Ba cán bộ công an hiến máu cứu bác sĩ mắc ung thư máu
Thông tin trên Tiền phong, đầu năm 2023, bác sĩ Đặng Thị Huyền Trang, công tác tại bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An phát hiện mắc căn bệnh ung thư máu. Hiện, bác sĩ Trang đang phải cấp cứu, lượng tiểu cầu trong máu thấp báo động, cần gấp tiểu cầu nhóm B+.
Nhận được thông tin, Đại uý Nguyễn Thành Long, Đại uý Võ Tuấn Điệp và Thượng uý Nguyễn Văn Tú đã tạm gác nhiệm vụ, công việc và nhanh chóng có mặt tại Trung tâm huyết học truyền máu Nghệ An, hoàn thiện các thủ tục kiểm tra và đăng ký hiến tiểu cầu để cấp cứu kịp thời.
Thượng úy Nguyễn Văn Tú – Đội CSGT Công an TP.Vinh chia sẻ: "Hoạt động hiến máu tình nguyện là một trong những hoạt động xã hội mang ý nghĩa nhân đạo cao đẹp, được cán bộ, chiến sĩ và đoàn viên thanh niên công an thành phố thường xuyên hưởng ứng. Bản thân tôi cũng thường xuyên tham gia hiến máu tình nguyện, mỗi năm từ 1-2 lần. Rất vui vì lần hiến máu trực tiếp này đã giúp bệnh nhân vượt qua giai đoạn nguy hiểm".
Còn với Đại uý Nguyễn Thành Long, cán bộ Công an phường Lê Mao, TP.Vinh, đây là lần thứ 14 anh tham gia hiến máu. "Hiến máu trở thành nét đẹp và là truyền thống nhân ái của con người Việt Nam. Những người khỏe mạnh, đặc biệt là thế hệ trẻ như chúng tôi luôn mong muốn đóng góp một phần nào đó để mang lại sức khỏe, niềm vui cho người bệnh. Tôi hạnh phúc khi có thể sẻ chia những giọt máu mang hy vọng, góp thêm sự sống tới bác sỹ Trang", Đại úy Long tâm sự.
Sự có mặt kịp thời của các cán bộ, chiến sĩ đã giúp các bệnh nhân có đủ lượng máu để điều trị và dần ổn định sức khỏe. Hành động nhân văn, cao đẹp trên thể hiện tinh thần xung kích, tình nguyện, sự nhiệt huyết và nghĩa cử cao đẹp của đoàn viên, thanh niên Công an TP.Vinh luôn xung kích, tình nguyện "Vì nhân dân phục vụ".
TP.HCM tạm ngưng các công trình đào đường trong dịp lễ 2/9
Theo Giao thông, nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông và vệ sinh môi trường để phục vụ người dân đi lại trong dịp lễ Quốc khánh 2/9, Sở GTVT TP.HCM thông báo tạm ngưng các công trình giao thông.
Theo đó, Sở GTVT cho tạm ngưng thi công các công trình có tổ chức đào đường, vỉa hè trên địa bàn thành phố trong thời gian từ ngày 1/9 đến hết ngày 2/9.
Sở GTVT yêu cầu chủ đầu tư tất cả các công trình trên đường bộ có trách nhiệm đôn đốc các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công đào đường, vỉa hè, khẩn trương tái lập lại toàn bộ các đoạn đang thi công, xong trước ngày 1/9.
Các công trình thi công có rào chắn chiếm dụng mặt đường đang khai thác được phép tồn tại hàng rào nhưng phải thu dọn, làm vệ sinh sạch sẽ khu vực công trường thi công.
XEM THÊM: Lộ trình hướng tới giảm đóng bảo hiểm xã hội xuống 10 năm, đủ điều kiện hưởng lương hưu
Hà Nội: Triển khai tổng lực phòng, chống dịch sốt xuất huyết
TTXVN cho hay, tính đến ngày 14/8, toàn TP.Hà Nội đã ghi nhận 3.512 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 440/579 xã, phường, thị trấn.
Đáng lưu ý, số bệnh nhân sốt xuất huyết có xu hướng tăng nhanh trong vòng 4 tuần gần đây. Trung bình mỗi tuần ghi nhận từ 500 - 600 trường hợp mắc sốt xuất huyết mới; số mắc tăng nhiều so với cùng kỳ 2022. Toàn thành phố ghi nhận 255 ổ dịch, trong đó có 114 ổ dịch còn đang hoạt động.
Các quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết là: Thạch Thất, Thanh Trì, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Phú Xuyên, Thường Tín, Nam Từ Liêm, Hà Đông.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn, Hà Nội đang là trọng điểm về sốt xuất huyết của miền Bắc. Thời tiết nắng, mưa thất thường, cộng thêm hiện tượng El Nino là một trong những nguyên nhân khiến dịch sốt xuất huyết trở nên phức tạp. Nếu không có những giải pháp quyết liệt, sẽ gia tăng hơn nữa các ca bệnh sốt xuất huyết trong thời gian tới.
Trước tình hình trên, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Vũ Thu Hà yêu cầu, các địa phương phải chủ động và quyết liệt hơn nữa trong phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Các quận, huyện, thị xã, sở, ban, ngành liên quan rà soát toàn bộ nhiệm vụ và triển khai các phương án phòng, chống dịch nói chung và dịch sốt xuất huyết nói riêng theo phương châm "4 tại chỗ"; rà soát các điều kiện để bắt đầu cơ chế vận hành cao điểm trong phòng, chống dịch sốt xuất huyết, góp phần giảm thiểu số ca bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân.
Các địa phương triển khai tổng lực phòng, chống dịch; trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch tới từng hộ dân, nâng cao ý thức cho người dân, tránh lơ là chủ quan; tùy từng địa bàn, lựa chọn phương thức tuyên truyền phù hợp; phát động vệ sinh môi trường trên địa bàn gắn với vệ sinh môi trường ở từng hộ gia đình...
Việt Hương (T/h)