(ĐSPL) - Trước khi mổ heo, chủ lò tiêm hóa chất cấm (combistress, một dạng an thần có nguy cơ gây ung thư nếu người ăn phải) cho heo.
Thông tin trên báo Tuổi trẻ, ngày 6/7, Trạm Thú y quận 12 (Chi cục Thú y TP HCM) phối hợp Đội quản lý thị trường quận 12, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường (PC49, Công an TP HCM) “đột kích”, phát hiện một lượng lớn heo “lậu” đang được giết mổ trái phép tại nhà không số thuộc tổ 47, KP7,Pphường Hiệp Thành, quận 12.
[mecloud]XboZrKBGvK[/mecloud]
Thời điểm kiểm tra, đoàn liên ngành phát hiện ông Nguyễn Văn Văn (31 tuổi, quê Nam Định, chủ lò mổ) đang cùng 4-5 thanh niên tổ chức giết mổ heo trái phép trên nền xi măng dơ bẩn.
Các lọ hóa chất thu giữ được tại lò mổ heo lậu. |
Tang vật đoàn kiểm tra thu giữ gồm 37 kg thịt heo đã giết mổ, 11 con heo đang chờ. Toàn bộ lô hàng trên không có nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch.
Theo ông Văn, lò mổ heo lậu này hoạt động từ đầu 2015 đến nay. Heo sau khi giết mổ được bán cho công nhân tại khu công nghiệp Hiệp Thành (quận 12). Đoàn liên ngành đã lập biên bản xử phạt hành chính, đồng thời đình chỉ hoạt động giết mổ heo trái phép của ông Văn.
Quá trình kiểm tra tại "lò" này, đoàn liên ngành còn phát hiện hàng loạt chai lọ đựng chất cấm (thuốc combistress - thuốc gây mê an thần) đã qua sử dụng, vứt vương vãi khắp vườn.
Thịt heo để dưới nền nhà dơ bẩn. |
Theo ông Huỳnh Quốc Qúy, Phó trạm Thú y quận 12, thuốc combistress chỉ được dùng trong trường hợp vận chuyển động vật, nghiêm cấm sử dụng tiêm cho động vật trước khi giết mổ.Ông Văn khai, loại thuốc an thần này ông mua ở tiệm thuốc thú y, giá 90.000 đồng một lọ đem về tiêm cho heo trước khi mổ, một lọ tiêm được cho khoảng 40-50 con.
Một lãnh đạo Chi cục Thú y TP HCM cũng xác nhận, thuốc combistress nghiêm cấm sử dụng tiêm cho động vật trước khi giết mổ. Nếu tiêm chất này vào động vật thì rất nguy hiểm, vì nếu thuốc chưa đào thải hết sẽ ngấm vào thịt, người dân ăn vào dẫn đến nguy cơ ung thư rất cao.
Thuốc combistress nghiêm cấm sử dụng tiêm cho động vật trước khi giết mổ. |
Mới đây, hồi tháng 4/2015, đội kiểm tra liên ngành tỉnh Đồng Nai kiểm tra cơ sở kinh doanh heo của ông Phan Văn Vui (thành phố Biên Hòa) phát hiện có nhiều sai phạm. Chủ cơ sở khai nhận, đã bơm nước để tăng cân cho heo. Điều đáng nói, để việc bơm nước vào heo dễ dàng, cơ sở này đã tiêm thuốc an thần Prozil khiến heo ít hoạt động.
Heo tại cơ sở của ông Vui sau khi được “tăng cân” sẽ được chuyển lên lò mổ Nam Phong (quận Bình Thạnh, TP.HCM) để giết mổ và mang đi tiêu thụ tại địa bàn trong thành phố. Đặc biệt là hai chợ lớn là Bình Điền (quận 8) và chợ Tân Xuân (huyện Hóc Môn). Sau đó, thịt heo sẽ được phân tán ra các chợ nhỏ lẻ.
Trong khi đó, chủ lò mổ Nam Phong cho hay, cơ sở này chỉ có nhiệm vụ giết mổ. Toàn bộ số heo được giết mổ tại đây đều được Trạm thú y quận Bình Thạnh kiểm dịch và cho phép giết mổ. Mỗi đêm, cơ sở này giết mổ khoảng 2.000 con heo. Việc giết mổ thường bắt đầu sau 24 giờ mỗi ngày.
Trước đó, năm 2012, Tổ kiểm tra liên ngành huyện Bình Chánh (TP.HCM) bất ngờ ập vào đã bắt quả tang ông Bùi Anh Hiến (31 tuổi, Bình Phước) đang tổ chức mổ lậu tại địa chỉ C5A/30U tổ 5, ấp 3, xã Vĩnh Lộc B, H.Bình Chánh. Hiện trường là căn nhà cấp 4 cũ nát, tối tăm với 2 con heo đang giết mổ (tổng cộng 169 kg thịt, phụ phẩm) nằm lăn lóc trên sàn dơ bẩn.
Tại đây, tổ kiểm tra còn phát hiện 19 lọ thuốc Prozil (thuốc an thần), trong đó 16 lọ đã sử dụng, 3 lọ đang sử dụng, 1 ống xi lanh nhựa đang đựng thuốc Prozil. Trong 9 con heo sống đang nhốt ở chuồng trong “lò” này có đến vài con lừ đừ, có con vẫn còn “phê” thuốc ngủ chưa tỉnh dậy đi lại được. Theo lời khai của ông Hiến, thông thường tiêm Prozil vào heo sống tối hôm trước thì sáng sớm hôm sau giết mổ.
Ông Khương Trần Phúc Nguyên - Trưởng trạm Thú y huyện Bình Chánh, cho biết theo quy định, thuốc thú y sau khi loại thải khỏi cơ thể gia súc, gia cầm mới được giết mổ, thời gian loại thải này là 14 ngày. Nếu giết mổ trước thời gian này thì thịt gia súc, gia cầm không được làm thực phẩm cho người.
BS Trần Văn Ký - Hội khoa học kỹ thuật An toàn thực phẩm VN, nếu người tiêu dùng liên tục ăn thịt lợn có chứa thuốc an thần sẽ bị rối loạn tiêu hóa, mắc các bệnh về thận, thần kinh...
Chất an thần tích tụ lâu trong người sẽ gây ra nhiều nguy cơ bệnh tật như ung thư xương, đãng trí, trầm uất và run tay chân.
Đặc biệt, trẻ em ăn phải thịt heo (thịt lợn) tiêm thuốc an thần sẽ bị nhiễm độc dẫn đến rối loạn giấc ngủ, đần độn, quấy khóc.
Người tiêu dùng có thể nhận biết được thịt có chứa thuốc an thần khi nhìn thấy miếng thịt có màu đỏ tươi như thịt bò, miếng thịt ướt, khi chế biến thịt tiết ra nhiều nước.
Còn thịt có chất tạo nạc thì miếng thịt đỏ sậm, nạc gần như dính vào da, khi sờ lên bề mặt có cảm giác như ứ nước bên trong, trên da có thể xuất hiện đốm đỏ.
Ngọc Anh (Tổng hợp)