Tin tức thế giới mới nhất ngày 22/2: Nạn đói đe dọa sự sống của 1,4 triệu trẻ em châu Phi; Trung Quốc ủng hộ đối thoại về hạt nhân Triều Tiên;…
Nạn đói đe dọa sự sống của 1,4 triệu trẻ em châu Phi
Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ngày 21/2 đã công bố một báo cáo khẳng định sự sống của gần 1,4 triệu trẻ em ở 4 nước châu Phi gồm Nigeria, Somalia, Nam Sudan và Yemen đang bị đe dọa nghiêm trọng do nạn đói hoành hành.
Thông qua báo cáo này, UNICEF kêu gọi cộng đồng quốc tế cần nhanh chóng đẩy mạnh các chương trình cứu trợ nhân đạo để cứu lấy mạng sống của hàng triệu người.
Trẻ em mắc bệnh suy dinh dưỡng và các bệnh về hô hấp tại Aweil thuộc tỉnh Bahr al Ghazal, miền bắc Nam Sudan ngày 11/10/2016. Ảnh:AFP/TTXVN |
Theo báo cáo trên, Yemen là quốc gia có số lượng trẻ suy dinh dưỡng nghiêm trọng cao nhất (462.000 trẻ), tiếp theo là Nigeria (450.000 trẻ), Nam Sudan (270.000 trẻ) và Somalia (185.000 trẻ). Giám đốc điều hành UNICEF, ông Anthony Lake khẳng định thời gian sống của số trẻ nói trên đang cạn dần. Tình trạng suy dinh dưỡng nghiêm trọng cùng đói kém đã hiện hữu khắp nơi. Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế nhanh chóng có biện pháp đối phó, tránh lặp lại thảm kịch ở vùng Sừng châu Phi năm 2011 cướp đi sinh mạng của 260.000 người, phần lớn là trẻ em.
Trong khi đó, báo cáo của Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cho biết nạn đói cũng đe dọa sự sống của hơn 20 triệu người trong 6 tháng tới.
Thời tiết khắc nghiệt, dịch bệnh và chiến tranh kéo dài đã khiến tình trạng nghèo đói ở khu vực châu Phi ngày càng nghiêm trọng hơn. Theo Quỹ Quốc tế cho Phát triển Nông nghiệp (IFDA), thế giới cần phải khẩn trương hành động để có thể huy động được khoảng 265 tỷ USD mỗi năm - số tiền cần thiết để đạt được hai mục tiêu phát triển bền vững đầu tiên nhằm hướng tới chấm dứt nghèo đói vào năm 2030.
NATO nên hợp tác thay vì coi Nga là mối đe dọa
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu phát biểu tại Hội nghị An ninh quốc tế Moskva lần thứ 4 ngày 16/4/2015. Ảnh:EPA/TTXVN. |
Nga sẵn sàng thiết lập đối thoại bình đẳng với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) và dự kiến thông qua những hình thức như các cuộc tham vấn trong khuôn khổ Hội đồng Nga - NATO, hay Nhóm quốc tế hỗ trợ Syria để phát triển hợp tác với khối này.
Ngày 21/2, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu đã khẳng định như vậy và cho rằng thay vì coi Nga là mối đe dọa, NATO nên hợp tác với Nga trong cuộc chiến chống khủng bố.
Ông Shoigu nhấn mạnh Hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu (NMD) hiện đã sẵn sàng đi vào hoạt động. Trong năm 2016, các tổ hợp phòng thủ tên lửa đã được triển khai tại Romania và dự kiến cuối năm nay, hệ thống tên lửa đánh chặn "Standard-3" (Standard Missile 3) của Mỹ sẽ được triển khai tại Ba Lan. Tổng ngân sách quốc phòng của các nước NATO tính đến thời điểm này là khoảng 900 tỷ USD, nhiều hơn hàng chục lần so với chi tiêu quốc phòng của Nga. Bởi vậy, theo Bộ trưởng Shoigu, "NATO không nên tự hù dọa mình khi coi Nga là mối đe dọa".
Bộ trưởng Shoigu cho rằng Nga và NATO có thể thành công trong các nỗ lực chung chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế, như nhóm "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng và một số tổ chức khủng bố khác.Tuy nhiên, hhiện vẫn tồn tại một thực tế là giới chức NATO vẫn tiếp tục từ chối hợp tác với Nga và luôn coi "Nga là mối đe dọa".
Trung Quốc ủng hộ đối thoại về hạt nhân Triều Tiên
Người dân Triều Tiên theo dõi vụ phóng thử tên lửa đất đối đất tầm trung Pukguksong-2 qua phương tiện truyền thông công cộng ở Bình Nhưỡng ngày 13/2. AFP/ TTXVN. |
Ngày 21/2, Trung Quốc tuyên bố nước này ủng hộ các bên liên quan tiến hành đối thoại và tiếp xúc nhằm tìm ra một giải pháp cho vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đưa ra tuyên bố trên tại một buổi họp báo thường kỳ khi bình luận về thông tin cho rằng Mỹ và Triều Tiên đang chuẩn bị một cuộc gặp giữa các đại diện cấp cao của Triều Tiên và cựu quan chức Chính phủ Mỹ. Ông Cảnh Sảng nêu rõ: "Cốt lõi của vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên nằm ở sự khác biệt giữa Triều Tiên và Mỹ". Người phát ngôn này cũng nhấn mạnh rằng Bắc Kinh luôn ủng hộ các bên liên quan, trong đó có Triều Tiên và Mỹ, đẩy mạnh thông tin liên lạc nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và tìm ra một giải pháp thông qua đối thoại và tham vấn
Theo ông Cảnh Sảng, trong tình hình hiện nay, Trung Quốc hy vọng các bên liên quan có thể nỗ lực nhiều hơn trong vấn đề trên và đóng vai trò xây dựng trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở Bán đảo Triều Tiên, cũng như giải quyết thỏa đáng vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên.
Philippines: ASEAN quan ngại về các sự kiện gần đây ở Biển Đông
Ông Perfecto Yasay, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines đã lên tiếng kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tiến hành đối thoại để ngăn chặn bất kỳ sự leo thang căng thẳng nào.
"Một số Bộ trưởng bày tỏ sự lo ngại về những diễn biến mới đây ở Biển Đông. ASEAN sợ rằng sự leo thang của các hoạt động trong khu vực có thể khiến tình hình căng thẳng hơn nữa và làm xói mòn lòng tin", ông Yasay nói trong một cuộc họp báo.
"Đồng thời các Bộ trưởng cũng ghi nhận sự cần thiết trong việc duy trì động lực của cuộc đối thoại nhằm giảm bớt căng thẳng trong khu vực".
Tuy nhiên, ông Yasay không chỉ ra các động thái cụ thể đã và đang gây quan ngại. Ông chỉ nói rằng các nước ASEAN hy vọng bộ quy tắc ứng xử mới trên Biển Đông sẽ được hoàn thành vào tháng 6/2017.
Vào ngày 17/2 vừa qua, Trung Quốc đã hoàn thành cuộc tập trận kéo dài 1 tuần trên Biển Đông. Chỉ một ngày sau đó, Hải quân Mỹ đã triển khai tàu sân bay USS Carl Vinson, đội bay Carrier Air Wing (CVW) số 2 và tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Wayne E. Meyer đến “tuần tra dài hạn”.
(Tổng hợp)