Tin tức đời sống mới nhất ngày 21/4/2020. Cập nhật tin đời sống mới ngày 21/4/2020 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Cặp vợ chồng cùng chuyển giới ở Anh đón con đầu lòng
Cặp đôi hạnh phúc đón con gái đầu lòng. |
Hannah và Jake Graf đã vui mừng chào đón sự ra đời của con gái trong tuần này và cùng nhau chia sẻ một bức ảnh gia đình ấm áp. Hannah, 33 tuổi, vốn là một sĩ quan trong quân đội Anh trước khi rời quân ngũ để chuyển giới với hy vọng xây dựng một gia đình như mong muốn.
Hannah từng được đào tạo ở trường quân sự hoàng gia Sandhurst, từng phục vụ ở Afghanistan với tư cách là đội trưởng Winterbourne rồi chuyển giới thành phụ nữ vào năm 2013. Cô gặp chồng mình là Jake, 42 tuổi, một đạo diễn kiêm diễn viên truyền hình từng chuyển giới từ phụ nữ thành đàn ông vào năm 2008.
Cặp đôi đã sử dụng trứng đông lạnh của Jake kết hợp với tinh trùng của một người hiến tặng. Họ tuyên bố, người mang thai hộ đã sinh con gái vào sáng Thứ Ba vừa rồi.
"Chúng tôi không thể hạnh phúc hơn và cũng cảm thấy vô cùng biết ơn. Người mang thai hộ cho chúng tôi là một người rất ấm áp, thực tế và có con riêng của mình. Cô ấy nói rằng chúng tôi là một cặp vợ chồng hạnh phúc, yêu thương nhau rất nhiều và sẽ là những cha mẹ tốt", Hannah thổ lộ.
"Họ nói rằng không có số liệu thống kê cho thấy mức độ thành công của việc thụ thai như vậy. Họ chưa bao giờ làm bất cứ điều gì như vậy trước đây. Nhưng họ đã đồng ý thử với một số trứng đông lạnh của tôi.
Tôi khá thấp và đầy nghệ sĩ, kém về khoa học và logic nên tôi đã muốn tìm một người hiến tinh trùng để cân bằng những điều đó. Vì vậy, tôi đã chọn một kỹ sư cao ráo, giỏi thể thao, mắt nâu. Tôi đã chọn một người trông giống như Hannah", Jake kể về quá trình thụ thai.
Cặp đôi chuyển giới kết hôn cách đây 2 năm vào tháng 3/2018 và từng tổ chức lễ cưới thân mật tại trung tâm tiệc cưới Chelsea Town Hall, London. Buổi lễ có sự tham gia của không đến 20 khách mời vì cặp đôi cho biết muốn tiết kiệm cho gia đình sau này.
Bé trai bị nan hoa xe đạp chém mất vạt da ở gót chân
Các bác sĩ quyết định phẫu thuật che phủ vết thương bằng phương pháp chuyển vạt da cuống mạch liền - Ảnh: BVCC |
Các bác sĩ Ngoại khoa và Chấn thương chỉnh hình Trung tâm Sản Nhi - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ - vừa phẫu thuật thành công cho bệnh nhi bị khuyết hổng phần mềm vùng gót chân do tai nạn.
Bệnh nhi N.Đ.D. (10 tuổi, trú tại Đoan Hùng - Phú Thọ) được đưa đến Trung tâm Sản Nhi trong tình trạng gót chân bên trái có một vết thương khuyết hổng phần mềm kích thước 4x5 cm, lộ gân Achilles, sưng đau và chảy dịch.
Theo thông tin từ phía gia đình, trong thời gian được nghỉ học ở nhà để phòng chống lây nhiễm Covid-19, D. bị tai nạn chấn thương mất vạt da phần gót chân trái do đưa gót chân vào nan hoa xe đạp khi xe đang chạy nhanh xuống dốc.
Tại Trung tâm Sản Nhi, qua thực hiện khám lâm sàng và tổng hợp các kết quả xét nghiệm, chiếu chụp, các bác sĩ đánh giá vết thương khuyết hổng vùng gót chân của bệnh nhi khá nghiêm trọng. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định phẫu thuật che phủ vết thương bằng phương pháp chuyển vạt da cuống mạch liền.
Theo ThS.BS Trần Thanh Hoàn - Trung tâm Sản Nhi - đây là phương pháp có ý nghĩa quan trọng trong điều trị các khuyết hổng phần mềm, nhất là các vị trí ít phần mềm như ở 1/3 dưới cẳng chân, gót chân hay mu bàn chân.
Đối với trường hợp bệnh nhi N.Đ.D., các bác sĩ đã lấy một vạt da cân vùng giữa bắp chân, có mạch nuôi đi từ dưới cổ chân lên quay xuống che phủ cho vùng gót chân.
Với kỹ thuật này, vạt da không sống bằng nguồn nuôi tại chỗ mà sẽ được nuôi sống bằng mạch máu theo vạt, do đó, đòi hỏi phẫu thuật viên phải nắm rất rõ và chính xác về mạch máu, thần kinh để thiết kế vạt và cuống vạt.
Đồng thời, quá trình phẫu thuật cần tỉ mỉ, cẩn thận, không được làm tổn thương hay đụng dập mạch máu trong vạt và trong cuống vạt, khi xoay vạt không để gập góc mạch máu cuống vạt gây tắc mạch dẫn đến hoại tử vạt da mới được chuyển.
Chăm sóc vạt da sau phẫu thuật cũng là vấn đề quan trọng. Bác sĩ phải theo dõi liên tục để đánh giá mức độ sống của vạt, từ đó có những xử lý can thiệp kịp thời khi cần thiết.
Phẫu thuật được đánh giá là thành công khi tình trạng sức khỏe bệnh nhân được ghi nhận có tiến triển tốt, vạt da che phủ vết thương hồng hào; vết mổ khô; mọi vận động của cơ chân được đảm bảo hoạt động bình thường. Sau 6 ngày điều trị hậu phẫu, bệnh nhi D. được đánh giá có đầy đủ các yếu tố trên nên được cho xuất viện.
Cứu sống sản phụ mắc bệnh sản sinh ra chất tự chống lại cơ thể mình
Bé trai ra đời an toàn, khóc to, bú tốt - Ảnh: Tiền phong |
Chiều 20/4 Bác sĩ CK2 Phạm Thanh Phong - Phó Giám đốc bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, các bác sĩ Khoa Sản bệnh viện vừa phẫu thuật thành công cứu sống cả mẹ và con một sản phụ sản phụ bị Lupus ban đỏ hệ thống có biến chứng thận và tim mạch rất nặng.
Cũng theo bác sĩ Phong, Lupus ban đỏ hệ thống là một bệnh lí tự miễn hệ thống chưa rõ nguyên nhân chính xác, gây rối loạn đáp ứng miễn dịch, dẫn đến việc sản sinh ra các chất chống lại chính cơ thể của mình. Đây là bệnh lí gây ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trên cơ thể hay gặp nhất là da, xương khớp, thận, tim mạch. Đồng thời bệnh này hay gặp ở các phụ nữ trẻ, chủ yếu trong độ tuổi sinh đẻ. Thai phụ mắc bệnh này có thể dẫn đến nhiều biến chứng cho cả mẹ và con. Do bệnh Lupus và quá trình thai sản có sự tác động qua lại lẫn nhau.
Chính vì biết bản thân bị bệnh nên trước đó vợ chồng chị Trần Thị Huyền (27 tuổi, ngụ quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) đã quyết định không mang thai vì sợ nguy hiểm cho cả mẹ và bé.
Dù đã lường trước nhưng việc có thai ngoài ý muốn đã khiến sản phụ gặp nhiều vấn đề trong quá trình mang thai.
Cách đây một tuần, chị Huyền nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội. Tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã tiến hành thăm khám lâm sàng, siêu âm sản khoa và chẩn đoán chị này đang mang thai 35,5 tuần; thai lần 1; sản phụ có bệnh nền là Lupus ban đỏ hệ thống đã tổn thương thận mức độ nặng cùng biến chứng tim.
Thực hiện siêu âm tim màu giãn buồng tim trái, phát hiện hở van 2 là 4/4 (mức độ hở van tim tối đa), hở van 3 lá 3/4, tăng áp động mạch phổi, chức năng co bóp tim giảm, có dấu suy tim nặng. Siêu âm thai nhi cho thấy có dấu hiệu suy thai trên nền suy dinh dưỡng bào thai.
Nhận thấy đây là một trường hợp nặng và phức tạp có nguy cơ rất cao đã đến biến cố bất lợi cho cả mẹ và con. Đê an toàn cho cả 2, các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật lấy thai chủ động.
Sau 30 phút căng thẳng, một bé trai nặng 2,1kg, khóc tốt đã chào đời. Hiện bé khoẻ mạnh, bú tốt.
Riêng về phần chị Huyền, trong sáng 20/4, sức khỏe chị cũng đã ổn định, không còn dấu hiệu suy tim nặng, hiện đang được tiếp tục điều trị bệnh lí tim mạch và Lupus ban đỏ hệ thống.
Theo nhiều nghiên cứu, quá trình thai sản là một trong những yếu tố gây khởi phát đợt cấp của bệnh Lupus. Mang thai trên nền bệnh này là một thử thách nó có thể gây suy đa tạng. Thai nhi cũng có tỉ lệ rối loạn nhịp tim, dị tật bẩm sinh, suy dinh dưỡng bào thai và sinh non, tử vong sơ sinh cao hơn bình thường.
Những phụ nữ bị Lupus ban đỏ hệ thống có thể có thai và sinh con. Tuy nhiên, cần cân nhắc, tư vấn rất cẩn thận trước khi quyết định có thai.
Liệt nửa người vì bị súng tự chế bắn xuyên não
Viên đạn tự chế trong não Đ. là một viên bi lấy từ bộ phận chuyển động của xe đạp. Ảnh: BSCC |
Mới đây, nam bệnh nhân H.T.Đ. (16 tuổi, ở Sơn Dương, Tuyên Quang) được đưa tới bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sau khi bị viên đạn bắn dọc theo chiều dài não.
Các bác sĩ tiến hành cấp cứu kịp thời và cho người bệnh làm các chỉ định cần thiết. Kết quả chụp X-quang cho thấy vết thương nhỏ đường kính 0,55 mm xuyên qua não từ trán đến đỉnh chẩm bên phải. Vết thương xuyên dọc theo chiều dài não khiến bệnh nhân bị liệt nửa người bên trái.
Người nhà cho biết vào 21h ngày 11/4, bệnh nhân cùng bạn đi săn bắn chim bằng súng tự chế và bị trúng đạn. Sau đó, bệnh nhân được sơ cứu khâu vết thương tại một bệnh viện ở Tuyên Quang trước khi chuyển lên bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
TS.BS Bùi Huy Mạnh, khoa Phẫu thuật Thần Kinh 1, bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết não là bộ phận cơ thể đảm nhiệm chức năng điều khiển mọi hoạt động sống của cơ thể. Chính vì vậy, những bệnh lý hay tổn thương ở não bộ có thể gây suy giảm hoặc mất đi chức năng mà vùng não đó đảm nhiệm. Liệt nửa người do di chứng não là một hậu quả nghiêm trọng nhưng rất phổ biến của việc não bị tổn thương.
Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật làm sạch vết thương và lấy viên đạn trong não bệnh nhân Đ. Sau mổ, hiện tại, bệnh nhân tỉnh táo, vẫn bị liệt nửa người do thương tổn não. Người bệnh sau mổ phải theo dõi sát các nguy cơ. Đáng ngại nhất là viêm màng não sau mổ do dị vật dễ gây nhiễm trùng hoặc có thể dẫn đến động kinh, áp xe não.
Đánh giá về khả năng hồi phục vận động cơ thể trong tương lai, TS Mạnh cho biết bệnh nhân này sẽ cần đến những trợ cụ vận động, nạng xe để thực hiện các sinh hoạt cá nhân trong cuộc sống.
Quỳnh Chi(T/h)