+Aa-
    Zalo

    Tiết lộ bất ngờ của Chủ tịch Hội Thiết bị y tế

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Không ít TTBYT cũ nát, "quá đát", "tàn phế", vẫn mặc nhiên có mặt tại các bệnh viện từ địa phương tới Trung ương. Dư luận đặt câu hỏi, lỗ hổng này do đâu...?

    (ĐSPL) - Việc đấu thầu cũng như cho phép một sản phẩm thuộc danh mục trang thiết bị y tế (TTBYT) vào thị trường Việt Nam nói chung và tại các bệnh viện nói riêng đã được quy định rất cụ thể. Tuy nhiên, không ít TTBYT cũ nát, "quá đát", "tàn phế", vẫn mặc nhiên có mặt tại các bệnh viện từ địa phương tới Trung ương. Dư luận đặt câu hỏi, lỗ hổng này do đâu và tại sao các "rào chắn pháp lý" đã bị "phá"?

    Câu hỏi ám ảnh

    Tôi đặt vấn đề trên với anh An (nhân vật chúng tôi đã đề cập ở các bài viết trước), không nhận được câu trả lời mà anh cho chúng tôi xem clip buổi mở thầu TTBYT tại một bệnh viện. Gói thiết bị này gần 2 tỉ đồng. Người đến nghe kết quả chưa bằng 1/3 số hồ sơ đã nộp dự thầu. "Phải chăng, họ đã biết mình thua nên không đến?", tôi thắc mắc. Anh An giải thích: "Với những đối thủ "dễ chịu", họ thoả thuận với nhau, trúng thầu thì xé nhỏ gói thầu, mỗi người cung cấp một hạng mục thiết bị. Với những đối thủ "nguy hiểm", doanh nghiệp có cơ trúng thầu thường "hàng" một khoản tiền cho họ rút hồ sơ".

    Bên cạnh đó, anh An cho biết: "Lúc tôi hoạt động trong lĩnh vực này, tư vấn về TTBYT ngoài Vụ Trang thiết bị - Công trình y tế, Bộ Y tế thì Hội Thiết bị Y tế Việt Nam được xem là đơn vị tư vấn cần và đủ cho những dự án TTBYT lớn. Cơ quan giám sát thực hiện thầu, các thủ tục thầu đúng - sai là thanh tra Bộ Y tế và thanh tra của chính Vụ Trang thiết bị - Công trình y tế".

    Đem những thắc mắc trên hỏi ông Nguyễn Xuân Bình, Chủ tịch Hội Thiết bị Y tế Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị Y tế (Bộ Y tế), chúng tôi được biết: "Hội chưa nhận được bất kỳ lời mời tư vấn nào của chủ thầu, của Vụ Trang thiết bị - Công trình y tế về vấn đề nhập khẩu, đấu thầu TTBYT cả".

    (bgiay)Nhận diện thủ đoạn nhập khẩu thiết bị y tế cũ thành mới và

    Ông Nguyễn Xuân Bình trả lời phỏng vấn với PV báo Đời sống và pháp luật.

    Theo ông Bình, đấu thầu TTBYT hoặc cấp giấy phép cho hoạt động nhập khẩu trong lĩnh vực đặc biệt này được quy định rất rõ trong Thông tư 24. Trong Thông tư cũng chỉ rõ và đánh giá vai trò quan trọng của các "kênh" giám sát, tư vấn trong mọi khâu của một hợp đồng đấu thầu TTBYT cũng như cấp phép nhập khẩu thiết bị. Thế nhưng, từ trước đến nay chưa và không khi nào Hội được mời tham gia giám sát hoặc tư vấn cho bất kỳ một màn đấu thầu TTBYT nào của Bộ Y tế.

    Trước những vấn đề "nóng" liên quan đến TTBYT "quá đát" lọt vào thị trường Việt Nam đang được báo Đời sống và Pháp luật phản ánh, ông Bình cũng nhận định: "Qua các kênh thông tin tôi cũng nắm được tình hình "căng thẳng" hiện nay ở lĩnh vực này như vụ TTBYT "quá đát" tại bệnh viện Đa khoa Thường Tín (Hà Nội) hay vụ máy móc, TTBYT nằm "đắp chiếu" tại bệnh viện Thể thao Việt Nam; rồi việc nhập khẩu TTBYT cũ, đã qua sử dụng của một số doanh nghiệp được cấp phép, bị bắt giữ. Theo tôi, nó đều có nguyên nhân. Cách để phát hiện, ngăn chặn những TTBYT "quá đát" không khó, chỉ cần tăng cường các biện pháp để giám sát hoạt động của các đầu mối, đặc biệt là năng lực đấu thầu của những đầu mối này. Siết chặt về công tác cấp giấy phép cho các tổ chức, cá nhân".

    Video tham khảo: 

    Nhức nhối tình trạng nhập lậu thiết bị y tế cũ nát

    Nhiều văn bản quy định sao vẫn không "chặn" được TBYT cũ?

    Trở lại câu chuyện về các lô TTBYT cũ nát, "quá đát", "hồn Trương Ba da hàng thịt" vẫn đàng hoàng có mặt ở không ít bệnh viện, dư luận đặt câu hỏi, cơ chế quản lý có, luật đấu thầu có, nghị định, thông tư liên quan đến hoạt động này rất đầy đủ tại sao không "chặn" được? Vẫn biết rằng, trong kinh doanh, trong đấu thầu để đảm bảo thắng thầu, các nhà thầu đều phải có "chiêu trò" của riêng mình. Như lập lờ về nhãn mác trong lô thiết bị tại bệnh viện Thể thao Việt Nam khi máy xét nghiệm sinh hóa có ký hiệu là CELL-DYN 3200 nhưng thực tế nó khác xa với số seri của nhà sản xuất trong hồ sơ lưu ở bệnh viện. Nhãn thiết bị một đằng, chi tiết trong máy một nẻo như ở bệnh viện Đa khoa Thường Tín.

    Thậm chí hiện tại lĩnh vực này đang tiếp tục "nóng" lên khi thông tin công ty Bio-Rad Laboratories Inc của Mỹ thông báo chi 2,2 triệu USD tiền hối lộ cho các quan chức Việt Nam trong nhiều năm để giành hợp đồng cung ứng TTBYT cho các bệnh viện. Liên quan đến vấn đề này, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị Bộ Công an xác minh nghi án hối lộ.

    (bgiay)Nhận diện thủ đoạn nhập khẩu thiết bị y tế cũ thành mới và

    Bệnh viện Thể thao Việt Nam, nơi có lô thiết bị y tế gần tỷ đồng nằm "đắp chiếu".

    Chúng tôi đem những giấy phép nhập khẩu thiết bị y tế do Vụ Trang thiết bị - Công trình y tế, Bộ Y tế cấp cho doanh nghiệp nhập khẩu thiết bị của Diamond, FAMICO, một số ký hiệu của Hitachi CAST... vị Chủ tịch Hội Thiết bị Y tế Việt Nam cho biết: Đây là những hãng chuyên mua thiết bị cũ, mông má lại. Hitachi có sản xuất nhưng những đời máy mình cho nhập, nó đã ngừng sản xuất hàng chục năm rồi. Sao vẫn vận dụng Thông tư 24 cho nhập mới, phải chăng, ngành y tế thiếu thông tin?

    Ông Nguyễn Xuân Bình khẳng định: "Phát hiện các TTBYT cũ nát là việc khó, tuy nhiên không phải là không thể làm được. Đơn vị chức năng của Bộ Y tế hoàn toàn nắm rõ được chủng loại TTBYT của hãng nào, đời máy, ký hiệu máy, ngày tháng sản xuất, hãng đó còn hay không còn sản xuất chủng loại thiết bị đó... Vì các tài liệu về TTBYT đều liên tục được cập nhật. Hiện nay, TTBYT được ưu tiên nên thông tin về TTBYT liên tục được cập nhật".

    Bệnh viện Thể thao Việt Nam "né" báo chí vì sợ "lòi" sai phạm?

    Liên quan đến loạt bài "Nhận diện thủ đoạn nhập khẩu thiết bị y tế cũ thành mới" đang đăng tải trên báo Đời sống và Pháp luật, để rộng đường dư luận cũng như đem đến cho độc giả thông tin đa chiều, ngày 20/11/2014, PV đến bệnh viện Thể thao Việt Nam đặt lịch làm việc. Tại đây, PV đã làm đúng theo quy trình lấy thông tin từ phía bệnh viện, đó là đặt giấy giới thiệu của cơ quan, câu hỏi tham vấn để phòng Tổ chức hành chính của bệnh viện trình lên lãnh đạo. Sau khi hoàn thành các thủ tục, nhân viên phòng này thông báo với PV, lãnh đạo bệnh viện đồng ý trao đổi công việc vào 16h ngày 20/11.

    Tuy nhiên đúng thời gian như đã hẹn, PV trở lại phòng Tổ chức hành chính để lên gặp lãnh đạo, một nhân viên nam của phòng tỏ thái độ khó chịu và có lời nói hách dịch, trịch thượng với PV. Khi PV bảo: "Em có lịch làm việc với giám đốc lúc 16h tại phòng". Nhân viên này nói: "Lãnh đạo có việc bận ở quê nên không có ở đây". PV hỏi lại: "Vậy anh có thể liên lạc và cho biết khi nào thì em có thể quay trở lại để làm việc?". Nhân viên này vẫn giữ thái độ hách dịch nói: “Đây không phải là việc của tôi, anh có điện thoại thì cứ gọi, tự lên mà gặp". Đồng thời người này khuyên PV rằng "lãnh đạo đang bận chuyện gia đình, chúng ta không nên làm phiền anh ấy vào lúc này!?". PV hỏi lại: "Tôi đã đặt lịch làm việc và đã được hẹn giờ làm việc. Bây giờ tôi muốn có lịch làm việc lại". Vị nhân viên này to tiếng: "Tôi chẳng nhận được giấy hẹn nào của anh cả. Nếu anh đưa cho người khác thì anh cứ chờ ở đây mà gặp họ. Tôi chỉ là nhân viên của phòng không được phép làm gì cả!?".

    Trước thái độ không hợp tác với báo chí từ phía nhân viên này, PV đã chủ động lên phòng giám đốc. Đến nơi, cửa phòng đóng im ỉm dù PV đã gõ cửa nhiều lần. PV hỏi một bác sỹ đang ở gần đó thì được biết: "Trước đó không lâu, có thấy giám đốc còn ngồi trong phòng".

    Giám đốc bệnh viện Thể thao Việt Nam "lánh" PV đặt ra nhiều nghi vấn: Phải chăng bệnh viện Thể thao Việt Nam đang giấu giếm điều gì đó liên quan đến việc đấu thầu lô thiết bị y tế nằm "đắp chiếu" trong bệnh viện đã lâu?

    Văn Hậu
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tiet-lo-bat-ngo-cua-chu-tich-hoi-thiet-bi-y-te-a71704.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan