TP.HCM đưa nông dân đi nước ngoài học tập kinh nghiệm
Theo Người lao động, UBND TP.HCM vừa có quyết định phê duyệt Đề án "Tổ chức đưa nông dân đi học tập, trao đổi kinh nghiệm sản xuất và quảng bá hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm nông sản ở nước ngoài giai đoạn 2023-2025".
Theo đó, TP.HCM sẽ tổ chức đưa khoảng 90 nông dân, thành viên tổ hợp tác, hợp tác xã; doanh nghiệp khởi nghiệp trong nông nghiệp; chủ trang trại; cán bộ quản lý ngành, lĩnh vực nông nghiệp đi học tập, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu tiềm năng sản xuất nông nghiệp của thành phố tại các nước có nền sản xuất nông nghiệp phát triển tương đồng.
Người tham gia sẽ học tập triển khai các mô hình sản xuất và phân phối nông sản đạt các chứng nhận tiêu chuẩn trong sản xuất nông nghiệp: GlobalGAP, AsiaGAP, USDA organic, Euro-Leaf, JAS Organic phục vụ phân khúc xuất khẩu và tiêu dùng cao cấp.
Thời gian thực hiện trong 3 năm (2023-2025) tại các quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Israel, Úc bằng nguồn kinh phí ngân sách thành phố.
Mỗi năm sẽ tổ chức 2 đoàn đi học tập, trao đổi kinh nghiệm sản xuất và quảng bá hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm nông sản (riêng năm 2023 tổ chức 1 đoàn); mỗi đoàn không quá 18 thành viên.
Thành phần đi học tập là nông dân sản xuất hàng hóa, thành viên hợp tác xã, tổ viên tổ hợp tác, các cá nhân khác hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp và cán bộ quản lý.
Việc đưa nông dân đi học tập ở nước ngoài sẽ giúp thành phố bồi dưỡng nhân lực nông nghiệp trình độ cao, có đủ năng lực đáp ứng được yêu cầu chiến lược phát triển nền nông nghiệp đô thị, hiện đại của thành phố trong giai đoạn tới, thúc đẩy quá trình giao lưu và hội nhập quốc tế.
Sâu róm tàn phá rừng
Theo VnExpress, ngày 16/8, ông Nguyễn Phi Quỳnh, Trưởng ban quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh, cho biết dịch sâu róm xuất hiện tại các cánh rừng thông do đơn vị quản lý đầu năm 2023. Từ tháng 7 đến nay, sâu phát triển mạnh, mật độ 10-50 con một cây, cá biệt có cây 300-400 con sâu bám đầy thân.
"Sâu róm tại rừng thông lúc nào cũng có, nhưng chu kỳ 3-5 năm phát dịch một lần. Hiện nay sâu róm xuất hiện nhiều do độ ẩm lớn, mưa nắng thất thường", ông Quỳnh nói, cho biết những con sâu róm này thuộc thế hệ thứ 3, độ tuổi từ 3 đến 6.
Theo ông Quỳnh, sâu ăn lá khiến quá trình sinh trưởng của thực vật bị ảnh hưởng, cây thông có thể bị còi cọc và chết khi gặp thời tiết cực đoan, nắng nóng kéo dài. Do đó mỗi tuần, cán bộ chuyên môn đều phải dùng máy phun thuốc diệt sâu 1-2 lần.
Những khu vực có mật độ 300-400 con sâu róm mỗi cây thì phun 4-5 lần một tuần. Công việc này khá vất vả do địa hình núi cao và dốc.
Ban quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng với diện tích gần 10.000 ha, gồm cây thông thuần loài, thông xen keo, rừng tự nhiên và đất lâm nghiệp, trải dài trên địa bàn thị xã Hồng Lĩnh và các huyện Lộc Hà, Can Lộc, Nghi Xuân.
Sâu róm hay còn gọi là sâu lông, khi trưởng thành có lông chứa độc tố.
XEM THÊM:
Tin nóng 24h hôm nay ngày 17/8: Ba cán bộ công an hiến máu cứu bác sĩ mắc ung thư máu
Lộ trình hướng tới giảm đóng bảo hiểm xã hội xuống 10 năm, đủ điều kiện hưởng lương hưu
Tìm thấy thi thể 2 cháu bé bị đuối nước tại sông Đuống
Ngày 17/8, thông tin trên Sức khoẻ và Đời sống, ông Phạm Hoài Nam - Phó chủ tịch UBND phường Phúc Lợi, quận Long Biên (Hà Nội) cho biết, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể 2 cháu bé bị đuối nước tại sông Đuống.
Theo đó, vào hồi 3h sáng 17/8 tại khu vực Bến Lời thuộc xã Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội, thi thể 2 cháu T.T.A và cháu L.Q.L (cùng sinh năm 2010, trú tại phường Phúc Lợi) đã được tìm thấy. Ngay sau đó, UBND phường đã chỉ đạo các bộ phận chuyên môn phối hợp với gia đình 2 nạn nhân làm thủ tục để lo mai táng.
Trước đó, như đã đưa tin, vào khoảng 17h ngày 15/8, nhóm 4 cháu bé (khoảng 13 tuổi) đi bơi tại sông Đuống (thuộc địa phận phường Phúc Lợi, quận Long Biên) không may bị đuối nước, 2 cháu được người dân kịp thời cứu, 2 cháu còn lại bị mất tích.
Nhận được tin báo, lực lượng chức năng quận Long Biên cùng gia đình các nạn nhân đã có mặt tại hiện trường để tìm kiếm.
Việt Hương (T/h)