Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 80/CĐ-TTg ngày 16/8/2024 chỉ đạo tiếp tục quyết liệt triển khai, phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, huy động cả hệ thống chính trị để đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT.
Thủ tướng nhấn mạnh, công tác GPMB là khâu quan trọng, quyết định đến phần lớn đường găng tiến độ của các dự án, công trình; tuy nhiên, đây là khâu khó khăn, phức tạp do liên quan đến sản xuất, kinh doanh, quyền lợi và sinh kế của người dân. Mặt bằng được bàn giao sớm sẽ là cơ sở cho việc đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công.
Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT đã có nhiều chỉ đạo, Bộ GTVT và nhiều địa phương được giao làm cơ quan chủ quản đã nỗ lực, cố gắng tập trung triển khai công tác chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư, triển khai thi công các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ GTVT, một số địa phương vẫn còn chậm triển khai thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật theo yêu cầu tại Công điện số 54/CĐ-TTg ngày 28/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ, ảnh hưởng đến tiến độ các dự án, đặc biệt đối với các dự án có tiến độ yêu cầu hoàn thành năm 2025 như: cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, Tuyên Quang - Hà Giang, Biên Hòa - Vũng Tàu, Hòa Liên - Túy Loan, Vành đai 3 TP.HCM, Dự án thành phần 1 và Dự án thành phần 3 thuộc cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.
Để hoàn thành các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT đúng tiến độ đề ra, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị.
Các tổ chức, đoàn thể như Mặt trận Tổ quốc, Ban Dân vận, các đoàn thể chính trị xã hội, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh,... phải vào cuộc trong công tác GPMB; tăng cường làm việc trực tiếp với người dân, thực hiện công tác dân vận để nắm bắt tâm tư nguyện vọng, vận dụng sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả các quy định của pháp luật để giải quyết các khiếu nại, kiến nghị hợp pháp, chính đáng của người dân,…
Bên cạnh đó, lãnh đạo các tỉnh cần phối hợp với các chủ đầu tư để ưu tiên GPMB tại các vị trí là đường găng về tiến độ thi công như khu vực xử lý nền đất yếu, công trình cầu, hầm lớn, khu vực đường tiếp cận thi công.
Thủ tướng lưu ý, với các dự án có kế hoạch hoàn thành trong năm 2025, yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các khu tái định cư, di dời hệ thống đường điện cao thế, tập trung chỉ đạo để hoàn thành các công việc GPMB và bàn giao toàn bộ mặt bằng cho các dự án trước ngày 30/8/2024.
Các tỉnh, thành phố: Tuyên Quang, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bình Dương chỉ đạo các sở, ngành, địa phương huy động tối đa nguồn lực, tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc để thu hồi diện tích đất còn lại và bàn giao toàn bộ mặt bằng cho các dự án: cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, Tuyên Quang - Hà Giang, Hòa Liên - Túy Loan, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Vành đai 3 - TP.HCM. Đặc biệt các tỉnh có khối lượng còn lại lớn như Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng, Tuyên Quang.
Các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng, các địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành công tác di dời đường điện cao thế tại các dự án, đặc biệt tại các tỉnh có khối lượng cần di dời lớn như: Hà Tĩnh, Phú Yên, Khánh Hòa, Hậu Giang, Đồng Nai, TP.HCM (cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Vành đai 3 - TP.HCM, Biên Hòa - Vũng Tàu).
Tỉnh Bình Định được giao nhiệm vụ thực hiện song song, đồng thời các thủ tục chuyển mục đích sử dụng Rừng dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 để bàn giao mặt bằng cho dự án ngay sau khi Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua chủ trương chuyển mục đích sử dụng Rừng.
Tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thành khai thác, thu hồi cây rừng để bàn giao mặt bằng tại dự án Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.
Đối với các dự án còn lại, Thủ tướng yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các khu tái định cư, di dời hệ thống đường điện cao thế, tập trung chỉ đạo để hoàn thành các công việc GPMB và bàn giao toàn bộ mặt bằng cho các dự án trong năm 2024.
Cụ thể, tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo các sở, ngành, địa phương huy động tối đa nguồn lực, tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc để sớm hoàn thành các thủ tục liên quan đến giá đền bù, phê duyệt phương án, chi trả bồi thường, xây dựng khu tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật và bàn giao toàn bộ mặt bằng dự án Hữu Nghị - Chi Lăng trong năm 2024.
Các tỉnh An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bắc Ninh, Cao Bằng và thành phố Cần Thơ đã làm tốt công tác GPMB các Dự án: Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, Đồng Đăng - Trà Lĩnh cần tiếp tục phát huy để bàn giao toàn bộ phần mặt bằng còn lại trong tháng 8/2024.
Các tỉnh Hưng Yên, Đồng Tháp, Tiền Giang, Thành phố Hà Nội cần quyết liệt hơn nữa, tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ GPMB để bàn giao cho các dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, Cao Lãnh - An Hữu trong tháng 9/2024.
Các tỉnh An Giang, Hưng Yên, Bắc Ninh, Tiền Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng đẩy nhanh xây dựng các khu tái định cư tại các dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, An Hữu - Cao Lãnh, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Đồng Đăng - Trà Lĩnh, sớm ổn định cuộc sống của người dân.
Các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh, chính quyền địa phương nơi dự án đi qua phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, EVN đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công tác di dời đường điện cao thế các dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, Cao Lãnh - An Hữu (Dự án thành phần 1), Đồng Đăng - Trà Lĩnh.
Tỉnh Bắc Ninh rà soát chi phí GPMB, phối hợp các cơ quan chủ quản dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội để cân đối tổng mức đầu tư cho dự án thành phần 1.3, báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư (nếu cần) làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương và EVN hỗ trợ các chủ đầu tư triển khai các thủ tục để sớm hoàn thành hồ sơ di dời đường điện cao thế.
EVN có trách nhiệm đôn đốc các đơn vị thành viên ưu tiên tập trung nguồn vật tư, nhân lực để triển khai di dời các đường điện cao thế; rút ngắn thời gian phê duyệt phương án cắt điện để thực hiện di dời, ưu tiên hoàn thành di dời trong tháng 8/2024 tại các dự án có kế hoạch hoàn thành năm 2025, nhất là tại các địa phương có khối lượng lớn như: Hà Tĩnh, Phú Yên, Khánh Hòa, Hậu Giang, Đồng Nai, TP.HCM (cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Vành đai 3 - TP.HCM, Biên Hòa -Vũng Tàu).
"Cơ bản hoàn thành trước ngày 30/9/2024 với các dự án cao tốc Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Dự án thành phần 1 cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, Đồng Đăng - Trà Lĩnh và hoàn thành trước ngày 31/12/2024 đối với các dự án Hữu Nghị - Chi Lăng, Dự án thành phần 2 cao tốc Cao Lãnh - An Hữu", Thủ tướng chỉ đạo.
Thủ tướng giao Bộ GTVT chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu thi công phối hợp chặt chẽ với địa phương và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong công tác GPMB, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật đáp ứng tiến độ yêu cầu.