Xót xa bé gái bị 4 con chó tấn công khi cùng bố đến chỗ làm
VTC News dẫn thông tin từ bác sĩ CKI Lê Tuấn Anh - Phó trưởng khoa Chỉnh hình Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh viện mới tiếp nhận bé gái N.L (7 tuổi, ở Hà Nội) nhập viện do bị 4 con chó tấn công.
Trước đó, bé N.L được bố đưa đến nơi làm việc, trong lúc bố không để ý, bé bị 4 con chó lao vào tấn công, gây ra hàng trăm vết thương trên cơ thể. Theo lời của người thân bé L., 4 con chó cắn được chủ nhà nuôi nhốt nhưng tại thời điểm xảy ra sự việc, chúng được thả rông, không đeo rọ mõm.
Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhi, nhận định đây là một ca chó cắn rất nghiêm trọng, các bác sĩ đã hồi sức cấp cứu, giảm đau và đưa thẳng bệnh nhi vào phòng phẫu thuật cắt lọc, làm sạch các vết thương có lẫn đất, cát, lông chó cho trẻ. Trong số các vết thương, có vế dài gần 13cm.
Sau phẫu thuật, cháu bé đã thoát khỏi nguy hiểm. Bệnh nhi cũng đã được tiêm phòng bệnh dại và uốn ván để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, tâm lý của bé vẫn còn bị sang chấn nặng nề.
Bác sĩ Lê Tuấn Anh chia sẻ, các gia đình nuôi chó, mèo tại nhà cần phải tiêm phòng cho vật nuôi đầy đủ, tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Ngoài ra, không thả rông vật nuôi, chó khi ra đường phải được đeo rọ mõm. Trường hợp nuôi nhốt, cần phải có vùng nuôi chó rõ ràng, cách xa khu dân cư, khu sinh hoạt cộng đồng.
Khi trẻ bị chó, mèo cắn, cào, liếm vào vết xước, cha mẹ hay người chăm sóc trẻ cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy càng sớm càng tốt, rửa vết thương bằng xà phòng và nước hoặc bằng các chất có tác dụng diệt khuẩn như cồn iode, cồn 70 độ hoặc rượu mạnh, xà phòng, dầu gội, dầu tắm.
Người lớn khẩn trương đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu, đánh giá vết thương, tư vấn tiêm chủng vaccine và huyết thanh theo từng trường hợp cụ thể. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc uống, bôi, đắp vào vết thương hoặc tự chữa bằng các mẹo dân gian gây nguy hiểm đến sức khoẻ và tính mạng của trẻ.
Điều trị cho em bé mắc bệnh Whitmore
Khoa Răng Hàm Mặt Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, khoa đã tiếp nhận và điều trị thành công cho bệnh nhi V.T.N.T (4,5 tuổi, ở Con Cuông) mắc bệnh Whitmore - Vi khuẩn ăn thịt người.
Báo Nghệ An dẫn lời kể của gia đình cho hay, từ ngày 14/9, trẻ có biểu hiện sốt cao 39 độ C; sốt theo cơn, kèm sưng đau vùng mang tai hai bên. Sau 7 ngày điều trị tích cực ở bệnh viện nhưng bệnh vẫn không đỡ và có diễn biến ngày càng nặng nên ngày 24/9, trẻ được chuyển tuyến đến Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An khám và điều trị.
Bệnh nhi V.T.N.T nhập vào Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An trong tình trạng sốt cao kéo dài, sưng đau vùng mang tai hai bên đã 10 ngày. Sau khi nhập viện, bệnh nhi đã được chẩn đoán: Viêm tấy lan toả vùng mang tai hai bên, theo dõi nhiễm khuẩn huyết.
Qua kết quả xét nghiệm, các bác sĩ xác định trẻ dương tính với vi khuẩn ăn thịt người Burkholderia pseudomalle (thường được gọi với tên Whitmore). Đây là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao.
Bệnh nhi đã được điều trị tích cực theo phác đồ điều trị bệnh Whitmore, dẫn lưu mủ tại chỗ, nâng cao thể trạng. Sau hơn 1 tháng điều trị tại khoa Hồi sức tích cực và Khoa Răng Hàm Mặt, bệnh nhi đã khỏi bệnh hoàn toàn và không để lại di chứng sau này.
Theo các bác sĩ khoa Răng Hàm Mặt Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, hiện tại đang mùa mưa, là thời điểm thuận lợi để vi khuẩn bệnh Whitmore phát triển. Những người lao động phải tiếp xúc nhiều với môi trường đất và nước nên có phương tiện bảo hộ lao động phù hợp để tránh vi khuẩn lây nhiễm vào cơ thể.
Đặc biệt, những ai có các vết thương, mụn nhọt… cần tránh tiếp xúc trực tiếp với bùn, đất, nguồn nước ô nhiễm. Nếu không may bị nhiễm bẩn cần phải được rửa sạch bằng xà phòng kháng khuẩn và lau khô. Khi có biểu hiện nghi ngờ bệnh thì phải đến ngay cơ sở y tế để được làm xét nghiệm phát hiện vi khuẩn sớm và dùng kháng sinh phù hợp.
Kích hoạt báo động đỏ toàn viện cứu bệnh nhân gặp tai nạn giao thông
Báo Sức Khỏe & Đời Sống đưa tin, Trung tâm Y tế TP.Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) vừa phẫu thuật cấp cứu kịp thời bệnh nhân sốc, đa chấn thương - vỡ lách, dạ dày, ruột non, đụng dập thận trái, nhu mô phổi trái do tai nạn giao thông. Với tình trạng này, bệnh nhân có thể tử vong ngay lập tức do sốc mất máu nếu không được cấp cứu, phẫu thuật kịp thời.
Cụ thể, bệnh nhân N.V.P (43 tuổi, phường Trà Cổ, TP.Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) được đưa đến Trung tâm Y tế TP.Móng Cái sau tai nạn giao thông trong tình trạng sốc, mạch nhanh, huyết áp tụt.
Ngay khi vào viện bệnh nhân nhanh chóng được thực hiện các xét nghiệm, siêu âm ổ bụng tại giường. Quá trình siêu âm ổ bụng cho thấy hình ảnh chấn thương lách, nhiều khí và dịch tự do ổ bụng.
Ngay lập tức kíp trực đã kích hoạt báo động đỏ toàn viện, cấp cứu xử trí tổn thương, khẩn trương chuyển bệnh nhân xuống phòng mổ. Khi các bác sĩ tiến hành mở ổ bụng thấy khoảng 2000 ml máu đỏ tươi, lẫn máu cục kèm theo dịch thức ăn, lách có đường vỡ từ nhu mô tới rốn lách, đứt cuống mạch lách.
Mặt sau dạ dày có đường vỡ đường kính 4cm, trào dịch thức ăn vào hậu cung mạc nối. Thủng ruột non 2 lỗ đường kính lần lượt 1,5cm và 0,5cm kèm rách thanh mạc đại tràng ngang, chấn thương dập cực trên thận trái.
Bệnh nhân vừa được hồi sức tích cực, truyền máu, chống sốc trong suốt quá trình phẫu thuật. Đối với các tổn thương đa tạng, các bác sĩ đã tiến hành khâu cầm máu buộc cuống mạch lách, cắt lách, khâu lỗ thủng dạ dày, khâu lỗ thủng ruột non, khâu thanh mạc đại tràng ngang, lau rửa sạch ổ bụng, đặt dẫn lưu.
XEM THÊM: 10 năm vác khối u "khổng lồ" sau gáy khiến người phụ nữ đau khổ
Sau 5 ngày phẫu thuật, bệnh nhân thoát nguy kịch, sức khỏe dần phục hồi, tỉnh táo, giao tiếp tốt với các y bác sĩ điều trị. Hiện nay sức khỏe bệnh nhân đã ổn định và đủ điều kiện ra viện.
Theo các bác sĩ Trung tâm Y tế TP.Móng Cái, đây là một trong những ca chấn thương phức tạp, nguy kịch không thể trì hoãn hay chuyển tuyến trên, đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa các chuyên khoa đảm bảo phẫu thuật diễn ra nhanh chóng, kịp thời, nâng cao tỷ lệ cứu sống người bệnh. Đội ngũ phẫu thuật viên phải quyết đoán, thao tác chính xác trong xử trí tổn thương, tránh nguy cơ sốc mất máu dẫn đến tử vong cho người bệnh.
Đinh Kim(T/h)