Xương gà đâm thủng qua phế quản, mắc kẹt trong phổi người đàn ông
Báo Tin Tức đưa tin chiều 30/10, bác sĩ CKII Cao Minh Thông - khoa Ngoại Tim mạch Lồng ngực Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cho biết, các bác sĩ vừa gắp thành công một mảnh xương gà dài 6cm nằm trong phế quản của một bệnh nhân nam 45 tuổi ngụ tại TP.HCM. Đây là trường hợp mắc dị vật hy hữu, hiếm gặp.
Theo chia sẻ của người nhà bệnh nhân, trước khi nhập viện, bệnh nhân bị ho, sốt, khạc đàm kéo dài nhiều ngày. Gia đình đã đưa bệnh nhân đi thăm khám tại bệnh viện gần nhà nhưng tình trạng vẫn không cải thiện.
Tại khoa Cấp cứu Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, sau khi tiến hành thăm khám và thực hiện chụp MSCT ngực, các bác sĩ chẩn đoán nam bệnh nhân mắc dị vật phế quản, xẹp toàn bộ thùy dưới phổi bên phải.
Kết quả MSCT ngực cho thấy dị vật nằm trong thùy dưới phổi phải đâm ra màng phổi gây tràn khí màng phổi khu trú, viêm thùy dưới phổi phải. Sau khi thực hiện hội chẩn, các bác sĩ khoa Ngoại lồng ngực và Phẫu thuật gây mê hồi sức đã tiến hành nội soi lồng ngực để tìm dị vật, kết quả đã gắp ra đoạn xương gà dài 6cm.
“Đây là một trường hợp hiếm gặp. Dị vật được phát hiện là một đoạn xương dài 6cm đâm thủng qua phế quản, đi xuyên qua phổi làm thủng màng phổi và mắc kẹt lại trong phổi của bệnh nhân.
May mắn là gia đình đã đưa bệnh nhân nhập viện kịp thời để các bác sĩ thực hiện nội soi khẩn cấp gắp dị vật nhằm bảo toàn chức năng phổi cho người bệnh, tránh các biến chứng nguy hiểm do dị vật mang lại”, bác sĩ Cao Minh Thông cho biết.
Theo bác sĩ Cao Minh Thông, dị vật trong phổi có thể gây ra những triệu chứng rất rõ ràng ở người bệnh như ho nhiều, ho dai dẳng, ăn uống kém, tình trạng sốt bất thường, khó thở…
XEM THÊM: Cảnh báo về nguy cơ biến chứng nặng ở người bệnh đái tháo đường mắc sốt xuất huyết
Người bị dị vật đường thở thường đối mặt với nhiều biến chứng như viêm phế quản, viêm phổi cấp, xẹp phổi, tràn khí màng phổi, thậm chí là tử vong do ngạt thở cấp.
Theo đó, người bệnh khi có những triệu chứng điển hình như trên cần nhanh chóng đến bệnh viện để được thăm khám và chẩn đoán kịp thời, tránh các biến chứng nặng có thể xảy ra.
Bệnh nhân 62 tuổi khó thở, tức ngực sau khi tiêm thuốc tê
Báo Sức Khỏe & Đời Sống dẫn thông tin từ Bệnh viện Đa Khoa khu vực Cẩm Phả, Quảng Ninh cho biết vào 23h ngày 28/10, đơn vị tiếp nhận bệnh nhân D. (62 tuổi, trú tại Phường Cửa Ông, TP.Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) trong tình trạng tê bì tay chân, tức ngực, khó thở.
Theo gia đình bệnh nhân, trước đó khoảng 2 giờ, bệnh nhân D. có đau răng và đến khám tại Phòng khám Răng Hàm Mặt tư nhân ở Cửa Ông. Tại đây, bệnh nhân D được tiêm thuốc tê để chữa răng.
Sau khi tiêm, bệnh nhân xuất hiện tình trạng tê bì tay chân, khó thở, tức ngực... và được bác sĩ của Phòng khám Răng Hàm Mặt cấp cứu. Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện cấp cứu.
Sau khi tiếp nhận ca bệnh, kíp y bác sĩ trực của bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả kiểm tra và xác định đây là ca ngộ độc thuốc tê toàn thân và tiến hành cấp cứu theo phác đồ xử trí ngộ độc thuốc tê.
Sau khoảng 3 giờ cấp cứu, bệnh nhân đã ổn định, chuyển khoa Hồi sức tích cực chống độc tiếp tục điều trị. Ngày 30/10, bệnh nhân đã khỏi và được ra viện.
Bác sĩ CKII.Đỗ Ngọc Lâm - Trưởng khoa Phẫu thuật Gây mê hồi sức cho biết: "Trường hợp ngộ độc thuốc tê này rất dễ nhầm với trường hợp sốc phản vệ thuốc do có các biểu hiện lâm sàng ban đầu tương đối giống nhau.
Các bác sĩ trực đã chẩn đoán chính xác và khẩn trương cấp cứu đúng phác độ ngộ độc thuốc tê nên tình trạng của bệnh nhân nhanh chóng được cải thiện. Ngộ độc thuốc tê là trường hợp ít gặp nhưng nếu không được xử trí đúng và kịp thời có thể dẫn đến tử vong".
Nguyên nhân khiến bệnh nhân 23 tuổi bị tắc ruột
Theo thông tin trên VietNamNet, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình cho biết các bác sĩ tại đây vừa tiếp nhận bệnh nhân G.T.V.A (23 tuổi, trú tại Hoa Lư, Ninh Bình) vào viện với tình trạng đau chướng bụng, buồn nôn, nôn, bí trung đại tiện.
Trước đó, bệnh nhân ăn quả hồng ngâm, có biểu hiện đau bụng âm ỉ thượng vị, đến ngày thứ 10, đau bụng dữ dội từng cơn và đến khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình. Người bệnh được làm các xét nghiệm, chiếu chụp cần thiết và chẩn đoán tắc ruột do bã thức ăn tại ruột non, dạ dày.
V.A được chỉ định phẫu thuật mở bụng làm tan bã thức ăn ở ruột non đẩy xuống đại tràng kết hợp lấy bã tại dạ dày. Sau phẫu thuật 7 ngày, bệnh nhân hồi phục ổn định, vết mổ liền khô, ít đau, tự đi lại, ăn uống được.
Theo các bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp, người bị tắc ruột do bã thức ăn cần phẫu thuật cấp cứu, chậm trễ có nguy cơ vỡ ruột, nhiễm trùng ổ bụng, rối loạn điện giải, nhiễm trùng máu, thậm chí tử vong.
Khi có các triệu chứng đau, chướng bụng bất thường tuyệt đối không nên chủ quan, tự ý mua thuốc uống mà hãy đến cơ sở y tế uy tín để được khám và chẩn đoán chính xác và có hướng can thiệp kịp thời.
Quả hồng là trái cây được ưa chuộng tại Việt Nam. Tuy nhiên, các cơ sở y tế vẫn thường xuyên tiếp nhận nhiều trường hợp bị tắc ruột do ăn hồng.
Do đó, bác sĩ khuyến cáo người dân không nên ăn quá nhiều hồng, lúc đói hoặc ăn chung với thực phẩm có nhiều chất đạm. Tránh nuốt trực tiếp các thức ăn cứng, dai vì có thể tạo thành nhân cho các thực phẩm khác kết dính vào.
Đinh Kim (T/h)