Tin tức đời sống mới nhất ngày 23/4/2020. Cập nhật tin đời sống mới ngày 23/4/2020 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Đỉa dài 5 cm sống trong mũi người phụ nữ
Con đỉa trong mũi chị Thủy được các bác sĩ gắp thành công - Ảnh: BVCC |
Ngày 22/4, ông Nguyễn Thanh Tiên, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Nam, cho biết các bác sĩ đã lấy con đỉa dài 5 cm sống ký sinh trong mũi chị Nguyễn Thị Thủy (29 tuổi, trú huyện Bắc Trà My, Quảng Nam).
Ngày 20/4, chị Thủy nhập viện trong tình trạng đau mũi và máu chảy liên tục. Qua nội soi, bác sĩ xác định có sinh vật sống ký sinh nằm sâu trong mũi và khó lấy.
Sau đó, chị Thủy được điều trị cầm máu, đến sáng 22/4 các bác sĩ đã gặp thành công dị vật là con đỉa dài 5 cm trong mũi bệnh nhân.
Người phụ nữ cho hay 10 ngày trước trong lúc đi làm đã uống nước suối và có triệu chứng nghẹt mũi, khó thở. Ngày 20/4, thấy đau, máu chảy nhiều, chị Thủy đã đến bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Nam.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Tiên cho biết người dân vùng cao có thói quen tắm, bơi lội và uống nước suối, nguy cơ dị vật đã chui vào và ký sinh trong mũi từ lúc đó. Bác sĩ khuyến cáo nếu phát hiện người thân có dấu hiệu chảy máu mũi, ho ra máu, khó thở, khàn giọng, cần đến cơ sở y tế để kiểm tra sớm.
Mảnh xương hình khối nằm trong phế quản bệnh nhân suốt 5 năm
Di vật được lấy ra sau 5 năm. Ảnh: BV |
Ngày 22/4, bệnh viện Trung ương Huế cho biết ekip các bác sĩ, kỹ thuật viên khoa Nội soi bệnh viện này đã lấy ra thành công dị vật trong phế quản bệnh nhân "bỏ quên" đã 5 năm.
Bệnh nhân là ông Nguyễn Ngọc Đ. (74 tuổi, địa chỉ tại xã Hương Phong, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên-Huế).
Ông Đ. nhập viện ngày 1/4 với chẩn đoán viêm phổi, tràn dịch màng phổi trái, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Sau đó, bệnh nhân được nội soi phế quản ống mềm và nghi ngờ có dị vật ở phế quản thùy dưới trái.
Về bệnh sử, bệnh nhân nghi ngờ có sặc dị vật vào đường thở sau ăn canh cá khoảng 5 năm trước đó nhưng cứ ngỡ đã ho khạc ra nên không để ý. Sau đó hay bị ho, khạc đàm, khó thở từng đợt điều trị không khỏi dứt điểm. Đợt này bệnh nhân vào viện do ho, khạc đàm, khó thở đã kéo dài đã một tháng.
Ngày 21/4, bệnh nhân đã được nội soi phế quản ống mềm lấy được dị vật là mảnh xương hình khối, kích thước khoảng 12x13x11mm.
Bác sĩ tại bệnh viện này cho biết, quá trình lấy dị vật hơi khó khăn do dị vật nằm đã lâu trong lòng phế quản. Dị vật phế quản có thể gây những biến chứng cấp tính như ngưng thở hay có thể gây nhiễm trùng phế quản phổi đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng bệnh nhân.
Cứu sống bệnh nhân đa túi phình mạch máu não bị vỡ
Hình ảnh CT mạch máu não trước khi can thiệp. |
Ngày 22/4, bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, các y, bác sĩ khoa Ngoại Thần kinh của bệnh viện vừa phẫu thuật thành công một trường hợp xuất huyết não – xuất huyết khoang dưới nhện do vỡ phình động mạch não. Đây là trường hợp đa túi phình động mạch não đầu tiên được điều trị bằng phương pháp vi phẫu kẹp cổ túi phình.
Bệnh nhân là ông Bùi Văn Bán, sinh năm 1963, ở huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long đột ngột đau đầu dữ dội và được người nhà đưa đi cấp cứu tại bệnh viện địa phương nhưng tình trạng không thuyên giảm.
Bệnh nhân sau đó được chuyển đến Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ trong tình trạng lơ mơ, kích thích nhiều, đau đầu cùng với cứng cổ. Qua chụp CT scanner đầu, các bác sĩ phát hiện có xuất huyết dưới nhện lan tỏa cùng khối máu tụ ở thùy thái dương trán bên phải.
Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân do vỡ túi phình động mạch não nên tiến hành chụp khảo sát mạch máu não. Kết quả cho thấy bệnh nhân có tới 3 túi phình, trong đó túi phình động mạch não giữa bên phải đã vỡ gây xuất huyết não trán phải, kèm theo xuất huyết trong khoang dưới nhện lan tỏa. Đây là trường hợp khẩn cấp, nguy cơ tử vong cao.
Các bác sĩ chỉ định phẫu thuật kẹp cổ túi phình bằng clip (kẹp mạch máu). Sau 4 giờ phẫu thuật căng thẳng, các bác sĩ đã bóc tách được cổ túi phình, loại bỏ túi phình ra khỏi vòng tuần hoàn giúp giảm tỉ lệ biến chứng co thắt động mạch não.
Hiện bệnh nhân đã tỉnh táo, tiếp xúc tốt, thực hiện y lệnh chính xác, giảm đau đầu nhiều. Dự kiến, túi phình còn lại sẽ được xử lý khi bệnh nhân hồi phục sức khỏe.
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Chương Chấn Phước - Trưởng Khoa Ngoại thần kinh bệnh viện, việc loại bỏ phình mạch não đã vỡ nhằm mục đích ngăn chặn tái xuất huyết lần 2. Vì khi xảy ra, tỷ lệ tử vong và tàn tật nặng chiếm đến 80%.
Bác sĩ Phước nhấn mạnh thêm, bệnh lý phình động mạch não tại khu vực ĐBSCL hiện nay khá phổ biến. Việc triển khai thành công và hiệu quả các phương pháp điều trị túi phình động mạch não giúp giải quyết tình trạng cấp cứu cho các bệnh nhân vỡ túi phình mạch não mang lại niềm tin cho người dân.
Người phụ nữ Quảng Ninh nguy kịch vì ong đốt
May mắn được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân đã thoát cơn sốc phản vệ - Ảnh: Vietnamnet |
Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, Quảng Ninh vừa tiếp nhận cấp cứu một trường hợp bị sốc phản vệ nặng do bị ong đốt.
Bệnh nhân là bà Doãn Thị Thiện, 58 tuổi, ở Thanh Sơn, Uông Bí, Quảng Ninh. Theo gia đình, bà Thiện đang trồng cây tại vườn thì không may bị ong vò vẽ đốt nhưng không rõ số lượng là bao nhiêu con. Sau đó bà thấy tức ngực, khó thở, được chuyển đến bệnh viện cấp cứu.
Trên đường đến bệnh viện, bà Thiện nặng lên rất nhanh. Bệnh nhân nhập nhập viện trong tình trạng lơ mơ, gọi hỏi không biết, thở ngáp, da tái, mạch, huyết áp bằng 0, được chẩn đoán sốc phản vệ độ 4 do ong vò vẽ đốt. Tiên lượng rất nặng.
Ngay lập tức bệnh nhân được hồi sức chống sốc, đặt nội khí quản, thở máy, điều trị theo phác đồ chống sốc phản vệ.
BS Hoàng Thăng Vân, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực Nội cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch do bị co thắt đường thở dẫn đến suy hô hấp và trụy tim mạch, có thể tử vong bất cứ lúc nào.
Nhờ xử trí nhanh và hỗ trợ thở máy kịp thời nên tuần hoàn và hô hấp của người bệnh được kiểm soát tốt.
Sau hơn một ngày điều trị, sức khỏe người bệnh đã ổn định. Các chỉ số mạch, huyết áp trở lại bình thường và có thể xuất viện trong 1-2 ngày tới.
Theo BS Vân, những người bị ong đốt với số lượng nhiều sẽ tiềm ẩn các nguy cơ như: sốc phản vệ, tiêu cơ vân dẫn đến suy thận cấp, nhiễm trùng, nhiễm độc… nguy cơ tử vong cao.
Vì vậy nếu phát hiện người bị ong độc đốt như vò vẽ, bắp cày… người dân tuyệt đối không chủ quan, cần đưa ngay đến các cơ sở y tế để chẩn đoán, điều trị kịp thời, tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà.
Khi bị ong độc đốt, nốt đốt càng nhiều, càng gần vị trí đầu, cổ, ngực sẽ càng nhiễm độc nặng.
Nọc độc của ong có thành phần chính là protein, ngay khi đốt sẽ gây tổn thương tại vị trí đốt gây đau và hoại tử tại chỗ, sau đó xâm nhập vào máu gây vỡ hồng cầu, tổn thương cơ, suy thận, rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu. Nếu bệnh nhân bị đốt nhiều nốt có thể bị tổn thương cơ tim, suy tim, chảy máy phổi, suy hô hấp...
Các phương pháp dân gian như chườm đá, bôi vôi, bôi hồ nước, kem đánh răng... chỉ có tác dụng làm dịu vết đốt nhưng không có giá trị sơ cứu do nọc độc vẫn còn nguyên.
Quỳnh Chi(T/h)