Trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng biến động và cạnh tranh khốc liệt, việc chọn ngành học phù hợp không chỉ giúp sinh viên phát triển nghề nghiệp mà còn đảm bảo cơ hội việc làm ổn định. Dưới đây là ba ngành học được đánh giá cao về tiềm năng việc làm và cơ hội phát triển bền vững:
Vi mạch bán dẫn
Theo các chuyên gia lĩnh vực công nghệ thông tin, thời gian tới sẽ “khát” nguồn nhân lực công nghệ bán dẫn chất lượng cao ở lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Từ năm 2019 đến nay, mỗi năm Việt Nam cần khoảng một nghìn kỹ sư ngành thiết kế vi mạch. Trong đó, TP.HCM chiếm khoảng 53% nhu cầu tuyển dụng.
Khảo sát của HSIA (Hội Công nghệ Vi mạch Bán dẫn TP.HCM) cho thấy, kỹ sư Thiết kế vi mạch có mức lương chênh lệch dựa trên số năm kinh nghiệm: mới ra trường nhận lương trung bình khoảng 15 triệu/tháng.
Kỹ sư 1 - 3 năm kinh nghiệm, thu nhập dao động 15 - 30 triệu/tháng. Sau 6 năm, lương trung bình 0,6 - 1 tỷ đồng/năm. Còn từ 10 năm kinh nghiệm trở lên, mức lương có thể hơn 1,5 tỷ đồng/năm.
Các trường đào tạo ngành Vi mạch bán dẫn hiện nay: Đại học Bách khoa Hà Nội, trường Đại học FPT, trường Đại học Công nghệ thông tin, trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM), trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM).
Phi công
Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) thống kê, thế giới cần tuyển dụng khoảng 500.000 - 600.000 phi công trong hai thập kỷ tới vì số lượng máy bay sẽ tăng gấp đôi vào 2044. Điều này mở ra cho các bạn trẻ nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm hơn trong lĩnh vực này.
Hiện tại, mức lương của phi công phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cấp bậc, loại máy bay điều khiển, thâm niên công tác và hãng hàng không mà họ làm việc.
Trong thông báo tuyển phi công phục vụ kế hoạch phát triển các đường bay mới, mức thu nhập tối đa mà hãng hàng không ở Việt Nam đưa ra lên đến 13.300 USD/tháng (khoảng 300 triệu đồng) cho cơ trưởng dòng máy bay thân rộng Boeing 787, cơ phó là 8.000 USD/tháng (khoảng 180 triệu đồng).
Mức thu nhập tối đa dành cho cơ trưởng và cơ phó ở dòng máy bay thân hẹp Airbus và Embraer 190, lần lượt khoảng 10.450 USD/tháng (khoảng 236 triệu đồng) và hơn 6.300 USD/tháng (khoảng 142 triệu đồng). Tuy nhiên, bình quân tiền lương năm 2023 của phi công Việt Nam chỉ bằng 59% so với phi công nước ngoài.
Ngành Logistics
Theo dự báo của Viện Nghiên cứu và phát triển Logistics Việt Nam, đến năm 2030, Việt Nam cần thêm 2,2 triệu lao động trong ngành Logistics, 10% trong đó là nhân lực chất lượng cao, có trình độ ngoại ngữ. Trong khi đó mỗi năm, chỉ có khoảng 2.500 cử nhân ngành này tốt nghiệp.
Hiện mức lương của ngành Logistic được xếp vào những ngành nghề có mức lương cao nhất mọi thời đại. Tổng cục Thống kê thông tin cho hay mức lương khởi điểm của một nhân viên logistics tại Việt Nam vào khoảng 350 - 500 USD/tháng, mức lương trung bình của vị trí quản lý logistics là 3.000 - 4.000 USD/tháng và giám đốc chuỗi cung ứng là 5.000 - 7.000 USD/tháng.
Một số trường đào tạo ngành Logistics: trường Đại học Thương Mại, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, trường Đại học Hàng hải Việt Nam, Đại học Kinh tế TP.HCM, trường Đại học Giao thông Vận tải TP.HCM.