Tin tức đời sống mới nhất ngày 22/11/2020. Cập nhật tin đời sống mới ngày 22/11/2020 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Phẫu thuật cho người phụ nữ 34 tuổi có vành tai khác thường
Vành tai của nữ bệnh nhân trước và sau khi phẫu thuật. (Ảnh: Người lao động) |
Các bác sĩ bệnh viện Đại học Y Hà Nội vừa phẫu thuật tạo hình dị tật vành tai bẩm sinh dạng Stahl cho một nữ bệnh nhân 34 tuổi ở Bắc Giang.
Theo bệnh nhân, ngay từ nhỏ chị đã được mẹ cho đi khám, rồi sau này bệnh nhân tự đi khám tại nhiều bệnh viện lớn, tuy nhiên không tìm được phương pháp phẫu thuật chỉnh sửa đôi tai dị tật, không có vành tai cho chị. Dần dần, chị đã mất đi hy vọng có được đôi tai bình thường như bao người khác.
Mặc cảm với đôi tai "không giống ai", mới đây bệnh nhân tiếp tục đi khám tại một bệnh viện ở Hà Nội. Sau khi thăm khám, bác sĩ tại bệnh viện này đánh giá đây là một ca khó và đã tư vấn cho bệnh nhân đến khám tại Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Trực tiếp thăm khám và phẫu thuật cho bệnh nhân, bác sĩ Hoàng Văn Hồng, Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết bệnh nhân bị dị tật vành tai dạng Stahl bẩm sinh. Đó là tình trạng bị quá phát sụn, với biểu hiện tai vểnh, các bộ phận của tai như không có gờ luân, hố thuyền, hố tam giác...
Sau 1,5 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã dựng lại cấu trúc giải phẫu của cả 2 tai cho bệnh nhân để đạt được hình dáng giải phẫu như tai người bình thường.
Thêm ba người bệnh Whitmore
Một bệnh nhân Whitmore điều trị tại trung tâm Bệnh nhiệt đới. (Ảnh: VNE) |
Ông Tuấn 67 tuổi, ở Hà Tĩnh, sốt cao, sưng đau khớp gối phải dai dẳng, đến Bệnh viện Bạch Mai được chẩn đoán mắc bệnh Whitmore nguy hiểm.
Ông Tuấn làm nghề nông, thường xuyên chăn nuôi, lội nước, ao hồ... Điều trị sốt ở bệnh viện tuyến dưới không bớt, ông được chuyển đến khoa Cơ xương khớp, bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) ngày 6/11. Kết quả cấy máu và cấy dịch mủ gối phát hiện vi khuẩn B.pseudomallei gây bệnh Whitmore, bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Bệnh nhiệt đới điều trị.
Ông Tuấn là một trong 3 bệnh nhân Whitmore đang điều trị tại trung tâm Bệnh nhiệt đới, bệnh viện Bạch Mai. Hai trường hợp khác đến từ Sơn La và Nghệ An.
Gần đây liên tục ghi nhận các ca Whitmore, đặc biệt ở miền Trung. Bệnh viện Trung ương Huế tiếp nhận gần 30 bệnh nhân Whitmore trong một tháng rưỡi qua, trong khi 9 tháng đầu năm chỉ có 11 ca. Đây cũng là căn bệnh khiến vị chủ tịch của một xã tỉnh Quảng Bình tử vong khi cứu hộ người dân trong bão lũ.
Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh, thành phố triển khai phòng chống bệnh Whitmore. Các tỉnh miền Trung sau mưa lũ, nhiều vùng dân cư bị ô nhiễm tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi. Dự báo thời gian tới sẽ tiếp tục ghi nhận thêm nhiều trường hợp mắc bệnh. Đây là bệnh ít gặp, không gây thành dịch, nhưng thường tiến triển nặng, tỷ lệ tử vong cao.
Phẫu thuật thành công ca u quái cùng cụt
Vừa qua, ê kíp phẫu thuật viên bệnh Viện Nhi Thanh Hóa đã phẫu thuật thành công bước đầu cho bé gái hơn 3 tháng tuổi, u quái vùng cùng cụt kích thước 10x8cm. Bệnh nhi được phát hiện có khối u vùng cùng cụt lúc thai 5 tháng.
Hiện tại, bệnh nhi được hồi sức ổn định, vết mổ khô, đại tiểu tiện bình thường.
Theo bác sĩ, u quái cùng cụt (teratoma vùng cụt) có tỷ lệ mắc 1:40 000 trẻ sinh sống, tỷ lệ nữ : nam khoảng 3:1. U có nguồn gốc từ tế bào phôi thai, phân thành 4 type I, II, III, IV dựa vào vị trí khối u (theo tiêu chuẩn của đơn vị phẫu thuật hội hhi khoa Mỹ – AAP). Nguy cơ ác tính giảm dần với phân loại tế bào u càng trưởng thành.
Bệnh lý u quái có thể chẩn đoán tiền sản bằng siêu âm hoặc MRI kỹ thuật cao giúp đánh giá tiên lượng và chuẩn bị trước sinh cũng như hồi sức sau sinh. đề theo dõi chăm sóc sau mổ lâu dài gồm: Nguy cơ u tái phát, yếu cơ chi dưới… tuy nhiên vẫn có khả năng cải thiện khi bệnh nhân trưởng thành. Vì vậy cần được theo dõi định kỳ.
Việt Hương (T/h)