đình tỏa ra đi tìm lần nữa, họ mới phát hiện ra Ngải Giai đang ngủ ở khu vực cầu thang bộ của tòa nhà chung cư. Kỳ lạ hơn, lúc ấy, áo quần của Ngải Giai lấm lem bùn đất và bám đầy cỏ dại.
Dù vui mừng vì tìm được Ngải Giai nhưng chi tiết bên trên vẫn khiến không ít người tò mò, hiếu kỳ và rùng mình lo sợ. "Chuyện gì đã xảy ra với cô gái này?" - nhiều người hoang mang nghĩ thầm trong bụng.
Với hy vọng khi ngủ dậy Ngải Giai sẽ kể lại tất cả cho mọi người cùng nghe, ấy vậy mà cuối cùng cũng không thu được manh mối gì.
Cô cho biết mình không nhớ gì cả. Chỉ mang máng là tự mình đã rời khỏi nhà, vượt qua các rào chắn, băng qua đường và thất thểu leo lên núi một mình.
Khi tỉnh dậy, cô thấy mình đang ở giữa một khu vực hoang vu, cây cỏ, bùn đất bám đầy vào váy. Quá hốt hoảng, cô vội tìm đường xuống núi và trở về nhà. Khi về đến chung cư, có lẽ do kiệt sức, nên cô đã thiếp đi mãi cho đến lúc có người tìm thấy.
Câu chuyện do Ngải Giai kể cứ đứt đoạn, càng làm mọi người lo lắng hơn. Nhưng với các chi tiết trên, đa phần mọi người đều cho rằng Ngải Giai bị bệnh mộng du. Đây là lời suy đoán hợp lý nhất cho đến hiện tại.
Tuy nhiên, việc Ngải Giai vô thức vượt một quãng đường xa xôi cách trở lên núi, cũng như là băng qua đường, vượt các rào chắn mà không hề hấn gì vẫn để lại chút gì đó khó hiểu và sợ sệt cho nhiều người.
Bố của Ngải Giai cho biết, ông sẽ nhanh chóng đưa con gái đến bệnh viện để kiểm tra xem thực hư vấn đề mà Ngải Giai đang gặp phải là gì. Liệu nó là bệnh mộng du hay bắt nguồn từ một căn nguyên gì đó khác?
Cô dâu đến nhà trai rước rể để ủng hộ nữ quyền
Cô dâu Khadiza và chú rể Islam đã phá vỡ tục lệ cưới hỏi truyền thống - Ảnh: BBC |
Một cô dâu Bangladesh đã dẫn theo “binh đoàn” hàng trăm người họ hàng đến nhà trai rước rể trong lễ cưới tổ chức tại huyện Meherpur ngày 21/9.
Cô dâu Khadiza Akter Khushi (19 tuổi) đã tạo ra sự kiện có một không hai trong này trong đám cưới với chú rể Tariqul Islam (27 tuổi).
“Nếu đàn ông có thể đến rước dâu, tại sao phụ nữ không thể tự mình đưa dâu được?”, cô dâu Khadiza nói.
Khushi cho rằng cô làm điều này vì tất cả phụ nữ Bangladesh. Cô dâu đến nhà trai “rước rể” được cho là lần đầu tiên xuất hiện ở đất nước này khi tục lệ chú rể đến nhà gái rước dâu trong ngày cưới đã tồn tại nhiều thế kỷ.
Kênh BBC (Anh) cho biết hành động ủng hộ nữ quyền của Khadiza đã truyền cảm hứng cho nhiều phụ nữ Bangladesh nhưng cũng gặp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ. Một người đàn ông đã đề nghị ném dép vào cô dâu chú rể và gia đình họ vì đã làm trái với tục lệ.
Theo truyền thống Bangladesh, trong ngày cưới, chú rể và họ hàng nhà trai sẽ đến nhà gái rước dâu, tổ chức lễ cưới và lễ kỷ niệm trước khi cô dâu nói lời tạm biệt gia đình để về nhà chồng. Nhưng tại Meherpur, cặp đôi này đã có một đám cưới trái ngược với tục lệ, cô dâu cùng họ hàng nhà gái đến nhà trai rước rể, sau đó chú rể sẽ chuyển đến nhà vợ mình sinh sống.
Tuy nhiên Khadiza và chồng cho rằng việc làm này không có gì sai trái, điều đó hoàn toàn bình thường.
“Vấn đề không phải là tục lệ truyền thống, mà chúng tôi muốn đề cao vai trò của người phụ nữ. Ngày nay, một cô gái tới nhà trai không có gì là lạ. Thay vào đó, tình trạng lạm dụng phụ nữ sẽ suy giảm, phụ nữ xứng đáng có được phẩm giá của mình. Phụ nữ và nam giới đều bình đẳng, không ai có quyền hơn hay kém đối phương”, cô Khadiza nói.
Cặp vợ chồng mới cưới này biết chắc lễ cưới sẽ gặp nhiều phản đối, thậm chí cả những thành viên trong gia đình cũng có phần dao động. Tuy nhiên anh Islam nói rằng cuối cùng họ hàng của hai bên cũng đến đầy đủ bởi anh và vợ mình không làm điều gì sai trái.
“Nhiều người kết hôn ở tòa án, nhiều người lựa chọn tổ chức lễ cưới ở nhà thờ. Còn chúng tôi kết hôn theo những gì mình cho là đúng. Chúng tôi ký tên vào giấy đăng ký kết hôn, trước mặt nhân chứng. Người ta nghĩ gì, nói gì không quan trọng. Mỗi người đều có chính kiến riêng và ai cũng có quyền bày tỏ quan điểm cá nhân”, anh nói.
54 người chết vì bị chó dại cắn chỉ trong 9 tháng năm nay
Chó thả rông không được quản lý chặt khiến số người bị chó cắn đang gia tăng hàng năm - Ảnh: Thanh niên |
Chiều 26/9, thông tin từ Chương trình quốc gia khống chế và loại trừ bệnh dại, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, cho biết thống kê trên cả nước, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 54 người chết vì bệnh dại ở 24 tỉnh, thành.
Đáng lưu ý, bệnh dại có xu hướng lan rộng ở các tỉnh, thành phố, khi nhiều địa phương trước đó chưa từng có ca mắc bệnh dại nay đã ghi nhận có ca chết vì bệnh dại. Trong năm 2018, bệnh dại được ghi nhận ở 20 tỉnh, thành phố với 64 người chết.
TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết biện pháp hiệu quả nhất về chi phí và ngăn ngừa các trường hợp bị chó cắn chết vì bệnh dại là phải quản lý tốt đàn chó và tiêm vắc xin để loại trừ bệnh dại trên đàn chó, ngăn ngừa lây lan sang người.
Theo thông tin từ các tổ chức quốc tế, bệnh dại hiện là một trong những bệnh truyền nhiễm lâu đời và đáng sợ nhất trong lịch sử nhân loại. Khi đã lên cơn dại thì bệnh nhân chắc chắn sẽ tử vong.
Hiện tại, bệnh dại đang lưu hành ở 150 quốc gia trên thế giới. Dù đã được dự phòng bằng vắc xin nhưng ước tính mỗi năm, trên thế giới có khoảng 59.000 người tử vong vì bệnh dại. Trong đó, khoảng 40% người tử vong là trẻ em dưới 15 tuổi ở các nước châu Á và châu Phi.
Còn tại Việt Nam, theo thống kê của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, ở Việt Nam, số người bị chó cắn mỗi năm tăng trên 100.000 người và tính trung bình mỗi năm có trên nửa triệu người bị chó cắn. Nếu tính chi phí vắc xin bỏ ra tiêm và các chi phí đi lại, ăn uống, thời gian nghỉ làm việc, học hành, thì mỗi năm xã hội tiêu tốn cả nghìn tỉ đồng do bị chó cắn và chi phí điều trị bệnh dại.
2019 là năm thứ 23 thế giới kỷ niệm ngày Phòng chống bệnh dại. Trong ngày 27/9, Bộ NN-PTNT, Bộ Y tế, Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sẽ tổ chức lễ mít tinh hướng ứng ngày Phòng chống bệnh dại tại Bà Rịa - Vũng Tàu, với chủ đề "Tiêm vắc xin để loại trừ bệnh dại".
Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam Albert Lieberg cho biết, nếu chúng ta có thể loại trừ bệnh dại trên toàn cầu, thì mỗi năm, hàng nghìn sinh mạng sẽ được cứu sống, và có thể dành ra một khoản tiền tương đương 8,6 tỉ USD để sử dụng cho các mục tiêu phát triển khác.
Tìm ra nguyên nhân khiến hơn 250 học sinh đồng loạt nhập viện
Cơ quan chức năng tiến hành tiêu độc khử trùng trong phạm vi trường có học sinh bị bệnh - Ảnh: Vietnamnet |
Ngày 26/9, theo báo cáo của UBND huyện U Minh (Cà Mau) đến nay có 259 học sinh tại 10 điểm trường bị mắc bệnh với các triệu chứng chóng mặt, nhức đầu, sốt, ho... trong đó có 1 trường mầm non và THCS, còn lại trường cấp tiểu học.
Cụ thể, ngày 24/9, 61 học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Huyên (thị trấn U Minh) bị các triệu chứng chóng mặt, nhức đầu, sốt, ho.
Ngày 25/9, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng GD-ĐT thống kê, báo cáo danh sách học sinh mắc bệnh trên toàn huyện.
Qua thống kê có 200 em mắc bệnh với các triệu chứng tương tự và đến nay thì con số đã lên đến 259 học sinh. Ngoài ra, còn 2 em học sinh bị bệnh tay, chân, miệng.
Trong các trường có học sinh mắc các triệu chứng chóng mặt, nhức đầu, sốt… nhiều nhất là tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Huyên với 78 em, kế đến là Trường Tiểu học Nguyễn Việt Khái (xã Khánh An) với 60 em.
Trước tình hình học sinh mắc bệnh hàng loạt, ngành chức năng huyện U Minh đã hướng dẫn nhà trường, phụ huynh đưa học sinh đến cơ sở y tế khám chữa bệnh. Cũng như phun thuốc khử trùng tại trường.
Theo nhận định ban đầu của ngành y tế, các triệu chứng trên là do thời tiết thay đổi bất thường (giao mùa) khiến cơ thể trẻ không thích ứng kịp, nên xảy ra tình trạng rất nhiều trẻ bị viêm đường hô hấp dẫn đến chóng mặt, nhức đầu, sốt… hay còn gọi là cúm mùa.
Đồng thời khẳng định bệnh này không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của trẻ em và học sinh.
UBND huyện U Minh đã đề nghị thủ trưởng các đơn vị ban ngành trong huyện tăng cường tuyên truyền đến cán bộ, công chức, viên chức và người dân hiểu rõ về bệnh cúm mùa thông thường; không để người dân hoang mang.
Mặt khác tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, tiến hành phun thuốc khử trùng tại các điểm trường học, vệ sinh môi trường, kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế khám và điều trị khi phát hiện các triệu chứng như trên.
Quỳnh Chi(T/h)