Thầy Văn Như Cương là nhà giáo được rất nhiều thế hệ học sinh kính trọng không chỉ ở năng lực chuyên môn mà còn chiếm được trọn trái tim học trò...
Hung tin PGS Văn Như Cương qua đời vào rạng sáng 9/10 để lại niềm tiếc thương không chỉ với bao thế hệ học trò, các thầy cô giáo mà cả cho những người quan tâm đến sự nghiệp Giáo dục.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết xúc động: “Thầy Văn Như Cương thuộc thế hệ thầy giáo của tôi. Tuy không học Toán và không học trường Sư phạm nhưng tôi gọi PGS Văn Như Cương là thầy với sự tôn kính. Tôi luôn học hỏi được từ thầy rất nhiều tri thức về giáo dục và trong đời sống”.
PGS Văn Như Cương |
Cả cuộc đời, PGS Văn Như Cương đều cống hiến cho sự nghiệp phát triển của ngành Giáo dục. Thầy là người đầu tiên khởi xướng thành lập loại hình trường phổ thông tư thục đầu tiên ở Việt Nam.
Trường THPT Lương Thế Vinh do thầy thành lập năm 1989 hoạt động rất có hiệu quả cho đến nay. Học sinh của trường học tập và rèn luyện rất có nền nếp, tỷ lệ học sinh thi đỗ vào các trường đại học công lập có uy tín rất cao.
Ngoài ra, thầy Văn Như Cương còn là người quan tâm đến nhiều công việc chung của ngành Giáo dục, có nhiều ý kiến đóng góp rất sắc sảo, có căn cứ, mang tính chất xây dựng.
Đối với ông Nguyễn Minh Thuyết, PGS Văn Như Cương là người thầy tài hoa và độc đáo. Mặc dù chuyên ngành của thầy Cương là về Toán học nhưng sự am hiểu về Văn học của thầy cũng rất sâu sắc. Điều đó được thông qua khả năng sáng tác thơ Đường, các câu đối rất hay mà không phải ai cũng có thể làm được.
Không chỉ là một nhà giáo mẫu mực, PGS Văn Như Cương còn chủ biên và trực tiếp biên soạn hơn 60 đầu sách giáo khoa, sách tham khảo phổ thông và giáo trình đại học về chuyên ngành hình học. Ông là tác giả bộ sách giáo khoa hình học phổ thông (chương trình nâng cao) của Việt Nam.
Mặc dù GS Nguyễn Minh Thuyết biên soạn sách giáo khoa tiếng Việt còn thầy Văn Như Cương chủ yếu biên soạn sách Toán nhưng có nhiều lần cả hai cùng đi phản biện về sách. Một số loại sách do thầy Văn Như Cương viết nhưng sự phản biện lại thuộc về GS Nguyễn Minh Thuyết. Những lần tiếp xúc với thầy Cương, đều đọng lại trong GS Thuyết là con người hồn hậu, cởi mở.
Người thầy chiếm được trọn trái tim của biết bao thế hệ học trò
Không chỉ trong công việc, GS Nguyễn Minh Thuyết nhận thấy ở thầy Văn Như Cương là một người rất phong thái nhưng cũng rất hóm hỉnh và còn chiếm được trọn trái tim của biết bao thế hệ học trò.
Thầy Văn Như Cương trong giờ nghỉ với học trò trường Lương Thế Vinh (ảnh: báo Giao thông) |
Học trò của trường THPT Lương Thế Vinh rất quý mến thầy Văn Như Cương. Biết sức khỏe thầy giáo Văn Như Cương không tốt, vào hồi tháng 3/2017, hơn 3.000 học sinh Trường Lương Thế Vinh, Hà Nội đã ghi lại video hát vang ca khúc truyền thống "Bài ca Lương Thế Vinh" để tặng thầy như một món quà tinh thần giúp thầy mau khỏi bệnh.
Khi biết sức khỏe của thầy giáo không được tốt, tại các cơ sở của trường THPT Lương Thế Vinh, tất cả học sinh không chỉ hát bài ca về trường mà cứ đến giờ ra chơi, các em còn gấp những con hạc giấy bỏ vào chiếc thùng để bày tỏ tình cảm, sự kính trọng và lời cầu chúc sức khỏe tới thầy. Chiếc thùng đựng hàng trăm, hàng nghìn con hạc đó được các em gọi là “thùng đựng yêu thương”.
Hành động của học sinh nhiều người rất xúc động. Bởi vì các em đã biết thể hiện sự quan tâm đối với người khác và tình cảm của các em đối với thầy giáo đã thực sự có sự lan tỏa.
Những hình ảnh giữa thầy với các học trò được đưa lên mạng xã hội hay đăng trên các sách báo đều để lại ấn tượng sâu sắc về đạo lý thầy trò.
Khi hàng ngày, chúng ta vẫn nghe thấy nhiều thông tin về các vụ án mạng, vi phạm pháp luật, tình trạng bạo lực học đường... thì tình cảm của học sinh đối với thầy giáo Văn Như Cương cũng cần có sự lan tỏa.
Đó không chỉ là sự bày tỏ tình cảm thầy trò trong sáng mà còn là truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc mà chúng ta cần giáo dục cho các em học sinh.
Thầy Văn Như Cương là nhà giáo được rất nhiều thế hệ học sinh biết đến và kính trọng, không chỉ ở năng lực chuyên môn mà còn ở sự gần gũi, yêu thương học trò. Ông mắc bệnh ung thư gan gần 3 năm nay. Hai tuần nay, sức khỏe thầy yếu hơn và phải nhập viện.
Trước đó, sức khỏe thầy Cương cũng từng có lúc suy yếu vào đầu năm học 2017-2018. Khi đó, học sinh toàn trường đã gấp hàng nghìn con hạc giấy gửi tặng mà đến giờ thầy Văn Như Cương vẫn đặt ở vị trí trang trọng trong nhà.
PGS.TS Văn Như Cương sinh năm 1937 trong một gia đình làm nghề dạy chữ Hán tại làng Quỳnh Đôi (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An). Năm 1954, học xong phổ thông, ông ra Hà Nội học khoa Toán, Đại học Sư phạm Hà Nội. Tốt nghiệp đại học, ông trở thành cán bộ giảng dạy tại trường.
Năm 1989, ông là người thành lập trường dân lập đầu tiên tại Việt Nam: Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội).
Nhà giáo Văn Như Cương đã chủ biên và trực tiếp biên soạn hơn 60 đầu sách sách giáo khoa, sách tham khảo phổ thông và giáo trình đại học về chuyên ngành hình học…/.