Bé trai 7 tuổi bị viêm não hoại tử rất hiếm gặp
VietNamNet thông tin, bệnh nhi B.D.M (7 tuổi, ở quận 12, TP.HCM) bị sốt cao lên tới 39 độ C vào ngày thứ hai. Bệnh nhi không phản ứng khi người nhà gọi, lên cơn co giật. Gia đình vội đưa bệnh nhi đến Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cấp cứu.
PGS.TS.BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên, Trưởng khoa Hồi sức Nhiễm, cho biết thời điểm cấp cứu, bệnh nhi không tỉnh, co giật toàn thân. Các bác sĩ nhanh chóng cho bệnh nhi thở oxy, chống co giật, sử dụng thuốc kháng sinh, kháng virus, chống phù não, bên cạnh đó, tiến hành các xét nghiệm chẩn đoán nguyên nhân.
Chụp CT não ghi nhận có tổn thương giảm đậm độ nhu mô não vùng đồi thị, bán cầu đại não 2 bên và thân não. Bệnh nhi vẫn sốt cao liên tục, tri giác không cải thiện. Sau 24 giờ nhập viện, bệnh nhi xuất hiện nhiều cơn co gồng, phù não, mê, suy hô hấp, giảm huyết áp. Các xét nghiệm sau đó cho thấy có phản ứng viêm tăng cao và tổn thương gan nặng.
Kết quả chụp MRI não ghi nhận nhiều ổ hoại tử, xuất huyết và phù não lan tỏa 2 bên, phù hợp với tình trạng viêm não hoại tử. Bệnh nhi lập tức được chuyển đến khoa Hồi sức Nhiễm điều trị phù não, giúp thở, chống sốc… Xét nghiệm PCR dịch tiết hô hấp có kết quả dương tính với virus cúm A.
Sau 10 ngày điều trị, tình trạng suy hô hấp, sốc có cải thiện, tri giác tiến triển nhưng chậm. Bé được chuyển đến khoa Nhiễm - Thần Kinh điều trị duy trì bằng thuốc ức chế miễn dịch. Sau 2 tháng điều trị, bệnh nhi cải thiện hoàn toàn về tri giác, nhận thức và vận động, tất cả giác quan bình thường.
Được biết, thông thường, viêm não hoại tử có tiên lượng kém, tỷ lệ tử vong và di chứng thần kinh nặng cao. Do đó, sự phục hồi của bệnh nhi 7 tuổi được các bác sĩ đánh giá là rất ngoạn mục.
Theo Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, đây là trường hợp viêm não hoại tử đầu tiên ghi nhận tại đây. Trẻ có bệnh cảnh thường thấy như sốt, co giật và rối loạn tri giác nhưng nhờ các kết quả hình ảnh, xét nghiệm, sự phối hợp của các khoa, bệnh nhi đã được chẩn đoán nhanh và đúng bệnh. Từ đó, bệnh nhi được điều trị thích hợp bằng thuốc ức chế miễn dịch, hồi sức tích cực sốc, suy hô hấp, phù não và được y bác sĩ chăm sóc tận tình suốt 2 tháng.
Suy thai vì tự ý bỏ dùng thuốc chữa hen
Theo Ths.BS Lã Quý Hương, khoa Hô hấp Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, chị P.T.H (ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) từng đến khám vào tháng 8, được chẩn đoán bị hen phế quản. Bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc giãn phế quản, dặn dò phải dùng đều đặn, đúng lịch để kiểm soát triệu chứng, đề phòng đợt cấp của hen.
Về nhà, chị uống thuốc khoảng 2 tuần thì thấy triệu chứng cải thiện, đỡ khó thở. Vì nghĩ bệnh đã khỏi, dùng thuốc nhiều trong thời kỳ mang thai sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi nên chị bỏ thuốc.
1 tháng sau, chị H. bị ho, khò khè, khó thở nhiều, phải nhập viện điều trị. Bệnh nhân lên cơn hen cấp tính, có dấu hiệu suy hô hấp, nguy hiểm tính mạng nếu không đến viện kịp. Đặc biệt, thai nhi có dấu hiệu nhẹ cân so với tuổi thai.
"Đây là hậu quả của việc bỏ thuốc chữa hen. Người mẹ bị thiếu oxy đồng nghĩa với thai nhi, không nhận đủ lượng oxy cần thiết, chậm tăng trưởng dẫn đến nhẹ cân", VnExpress dẫn lời bác sĩ Hương.
Sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân đã ổn định sức khỏe và được xuất viện hôm 8/10. Bác sĩ khuyên chị nên tuân thủ phác đồ thuốc, tái khám định kỳ, hướng dẫn tập một số bài tập phục hồi chức năng phổi dành riêng cho bà bầu. Sau thời gian dùng thuốc đều đặn, bệnh nhân cho biết không còn khó thở, sức khỏe tiến triển tốt.
Bé sơ sinh bị lộ toàn bộ ruột ra ngoài thành bụng
Bệnh viện Đa khoa Sơn La cho biết đơn vị này vừa tiếp nhận và điều trị thành công cho bệnh nhi sơ sinh G.T.T.G. (dân tộc Mông, trú tại Bản Chom Cọ, xã Tạ Bú, huyện Mường La, tỉnh Sơn La) bị lộ toàn bộ ruột ra ngoài thành bụng, theo báo Phụ Nữ Việt Nam.
Trước đó, bệnh nhi được gia đình đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng bị lộ toàn bộ ruột ra khỏi thành bụng. Người nhà kể, bé là con đầu, đẻ thường tại nhà. Sau đẻ, gia đình phát hiện bé bị lộ toàn bộ ruột ra khỏi thành bụng nên đưa hai mẹ con đi cấp cứu.
Tiếp nhận trẻ, các bác sĩ đã tiến hành hồi sức khẩn cấp, giữ vô trùng phần ruột bị sa ra ngoài, giữ nhiệt, kiểm soát dinh dưỡng cho bệnh nhi. Sau khi làm các chỉ định cận lâm sàng, bệnh nhi được hội chẩn cấp cứu toàn viện gồm các liên chuyên khoa: Khoa Nhi, khoa Ngoại tổng hợp, khoa Phẫu thuật gây mê – hồi sức.
Bệnh viện chẩn đoán bệnh nhi bị thoát vị khuyết hổng thành bụng bẩm sinh Gastroschisis. Đây là là tình trạng toàn bộ các tạng trong ổ bụng thoát ra ngoài qua khe hở thành bụng, các tạng có dấu hiệu viêm, phù nề, nhiều giả mạc bám.
Bệnh nhi được chỉ định phẫu thuật cấp cứu khẩn cấp. Khi tiến hành phẫu thuật bác sĩ sử dụng biện pháp gây mê Nội khí quản, mở rộng thành bụng, tạo hình và đưa ruột trở lại ổ bụng. Sau mổ, bệnh nhi được điều trị tại khoa Nhi bằng máy thở, nuôi dưỡng tĩnh mạch, bơm sữa qua sonde dạ dày, truyền kháng sinh chống nhiễm khuẩn. Hiện tại, sức khỏe bệnh nhi ổn định, ruột lưu thông bình thường, được theo dõi đặc biệt tại bệnh viện.
Chia sẻ về ca bệnh, bác sĩ Đinh Khắc Tường, khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Sơn La, cũng là người trực tiếp phẫu thuật cho hay, trường hợp này rất may mắn vì ngay sau khi chào đời bé được cấp cứu kịp thời. Thêm vào đó, tuy ruột của bệnh nhi bị sa ra ngoài nhưng rất may không bị thủng, không xoắn, không hoại tử.
Đinh Kim (T/h)