+Aa-
    Zalo

    Thượng tướng Lê Quý Vương nói về căn cứ để quyết định nổ súng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, căn cứ vào từng tình huống, tính chất, mức độ hành vi nguy hiểm của đối tượng để quyết định việc nổ sú

    (ĐSPL) - Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, căn cứ vào từng tình huống, tính chất, mức độ hành vi nguy hiểm của đối tượng để quyết định việc nổ súng.

    Theo thông tin trên báo VOV, chiều 10/1, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Nhiều ý kiến phát biểu đề cập đến quy định về trường hợp nổ súng sau khi có cảnh báo và nổ súng không cần cảnh báo.

    Điều 21 của dự luật quy định, khi thi hành nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, việc nổ súng phải tuân theo các nguyên tắc, trong đó có căn cứ vào từng tình huống, tính chất, mức độ hành vi nguy hiểm của đối tượng để quyết định việc nổ súng.

    Làm rõ nội dung này, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương nhấn mạnh, đây gần như là nguyên tắc chính của người cầm súng và người chỉ huy người cầm súng. Dẫn trường hợp vây bắt một đối tượng phạm tội ở Kon Tum mà biết rõ đối tượng trang bị nhiều súng, lựu đạn, ông Vương cho biết căn cứ vào tình huống, tính chất, mức độ lúc đó thì chỉ huy được quyền ra lệnh nổ súng, thậm chí tiêu diệt đối tượng.

    Về quy định không nổ súng vào đối tượng khi biết rõ người đó là phụ nữ, người khuyết tật, trẻ em, người cao tuổi, trừ trường hợp những người này đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc chống trả, đe dọa trực tiếp tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác, Thượng tướng Lê Quý Vương nhấn mạnh, việc đặt vấn đề này là tính đến nhóm người yếu thế nên đã cân nhắc kỹ và có trường hợp loại trừ.

    Liên quan trường hợp được nổ súng sau khi đã cảnh báo, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị làm rõ hơn nội dung: “Người bị giam giữ, áp giải do phạm tội đang chạy trốn hoặc chống lại; đối tượng đang đánh tháo người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, người đang bị áp giải, xét xử do phạm tội hoặc chấp hành hình phạt tù”. Theo bà Nga, cần cụ thể việc “chống lại” của đối tượng đến mức độ nào thì lực lượng thực thi công vụ bắn chỉ thiên và sau đó là bắn thẳng vào đối tượng.

    Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu làm rõ các ý kiến - Ảnh: An ninh thủ đô

    Cho rằng hành vi “chống lại” trên thực tế muôn hình vạn trạng, Thượng tướng Lê Quý Vương dẫn ví dụ có trường hợp ở Hải Phòng trước đây, đang trên đường dẫn giải thì đối tượng chạy vào nhà dân lấy dao chém nhiều đồng chí công an bị thương. Việc nổ súng hay không trong trường hợp này lúc đó khiến người thực thi công vụ băn khoăn.

    Về trường hợp được nổ súng không cần cảnh báo quy định trong dự thảo, báo Tiền Phong dẫn lời Thứ trưởng Lê Quý Vương nêu thực tế trong 2 năm trở lại đây đã diễn ra 6 lần đấu súng tại Vân Hồ (tỉnh Sơn La), các đối tượng có vũ khí buộc lực lượng thi hành công vụ phải nổ súng.

    “Có những trường hợp cả toán vũ trang mấy chục đối tượng có trang bị vũ khí, rất nguy hiểm. Thực chất, ta nổ súng trước bằng hình thức cảnh báo, nếu đối tượng chống cự thì mới nổ súng gây sát thương, do đó không gây nguy hại”, Thứ trưởng Lê Quý Vương nói.

    Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành phiên thảo luận - Ảnh: Công an nhân dân

    Theo báo Công an nhân dân, kết lại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ, qua 18 ý kiến thảo luận tại phiên họp, cơ bản thành viên UBTVQH và các đại biểu dự phiên họp đã tán thành với báo cáo tiếp thu chỉnh lý dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Đối với quy định nổ súng, đề nghị tiếp tục rà soát để đảm bảo chặt chẽ hơn.

    Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Uỷ ban Quốc phòng và An ninh phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp thu đầy đủ các ý kiến của UBTVQH, hoàn chỉnh dự thảo luật, gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội để tiếp tục hoàn chỉnh, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 3.

    Chiều cùng ngày, UBTVQH cũng đã thảo luận, về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật cảnh vệ. UBTVQH đã nhất trí với báo cáo tiếp thu của Uỷ ban Quốc phòng và An ninh. Sau khi tiếp thu, hoàn chỉnh, gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội, dự án Luật Cảnh vệ cũng sẽ được trình ra Quốc hội xem xét tại kỳ họp tới.

    Những trường hợp được nổ súng không cần cảnh báo

    a) Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội khủng bố, giết người, bắt cóc con tin, mua bán và vận chuyển trái phép chất ma túy hoặc đang trực tiếp sử dụng vũ khí, vật liệu nổ chống lại việc bắt giữ khi vừa thực hiện xong hành vi phạm tội trên;

    b) Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc uy hiếp trực tiếp đến an toàn của công trình quan trọng về an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng được bảo vệ theo quy định của pháp luật;

    c) Đối tượng đang sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp đe dọa đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác;

    d) Đối tượng đang trực tiếp thực hiện hành vi cướp súng của người thi hành công vụ;

    đ) Động vật đang đe dọa trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác.

    5. Khi thực hiện nhiệm vụ có tổ chức, việc nổ súng tuân theo mệnh lệnh của người có thẩm quyền; khi thi hành nhiệm vụ độc lập, việc nổ súng tuân theo quy định tại các khoản 3 và 4 Điều này.

    Tổng hợp

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thuong-tuong-le-quy-vuong-noi-ve-can-cu-de-quyet-dinh-no-sung-a177841.html
    Sự kiện:
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan