Giật mình phát hiện giun dài 8cm ký sinh trong não người phụ nữ
Theo thông tin trên VietnamPlus, các bác sĩ ở Australia đã gặp phải một ca bệnh hy hữu, khi tiếp nhận người phụ nữ 64 tuổi đến từ New South Wales mắc hàng loạt các triệu chứng lạ trong một thời gian dài.
Bệnh nhân nhập viện lần đầu tiên vào tháng 1/2021. Thời điểm này, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) thông báo bà bị đau bụng và tiêu chảy trong suốt 3 tuần, sau đó ho khan và đổ mồ hôi trộm vào ban đêm.
Khi kiểm tra, các bác sĩ phát hiện những dấu hiệu tổn thương tại phổi, gan và lá lách. Họ đã thực hiện kiểm tra các triệu chứng nhiễm trùng, chủng vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng ở người và thậm chí cả các bệnh tự miễn, nhưng hàng loạt xét nghiệm đều cho kết quả âm tính.
Người phụ nữ trở lại bệnh viện ba tuần sau đó, lần này lại phàn nàn vì mình bị sốt và ho. Các bác sĩ lúc này bắt đầu tìm được những manh mối đầu tiên gây ra tình trạng của bà sau khi chụp CT để tìm hiểu những chi tiết bên trong cơ thể.
Cụ thể, bác sĩ nhận thấy một số điểm tổn thương dường như đang di chuyển nhưng vẫn chưa thể đưa ra kết luận gì. Tới năm 2022, bệnh nhân bắt đầu bị đãng trí và trầm cảm trong 3 tháng. Kết quả chụp cắt lớp (MRI) não cho thấy một ánh sáng kỳ lạ ở vùng thùy trán bên phải của bà.
Theo bác sĩ về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Quốc gia Australia và bệnh viện Canberra, Sanjaya Senanayake, ánh sáng này cho thấy bệnh nhân có thể có khối u hoặc một túi mủ.
Bác sĩ phẫu thuật thần kinh Hari Priya Bandi lúc đó đã quyết định thực hiện sinh thiết não của người phụ nữ, theo đó họ sẽ lấy một phần mô nhỏ của bệnh nhân để xét nghiệm.
Trong quá trình thực hiện, bác sĩ phát hiện một cấu trúc kỳ lạ giống như lò xo và dùng kẹp gắp ra, không ngờ đó lại là một con giun màu đỏ hồng đang quằn quại, dài 8cm. Nhóm nghiên cứu đã rất kinh ngạc khi phát hiện ra đó là loại giun Ophidascaris robertsi, thường không lây nhiễm sang người. Vật chủ thông thường của chúng là rắn và các loài động vật có vú nhỏ như trăn thảm, chuột hoặc thú có túi.
Trên thực tế, đây là lần đầu tiên trên thế giới, loại ký sinh trùng này được tìm thấy ở người. Trong báo cáo do CDC công bố, nhóm nghiên cứu viết: “Bệnh nhân cư trú gần khu vực hồ có trăn thảm sinh sống. Mặc dù không tiếp xúc trực tiếp với trăn, cô ấy thường hái các loại rau xanh xnng quanh hồ để nấu ăn. Chúng tôi cho rằng có thể bà ấy đã vô tình tiêu thụ trứng của loài giun này một cách trực tiếp từ cây cối, hoặc trong quá trình nấu nướng”.
XEM THÊM: Liên tục ăn trưa với gà rán, huyết tương chàng trai chuyển màu bất thường
Sau khi gắp con giun ra, các bác sĩ tiến hành điều trị cho bệnh nhân bằng thuốc diệt ký sinh trùng, giúp cải thiện các triệu chứng. Bệnh nhân hiện đang hồi phục tốt và đang được theo dõi thường xuyên. Các nhà nghiên cứu cũng đang tìm hiểu liệu tình trạng bệnh lý trước đó khiến người phụ nữ này bị suy giảm hệ miễn dịch có dẫn đến việc bệnh nhân bị ấu trùng xâm nhập hay không.
Cụ bà 78 tuổi có sỏi san hô to như củ gừng ở thận trái
Báo Đồng Nai đưa tin, các bác sĩ Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai vừa phẫu thuật thành công, lấy sỏi san hô tái phát to như củ gừng ra khỏi thận trái cho bà C.T.H. (78 tuổi, ngụ huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai).
Trước đó, người bệnh nhập viện trong tình trạng đau âm ỉ hông lưng trái, đau từng cơn kèm tiểu buốt tái diễn nhiều lần. Qua thăm khám, bác sĩ phát hiện bà H. có sỏi san hô phức tạp, tái phát ở thận trái, kích thước lớn, cần phẫu thuật kịp thời để tránh nguy cơ biến chứng.
Trong khoảng 1,5 giờ đồng hồ, các bác sĩ đã phẫu thuật, loại bỏ hoàn toàn viên sỏi san hô kích thước khoảng 8cm, từng cụm sỏi như những nhánh gừng ra khỏi cơ thể người bệnh. Đến nay, bệnh nhân đã bình phục sức khỏe và được xuất viện.
Bác sĩ CKI Bùi Khắc Thái - phẫu thuật viên chính cho biết, đây là ca bệnh rất phức tạp do người bệnh đã cao tuổi, lại mắc bệnh cao huyết áp, 10 năm trước từng mổ hở lấy sỏi cùng bên thận trái.
Nguy cơ chảy máu, dính và khó bóc tách trong quá trình phẫu thuật rất cao. Đặc biệt, trường hợp này là ca bệnh sỏi tái phát, sỏi phân bố nhiều nhánh cài vào các đài thận, lấp đầy ở cả 3 đài thận trái của người bệnh, gây ứ nước độ 1.
Bác sĩ Thái nói thêm, sỏi thận san hô ít gây triệu chứng đau tức nên khi phát hiện thì sỏi đã lớn. Nếu không được điều trị có thể gây nhiều biến chứng như nhiễm khuẩn niệu nặng do sỏi, suy thận, nhiễm độc toàn thân, từ đó dẫn đến tử vong.
Theo khuyến cáo của bác sĩ Thái, người dân cần uống đủ từ 2-2,5 lít nước lọc/ngày. Thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ từ 3-6 tháng/lần. Khi bị đau vùng thắt lưng hoặc tiểu máu, tiểu buốt người bệnh nên đến bệnh viện để kiểm tra, không nên tự ý dùng thuốc tại nhà.
Bé 11 tuổi tổn thương nhiều vùng cơ thể vì thuốc pháo nổ
Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, bé trai 11 tuổi ở TP.Sông Công (tỉnh Thái Nguyên) bị tai nạn thương tích nặng liên quan đến pháo nổ. Người nhà kể lại, bệnh nhi bị thuốc pháo nổ, sau tai nạn nhập viện trong tình trạng tổn thương nhiều vùng cơ thể.
Kết quả lâm sàng tại Bệnh viện A Thái Nguyên cho thấy, vùng mặt bệnh nhi có nhiều vết thương nhỏ, kích thước khoảng 1-2 cm/mỗi vết thương, mắt phải xung huyết. Vùng ngực có nhiều vết thương và mảnh kính nhỏ ngăm vào da.
Vùng mông đùi hai bên và cẳng chân phải có nhiều vết thương tổn thương nông từ 1- 3 cm tổ chức da dập nát. Tổn thương pháo gây khuyết phần mềm mu bàn chân phải lộ gân kích thước 4x5 cm, gãy đốt bàn ngón V chân phải, gãy đốt gần ngón V chân phải, vỡ xương gót do sức ép của chất nổ.
Ths. BS Lại Thành Đạt – khoa Ngoại Chấn Thương Bệnh Viện A Thái Nguyên, bác sĩ phẫu thuật chính cho biết, tai nạn do pháo nói chung và pháo nổ tự chế nói riêng đều rất nguy hiểm, không chỉ gây bỏng do tỏa ra nhiệt lượng mà còn có sức công phá gây các vết thương nghiêm trọng.
Theo khuyến cáo của bác sĩ, khi trẻ bị bỏng pháo nổ, nếu bỏng vùng mặt thì dùng khăn ướt đắp vào mặt, còn nếu bị bỏng ở người, chân, tay… thì cần ngâm bộ phận bị bỏng vào trong nước mát hoặc xả nhẹ vòi nước sạch vào vùng bỏng ít nhất khoảng 15 phút. Việc này có tác dụng làm giảm độ sâu của bỏng và làm giảm cảm giác đau đớn cho trẻ.
Nếu quần áo dính vào vết bỏng, tuyệt đối không được làm mọi cách để gỡ ra vì sẽ làm rách vùng da bị bỏng, gây khó khăn cho quá trình trị liệu về sau. Không được bôi hóa chất (dầu gió, nước vôi), kem đánh răng, nhựa chuối, nước mắm, mỡ trăn và đặc biệt là thảo dược không rõ nguồn gốc vào vùng bị bỏng vì có thể sẽ khiến trẻ bị nhiễm trùng và tổn thương nghiêm trọng hơn.
Nếu bị bỏng ở mắt do hóa chất bắn vào thì phải rửa mắt ngay bằng nước sạch để loại bỏ hóa chất càng sớm càng tốt, sau đó dùng vải mỏng băng mắt lại và đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và điều trị kịp thời.
Đinh Kim (T/h)