Sợi thép đâm xuyên qua amidan trái của bé 13 tháng tuổi
Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, các bác sĩ khoa Tai - Mũi - Họng đã tiến hành gắp thành công dị vật là sợi thép rơi ra từ dụng cụ lọc cháo ăn dặm, đâm xuyên qua amidan trái của bé gái D.A (13 tháng tuổi, ở Nam Định).
Theo lời kể của người nhà, trưa ngày 28/9, bệnh nhi đang ăn cháo bỗng nhiên bỏ ăn, ho sặc sụa và nôn nhiều. Ban đầu, gia đình chỉ nghĩ con bị viêm họng nên ho và nôn trớ nhưng đến chiều tối thấy con nôn kèm máu, gia đình vội vàng đưa đến bệnh viện tỉnh để thăm khám.
Tại đây, bệnh nhi được chỉ định chụp X-quang cổ ngực và được chẩn đoán theo dõi dị vật kim loại vùng sàn họng - miệng rồi chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục điều trị. Sau khi thăm khám, soi họng và đọc kết quả phim X-Quang, các bác sĩ xác định có dị vật kim loại đâm xuyên qua amidan bên trái của bệnh nhi.
“Nhận thấy dị vật mắc ở vị trí phức tạp, nguy cơ chảy máu cao, chúng tôi đã nhanh chóng cho trẻ làm các xét nghiệm cần thiết rồi chuyển lên phòng mổ, gây mê và tiến hành gắp dị vật lấy ra được sợi thép nhỏ nhưng rất cứng và nhọn 2 đầu, dài 2cm”, báo Kinh Tế Đô Thị dẫn lời bác sĩ Nguyễn Khắc ở khoa Tai – Mũi – Họng, cũng là người trực tiếp gắp dị vật cho bệnh nhi.
Sợi thép này đâm xuyên từ cực trên xuống cực dưới amidan bên trái của bệnh nhi, rất may dị vật chưa xuống sâu hơn nên không gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Nếu không được gắp ra kịp thời, đoạn kim loại này có thể gây nhiễm trùng và chảy máu, dẫn đến những hậu quả khó lường. Dị vật nguy hiểm được xác định là rơi ra từ rây lưới thép để lọc đồ ăn, bị lẫn vào cháo của trẻ trong quá trình chế biến. Hiện tại, tình trạng của bệnh nhi đã ổn định và được xuất viện.
“Trước đây em chỉ nghĩ trẻ có thói quen ngậm đồ chơi, cho các vật vào miệng mới dễ bị hóc dị vật, em không ngờ những vận dụng hàng ngày lại có thể mang lại nguy hiểm như thế. Lúc em được bác sĩ cho xem hình ảnh sợi thép đâm qua amidan của con, em đã rất hoảng hốt, có những thứ tưởng chừng không nguy hiểm nhưng nếu không cẩn thận lại gây nguy hiểm rất lớn”, mẹ của bệnh nhi vẫn vẫn chưa hết bàng hoàng sau khi con gái bị mắc dị vật.
Bé 15 tuổi uống nhầm 21 viên thuốc tránh thai
Theo báo Công Lý, bệnh nhi N.V.K. (15 tuổi, ở huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) được gia đình đưa đến Trung tâm Y tế huyện Ninh Giang cấp cứu do uống nhầm thuốc trị ho thành thuốc tránh thai.
Gia đình cho biết, bệnh nhi bị viêm họng, ho nên được mẹ đi mua thuốc cho uống. Sau khi mua, mẹ để thuốc trên tủ, bên cạnh có vỉ thuốc tránh thai Marvenol (uống theo liệu trình 21 viên) và dặn con lấy thuốc uống.
Sau khi mẹ đi, bệnh nhi đã lấy vỉ thuốc Marvenol và uống hết 21 viên. Sau 4 tiếng, mẹ phát hiện con trai uống nhầm thuốc tránh thai của mình nên đã đưa đến Trung tâm Y tế huyện Ninh Giang thăm khám.
Các bác sĩ thông tin, khi vào viện, bệnh nhi tỉnh, ý thức tốt, không nôn, không sốt, không tê liệt tứ chi, không tê môi, không đắng miệng. Bệnh nhi cũng không co giật, không phù, không xuất huyết dưới da, không đau bụng, không đi ngoài, tim đều rõ.
Huyết áp của người bệnh đo được 120/80mmHg, bụng không chướng sờ mềm, phản ứng thành bụng âm tính, tiết liệu cầu vồng quang âm tính, xương khớp vận động bình thường. Lú này, bệnh nhi được bác sĩ chẩn đoán theo dõi ngộ độc thuốc tránh thai Marvenol giờ thứ 4.
Theo bác sĩ CKI Phan Huy Mãi – khoa Ngoại, kíp trưởng cấp cứu tiếp nhận bệnh nhi, đây là lần đầu tiên tiếp nhận trường hợp nam giới uống nhầm thuốc tránh thai của nữ. Rất may gia đình phát hiện sớm, kịp đưa bệnh nhi đi cấp cứu.
Tiếp nhận bệnh nhi, kíp cấp cứu nhanh chóng xử lý theo phác đồ lập đường truyền, đặt xông dạ dày bơm rửa dạ dày để loại bỏ thuốc bệnh nhi đã uống. Quá trình hút dịch dạ dày người bệnh có ra ít thức ăn và dịch tiêu hoá màu đục sữa không mùi thuốc photpho hữu cơ. Sau đó, kíp cấp cứu tiến hành rửa 8 lít dịch Natri clorua ấm. Khi xử lý xong, bệnh nhi tỉnh táo được đưa đi kiểm tra với kết quả bình thường.
Các bác sĩ chia sẻ, loại thuốc tránh thai mà bệnh nhi uống nhầm chỉ có tác dụng trên nữ giới, cơ bản lành tính, không có nghiên cứu tác dụng của thuốc với nam giới. Nếu có tổn thương đến gan, thận thì phải sau 62 tiếng. Do đó, sau khi bệnh nhi xuất viện, gia đình vẫn cần theo dõ sức khoẻ, kiểm tra lại.
Cứu sống bệnh nhân bị sốt rét ác tính biến chứng suy đa tạng
Báo Nhân Dân thông tin, nam bệnh nhân 64 tuổi (quốc tịch Bỉ) có nhiều bệnh lý nền: Suy tim do nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp, đái tháo đường, nhóm máu rất hiếm gặp (Rh-). Bệnh nhân là giáo sư về nông nghiệp đã đi rất nhiều nước trên thế giới (châu Phi, châu Á…) và có nhiều đóng góp cho nghiên cứu nông nghiệp tại Việt Nam.
Ngày 17/9, sau chuyến công tác tại Bờ biển Ngà để thực hiện chuỗi dự án về hạt điều, bệnh nhân về Việt Nam, sau đó xuất hiện sốt cao, đi ngoài phân lỏng, khám tại một bệnh viện ở Hà Nội phát hiện số lượng tiểu cầu rất thấp (tiểu cầu 12 G/L), rối loạn nhịp thất thành từng cơn.
Vì tình trạng bệnh phức tạp, bệnh nhân lại có nhiều bệnh nền nên đã được chuyển tới Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai. Trực tiếp điều trị cho bệnh nhân, ThS.BS Nguyễn Bá Cường - Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai cho hay người bệnh nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch, xét nghiệm tiểu cầu chỉ còn 8 G/L, kháng thể kháng Dengue dương tính yếu, suy tim rất nặng (EF 20%).
Bệnh nhân được điều trị tích cực và chăm sóc đặc biệt nhưng sau 2 ngày tình trạng không cải thiện, các bác sĩ quyết định phải sử dụng kỹ thuật cao nhất trong hồi sức tích cực là kỹ thuật tim phổi nhân tạo (ECMO). Dựa vào kinh nghiệm lâm sàng, các bác sĩ nhận thấy diễn biến bệnh không giống sốt xuất huyết Dengue nên Trung tâm Hồi sức tích cực đã tiến hành hội chẩn toàn viện với sự tham gia của các chuyên khoa sâu trong bệnh viện như Bệnh nhiệt đới, Huyết Học, Dược lâm sàng, Tim Mạch, Phẫu thuật lồng ngực và mạch máu…
Cuối cùng, các bác sĩ kết luận bệnh nhân bị sốt rét ác tính biến chứng suy đa tạng. Ngay sau đó, bệnh nhân đã được sử dụng thuốc chống sốt rét, truyền các chế phẩm máu và duy trì ECMO. Việc duy trì ECMO trong thời gian dài với bệnh nhân này rất khó khăn trong quá trình theo dõi do tiểu cầu thấp không thể sử dụng được chống đông, nguy cơ tắc quả tim phổi nhân tạo và nguy cơ nhồi máu tái diễn.
Nếu tiếp tục cho bệnh nhân dùng chống đông thì nguy cơ chảy máu ồ ạt rất cao. Trong khi đó, bệnh nhân thuộc nhóm máu hiếm nên việc huy động số lượng lớn máu là bất khả thi. May mắn, sau 8 ngày chạy ECMO và truyền khoảng 20 lít máu thuộc nhóm máu hiếm (Rh-), tình trạng bệnh nhân cải thiện dần và được kết ECMO vào ngày 4/10, ngừng thở máy vào ngày 9/10.
Sau 4 tuần được điều trị, chăm sóc bởi các nhân viên y tế của Trung tâm Hồi sức tích cực, bệnh nhân đã vượt qua nguy kịch, các chỉ số dần hồi phục. Ngày 13/10, bệnh nhân được chuyển viện, chăm sóc một thời gian trước khi đủ điều kiện sức khỏe để trở về Bỉ.
Đinh Kim(T/h)