Bất chấp việc bị phụ huynh tố cáo phương pháp giáo dục quá hà khắc, Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) vẫn cho ban hành loạt nội quy mới.
Gần đây bức tâm thư "Bên trong cánh cửa Lương Thế Vinh - chưa vơi nụ cười, đã rơi nước mắt" của phụ huynh Hương Giang "tố" trường Lương Thế Vinh áp dụng phương pháp giáo dục hà khắc như liên tục bắt học sinh viết bản kiểm điểm, mời phụ huynh đến làm việc, phạt lao động (rửa bát, dọn vườn…), buộc chuyển trường (đuổi học) gây áp lực tâm lý nặng nề lên học sinh và sự bất an cho phụ huynh đang gây xôn xao dư luận.
Bà Văn Thùy Dương cho rằng phụ huynh tố nhà trường hà khắc không cùng quan điểm giáo dục với THPT Lương Thế Vinh. Ảnh: Lao Động |
Theo tin tức trên báo Tri thức trực tuyến, giữa những tranh cãi gay gắt của dư luận những ngày qua, Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) vẫn cho ban hành nội quy mới.
Theo đó, quy định của trường Lương Thế Vinh nêu rõ: học sinh phải mặc đúng quy định đồng phục, không đi dép lê, dép quai hậu xỏ ngón, giày cao gót. Nam sinh không được để tóc dài, nữ sinh không để những kiểu đầu tóc thời trang, không nhuộm tóc.
Học sinh ra vào trường phải quẹt thẻ theo đúng quy định, nếu quá 3 lần/một kỳ không quẹt thẻ sẽ bị hạ một bậc hạnh kiểm của kỳ học đó; Học sinh vào lớp muộn quá 5 phút (bất cứ tiết học nào) đều không được vào lớp và phải lao động công ích trong suốt thời gian còn lại của một tiết.
Ngoài ra, trường Lương Thế Vinh đưa ra rất nhiều điều "không" như: Không đi xe máy khi chưa có bằng lái xe; Không văng tục, gây gổ, đánh chửi bạn; Không vào quán chơi điện tử trước hoặc sau giờ học; Không mang sách, truyện nhảm nhí và hung khí đến trường; Cấm mang quà bánh, nước uống vào lớp; Tuyệt đối không được mang và ăn kẹo cao su trong trường, nếu vi phạm sẽ xử phạt nặng.;...
Bên cạnh những quy định chung về nề nếp, trường Lương Thế Vinh còn có quy định riêng về việc sử dụng Facebook như không được nói tục, chửi bậy hoặc văng bậy, kể cả chửi bậy bằng những từ viết tắt,… phải sử dụng ngôn từ trong sáng, thuần Việt; Không dùng Facebook để nói xấu người khác, chỉ like status khi đã đọc kỹ nội dung. Nếu like những status có nội dung xấu, chủ nhân Facebook sẽ bị quy trách nhiệm.
Trao đổi với báo VietNamNet xung quanh những nội quy mới này, bà Văn Thùy Dương, Phó hiệu trưởng nhà trường cho rằng những nội dung quy định liên quan đến Facebook như vậy bởi tính đến những ảnh hưởng đến văn hóa của học sinh.
“Bây giờ có những người chưa đọc hết nội dung các bài viết trên mạng xã hội đã bấm like. Vì vậy, chúng tôi yêu cầu học sinh chỉ được like khi mà đã hiểu rõ nội dung, việc đó không chỉ là để giáo dục học sinh mà cũng cần thiết đối với người lớn, phụ huynh. Thực tế đã có những trường hợp bị đuổi khỏi cơ quan khi like những status nói xấu đồng nghiệp”, bà Dương cho hay.
Theo bà Dương, quan điểm của trường là những người không đọc kỹ nội dung các chia sẻ trên mạng mà đã like là một sự a dua và không thể chấp nhận được. Ngoài ra, trường cũng quy định không được viết tắt hay dùng tiếng lóng vì gây khó hiểu.
Bà Dương cho rằng, nhà trường đã áp dụng những quy định này và kể từ đó, hiện tượng học sinh nói tục, chửi bậy trên mạng xã hội giảm đi rất nhiều.
Vị Phó Hiệu trưởng này cho biết thêm, những quy định đối với học sinh như vậy chắc chắc giáo viên cũng sẽ hiểu và làm gương để học sinh noi theo.
Liên quan đến những lùm xùm về ngôi trường dân lập có tiếng trên địa bàn Hà Nội, báo Lao Động dẫn lời PGS. Văn Như Cương (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh, Hà Nội) cho biết, ông rất buồn trước suy nghĩ của phụ huynh cho rằng cách giáo dục của trường Lương Thế Vinh hà khắc.
Ông Cương khẳng định: “Điều này không đúng, hà khắc là khắt khe, nghiệt ngã. Chúng tôi chỉ nghiêm khắc, trong đó có sự bao dung đi kèm. Chúng tôi quan niệm, giáo dục học sinh là điều quan trọng nhất, chứ không thể để các em tự làm nhiệm vụ giáo dục của mình”.
(Tổng hợp)